Tự tăng liều thuốc

leftcenterrightdel
 Người bệnh huyết áp cao cần được dùng thuốc kiểm soát huyết áp hiệu quả theo đơn của bác sĩ

Theo Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai), ngay từ những ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, Đơn vị C9 đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện điều trị trong tình trạng nguy cấp, trong đó, phần lớn các ca đột quỵ là là bệnh nhân tăng huyết áp (huyết áp cao).

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Song Giang, Trưởng Đơn vị C9 (Viện Tim mạch), cho biết, trong các ca nhập viện có bệnh nhân nam, 67 tuổi, bị tăng huyết áp nhiều năm nay.

Bệnh nhân vẫn uống thuốc đều hàng ngày (một loại thuốc), nhưng huyết áp vẫn thường xuyên ở mức cao (150/95mmHg). Tuy nhiên, do không có dấu hiệu khó chịu nên bệnh nhân không đi khám lại để bác sĩ chỉnh đơn thuốc.

Buổi sáng trước nhập viện một ngày, sau khi uống rượu, bệnh nhân thấy đau đầu, choáng váng, tê bì nửa người. Lúc này, khi đo huyết áp, thấy chỉ số tăng cao (190/105mmHg), bệnh nhân tự uống thêm 1 viên thuốc hạ huyết áp. Sau đó bệnh nhân thấy dễ chịu hơn nhưng có tê bì nhẹ nửa người phải.

Ngày hôm sau, bệnh nhân thấy tay và chân bên phải yếu dần và không cử động được nữa nên đến khám tại Viện Tim mạch. Tại đây, kết quả chụp cắt lớp sọ não cho thấy bệnh nhân có hình ảnh nhồi máu não (tắc mạch não) giờ thứ 30.

Thỉnh thoảng uống thuốc điều trị huyết áp cao

Cũng nhập viện điều trị tại Viện Tim mạch mới đây do đột quỵ có bệnh nhân nữ, 75 tuổi. Bệnh nhân đã được chẩn đoán tăng huyết áp nhiều năm qua, đang dùng 2 loại thuốc hạ huyết áp được bác sĩ của một bệnh viện kê đơn.

Bác sĩ cảnh báo: Sai lầm khi dùng thuốc huyết áp làm tăng nguy cơ đột quỵ- Ảnh 2.

Đột quỵ có thể gây tàn phế, tử vong. Kiểm soát huyết áp tốt giúp giảm nguy cơ đột quỵ

BACHMAI.GOV.VN

Theo thông tin từ gia đình người bệnh, tại nhà, thỉnh thoảng, bệnh nhân quên không uống thuốc. Khoảng một tuần trước nhập viện, chỉ số huyết áp của bệnh nhân lên, xuống thất thường, có lúc lên tới 180/100mmHg. Kèm theo đó, bệnh nhân có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt. Bệnh nhân đi khám ở phòng khám tư, được bác sĩ chẩn đoán là cơn tăng huyết áp, rối loạn tiền đình và cho đơn thuốc về điều trị ngoại trú.

Khoảng 3 ngày trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nói ngọng nhưng không đi khám ngay. Khi bệnh nhân được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai (Viện Tim mạch), kết quả chụp cắt lớp cho thấy bệnh nhân nhồi máu não. Lúc này, bệnh nhân đã bị liệt nửa người bên trái.

Cần kiểm soát tốt chỉ số huyết áp

Qua thực tế điều trị, bác sĩ Giang cho hay, nguyên nhân gây ra đột quỵ ở cả 2 bệnh nhân trên đều là do việc điều trị tăng huyết áp chưa tốt. Đây chỉ là 2 trường hợp điển hình trong số các ca đột quỵ nhập viện, có nguyên nhân do huyết áp cao không được kiểm soát hiệu quả.

Theo bác sĩ Giang, huyết áp tối ưu cần đạt được khi điều trị là dưới 130/80mmHg. Do đó, khi huyết còn cao trên 140/90mmHg, người bệnh cần quay lại gặp bác sĩ để được điều chỉnh thuốc để đạt kết quả.

"Bệnh nhân huyết áp cao không được tự ý bỏ thuốc, tự điều chỉnh liều hoặc không uống thuốc đều hàng ngày", bác sĩ đặc biệt lưu ý.

Bác sĩ Giang cũng chia sẻ, với 2 ca bệnh nêu trên, là các trường hợp bị đột quỵ nhồi máu não nhưng nhập viện muộn.

"Nếu nhập viện sớm, trong giai đoạn "giờ vàng", bệnh nhân sẽ được dùng thuốc tiêu cục máu đông hoặc được hút cục máu đông gây tắc mạch não thì các dấu hiệu của đột quỵ như liệt nửa người sẽ được hồi phục nhanh chóng, thậm chí có thể trở về bình thường. Do đó khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ cần đến bệnh viện ngay lập tức", bác sĩ lưu ý.

Giai đoạn "giờ vàng" là trong vòng 4 - 6 giờ, từ lúc người bệnh xuất hiện triệu chứng bất thường cảnh báo của đột quỵ (mất thăng bằng, nhức đầu, chóng mặt; mờ mắt; méo, xệ mặt một bên; tay, chân cùng bên tê bì hoặc yếu hơn bên kia; khó nói, nói ngọng…) cho đến khi được chẩn đoán.

Một chuyên gia của Hội Tim mạch Việt Nam lưu ý, khi điều trị, huyết áp cao trở về chỉ số bình thường là do thuốc. Nếu dừng thuốc sẽ khiến huyết áp tăng đột ngột trở lại gây tai biến. Hoặc chỉ uống khi cảm thấy huyết áp lên (đau đầu, mặt nóng bừng) cũng là sai lầm. Vì nhiều trường hợp không có dấu hiệu cảnh báo, chỉ biết huyết áp tăng vọt khi nhập viện do tai biến mạch máu não, đột quỵ. Do đó, việc uống thuốc điều trị cao huyết áp phải đều đặn, hằng ngày để kiểm soát huyết áp.

Theo Hội Tim mạch Việt Nam, cao huyết áp là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra đột quỵ chảy máu não. Bệnh nhân cao huyết áp nếu giảm được chỉ số huyết áp cũng sẽ giảm khả năng gặp phải biến cố đột quỵ, tuy nhiên, nhiều người bị huyết áp cao chưa kiểm soát huyết áp hiệu quả. Một số nghiên cứu từng cho biết, có tới 40% người bệnh đang uống thuốc hạ huyết áp khi xảy ra đột quỵ. 

Theo Thanh niên