Cảnh sát đứng bảo vệ trong khi người Philippines kéo đến mua khẩu trang. Ảnh: Vox.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 31/1 tuyên bố dịch viêm phổi do nCoV là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Hiện có hơn 14.500 trường hợp bị lây nhiễm, có thể tiếp tục lan rộng ra ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác nên chuẩn bị ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ.
Dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn đầu. Những vấn đề trọng yếu về nCoV như cách lây nhiễm hay mức độ nguy hiểm vẫn chưa được giải đáp hoàn toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ học thử phân tích và nêu ba kết cục có thể xảy ra.
Dịch bệnh được kiểm soát
Đây là kết cục tốt nhất, tương tự những gì xảy ra với Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Virus gây bệnh cũng là một chủng virus corona, giống nCoV. SARS chủ yếu lây nhiễm ở động vật, nhưng có thể chuyển sang người và lan rộng. Cuối năm 2002 đến cuối năm 2003, có 8.096 người nhiễm bệnh, chủ yếu ở Trung Quốc. 774 người tại 17 quốc gia tử vong.
Đáng chú ý là đến năm 2004, SARS gần như biến mất. "SARS là ví dụ kinh điển cho thấy các biện pháp can thiệp sức khỏe cộng đồng hiệu quả và giúp ngăn chặn dịch bệnh như thế nào", Jessica Fairley, giáo sư tại Đại học Emory giải thích.
Khi SARS hoành hành, các nhà chức trách cố gắng phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nhanh nhất có thể và tiến hành cách ly. Bằng cách này, hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể chiến đấu với virus mà không để chúng lây sang người khác.
Trong khi đó, các nhà khoa học nghiên cứu virus, nhà chức trách tìm hiểu kỹ từng trường hợp để xem họ đã tiếp xúc với những ai, bệnh viện thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm chặt chẽ. Bên cạnh đó, các biện pháp khác như giới hạn di chuyển hay kiểm tra hành khách ở sân bay cũng được áp dụng.
Ngày nay, SARS có thể vẫn tồn tại ở động vật nhưng không còn lây lan ở người. Tuy nhiên, thành công trong việc dập dịch SARS có thể khó lặp lại đối với dịch viêm phổi Vũ Hán.
Với SARS, người nhiễm bệnh thường không lây cho người khác trước khi bộc lộ triệu chứng, ví dụ như sốt. Khi bắt đầu sốt, người bệnh có thể lập tức được cách ly và không khiến dịch bệnh lan rộng hơn. Với dịch viêm phổi do nCoV, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn virus có thể lây nhiễm trước khi xuất hiện triệu chứng hay không (theo báo cáo, đã có trường hợp virus lây lan theo cách này). Nếu vậy, dịch sẽ khó kiểm soát hơn vì người bệnh không biết mình đã nhiễm virus và vẫn sinh hoạt bình thường, khiến những người xung quanh lây bệnh.
SARS cũng không lây lan mạnh khi ở bên ngoài các cơ sở y tế và không có sự trợ giúp của các "bệnh nhân siêu lây nhiễm", theo Amesh Adalja, chuyên gia tại Trung tâm An toàn Sức khỏe Johns Hopkins. Bệnh nhân siêu lây nhiễm là số ít những người, do hành vi hoặc cấu tạo hệ miễn dịch, khiến bệnh nhanh chóng lan rộng. Với SARS, khi tìm ra và cách ly những cá nhân này, việc ngăn chặn dịch trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa rõ vai trò của bệnh nhân siêu lây nhiễm với dịch viêm phổi Vũ Hán.
Dịch bệnh cũng có thể được dập tắt với sự ra đời của vắc xin mới, nhưng quá trình này có thể kéo dài nhiều năm. "Vì vậy, tất cả phụ thuộc rất lớn vào khả năng phát hiện người nhiễm bệnh của các cơ quan y tế công cộng, cách ly và chăm sóc cho họ, cũng như khả năng tự giữ vệ sinh của người bệnh", Nathan Grubaugh, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Yale, nhận xét.
|
Hình ảnh hiển vi của chủng virus corona gây ra dịch SARS. Ảnh:Vox. |
Virus tự ngừng lây lan vì hết "nhiên liệu"
Dịch bệnh bùng phát có những điểm giống với một đám cháy. Virus là lửa. Người dễ nhiễm bệnh là nhiên liệu. Lửa cuối cùng sẽ tàn nếu nhiên liệu cạn kiệt. Dịch bệnh bùng phát do virus cũng sẽ kết thúc nếu không thể tìm được những người dễ nhiễm bệnh để lây sang.
Dịch bệnh do virus Zika hoành hành tại Puerto Rico và Nam Mỹ năm 2015-2016 là ví dụ cho tình huống này, Michael Mina, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Harvard, cho biết.
"Rất nhiều người mắc bệnh trong thời gian vô cùng ngắn", Mina nói. Có tới hơn 35.000 trường hợp nhiễm bệnh tại Puerto Rico năm 2016. Nhưng sau đó, số người dễ nhiễm bệnh giảm đi. Những ai có nguy cơ cao nhất tiếp xúc với muỗi mang bệnh đều đã bị lây nhiễm và chỉ còn rất ít người cho virus tấn công. Dù vẫn tồn tại ở quy mô nhỏ hơn tại Brazil, dịch bệnh gần như không còn lây lan ở Puerto Rico.
Các nhà khoa học chưa rõ về khả năng tự ngừng lây lan của virus corona mới vì chưa biết chính xác ai là đối tượng dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, đây không phải là kết cục lý tưởng vì sẽ có rất nhiều người nhiễm bệnh, thậm chí tử vong, trước khi virus dừng phát triển.
nCoV trở thành virus thông thường
Năm 2009, chủng virus cúm H1N1 mới gây ra đại dịch trên toàn cầu. Tuy nhiên, sau một thời gian, nó trở thành căn bệnh bình thường có thể xuất hiện mỗi mùa cúm, Mina cho biết.
Hiện có 4 chủng virus corona thường khiến con người bị cảm hoặc viêm phổi, Adalja giải thích. Có khả năng nCoV sẽ trở thành chủng thứ 5 và giống như cúm, xuất hiện rồi biến mất theo mùa. Nó sẽ trở thành virus theo mùa ở Trung Quốc hoặc trên toàn thế giới.
Đây cũng không phải là kết cục lý tưởng. Con người không cần thêm virus để đối phó. "nCoV có thể gây ra bệnh dịch nghiêm trọng, không phải cảm thông thường. Đã có nhiều người chết, nhiều người cần điều trị tích cực. Tất cả những điều đó khiến chúng ta muốn kiểm soát được dịch bệnh. Có thể nó không trầm trọng như SARS nhưng chắc chắn trầm trọng hơn những chủng virus corona khác mà chúng ta quen đối phó mỗi năm", Adalja nhận định.
Theo
vnexpress