Theo Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), nguyên nhân gây bệnh tim mạch là do các rối loạn của tim và mạch máu. Bệnh tim mạch bao gồm bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp (cao huyết áp), bệnh động mạch ngoại biên, bệnh thấp tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim.

Các nguyên nhân chính của bệnh tim mạch là sử dụng thuốc lá, thiếu hoạt động thể lực, chế độ ăn uống không lành mạnh và sử dụng rượu bia ở mức độ nguy hại. Do đó, hầu hết các bệnh tim mạch có thể được phòng ngừa bằng cách thay đổi thói quen, hành vi.

leftcenterrightdel
 Nên sử dụng các loại dầu làm từ thực vật để nấu ăn

Thay đổi chế độ ăn để phòng bệnh tim mạch

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Mỹ Bảo Anh (Trưởng khoa khám bệnh - chuyên khoa Tim mạch - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và cholesterol (có nhiều trong thịt đỏ, nội tạng động vật, thức ăn nhanh,...) làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, dẫn đến xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Thay đổi lối sống là cách hiệu quả để ngăn ngừa bệnh tim mạch. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tim mạch và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch nguy hiểm.

"Bệnh động mạch vành là căn bệnh nguy hiểm xuất phát từ tình trạng hẹp các động mạch cung cấp máu nuôi tim. Quá trình hình thành mảng xơ vữa do các mảng bám tích tụ bên trong thành động mạch, làm hẹp dần lòng mạch, dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim. Chế độ ăn uống không lành mạnh là một trong những yếu tố nguy cơ thúc đẩy gây bệnh động mạch vành", bác sĩ Bảo Anh phân tích.

1/2 khẩu phần ăn nên là rau và trái cây

Theo bác sĩ Anh, cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh để bảo vệ tim mạch và sức khỏe. Đặc biệt việc kiểm soát khẩu phần ăn, tăng cường rau, trái cây, giảm lượng chất béo xấu sẽ giúp làm giảm cholesterol máu, giảm huyết áp, giảm lượng đường máu.

"Ví dụ một bữa ăn tốt cho tim mạch gồm 1/2 khẩu phần ăn với nhiều loại rau và trái cây, 1/4 khẩu phần là ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, hoặc mì ống nguyên hạt hoặc ngũ cốc; 1/4 là đậu, cá, hải sản hoặc một lượng nhỏ trứng và thịt gia cầm nạc", bác sĩ Bảo Anh chia sẻ.

Ngoài ra, nên sử dụng các loại dầu lành mạnh làm từ thực vật để nấu ăn. Sử dụng dầu ô liu, cải dầu, đậu phộng, hướng dương, đậu tương, vừng. Thêm hương vị bằng cách sử dụng các loại thảo mộc và gia vị thay vì muối.

leftcenterrightdel
 Cần tăng cường các loại rau, củ, trái cây trong khẩu phần ăn

Giảm lượng muối và chất béo 

"Đối với chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần xây dựng khẩu phần ăn hợp lý với đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giảm chất béo và hạn chế muối. Thêm vào đó, việc tuân thủ chế độ tập luyện phù hợp, bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia cũng vô cùng quan trọng", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Ngoài các nguyên tắc về chế độ dinh dưỡng, cần kết hợp thêm các hoạt động luyện tập. Tuy nhiên, cường độ luyện tập cao sẽ không tốt cho tim và các hoạt động phải đảm bảo 3 giai đoạn: Khởi động từ từ với cường độ tăng dần, duy trì nhịp tim ở mức tối ưu và giảm dần cường độ.

Theo Thanh niên