Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3) cho biết, y học phương Đông xem quế là một trong 4 vị thuốc quý gồm sâm, nhung, quế, phụ. Việt Nam là một trong những nước trồng nhiều quế.

Lá và vỏ quế thường được dùng làm tinh dầu. Lớp ngoài vỏ quế được gọi là quế thông, sau khi gọt bỏ vỏ thô bên ngoài, lấy lớp trong gọi là quế tâm. Vỏ quế giàu tanin (5%) và chứa tinh dầu (1,2-1,5%), tinh dầu quế giàu aldehyd cinnamic (80,85%).

Bác sĩ Vũ cho biết, theo các tài liệu y văn cổ, tất cả các bộ phận của quế đều được sử dụng làm thuốc và có những tác dụng chữa bệnh khác nhau. Y học cổ truyền đã có cách sử dụng các vị thuốc từ quế rất đa dạng. Ngày nay, theo các nghiên cứu mới nhất, các vị thuốc từ quế còn có tác dụng ngừa bệnh tiểu đường, giảm nguy cơ bệnh tim, kháng viêm mạnh, bảo vệ não khỏi chứng mất trí và suy giảm nhận thức, phòng ung thư, mụn trứng cá, loại bỏ hơi thở hôi, tốt cho da....

Trong đời sống hằng ngày, quế có nhiều ứng dụng như làm gia vị, chăm sóc sức khỏe, túi thơm thảo mộc, xông nhà, làm miếng lót giày...

Bác sĩ chia sẻ lợi ích của quế - một trong 4 vị thuốc quý- Ảnh 1.

Người dân thu hoạch vỏ quế

ẢNH: MẠNH CƯỜNG

Tác dụng chữa bệnh của quế

Giúp dễ ngủ: Có thể sử dụng tinh dầu quế đốt lên và để trong góc phòng. Việc làm này sẽ tạo ra cơ chế khuếch tán hương thơm, làm cho không gian trong phòng có mùi thơm đặc trưng của thảo dược và dễ dàng ngủ sâu hơn.

Chữa đau nhức xương khớp: Quế ngâm rượu để xoa bóp giúp giảm đau khớp rất tốt. Tuy nhiên cần thận trọng không nên dùng quá nhiều sẽ gây bỏng rát da vì quế rất nóng. Có thể dùng vài giọt tinh dầu quế pha với dầu dừa để xoa bóp giúp thư giãn, giãn cơ rất tốt.

Chống hôi miệng: Có thể sử dụng vỏ quế khô hoặc tinh dầu quế. Hương thơm của quế sẽ giúp bạn có hơi thở thơm mát. Nhai một miếng quế khô còn có khả năng kháng khuẩn chống viêm để loại bỏ sâu răng và các nguyên nhân khác gây hôi miệng.

Làm giảm triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh: Pha vài giọt tinh dầu quế vào chậu nước nóng nhỏ xông mặt làm thông đường hô hấp, chữa nghẹt mũi, dễ thở.

Dùng để ngâm, tắm, xông: Làm thơm, làm ấm cơ thể, thư giãn toàn bộ cơ thể

Quế, gia vị của nhiều món ngon, tốt cho tiêu hóa: Vị thơm, cay và ngọt của quế giúp khử bớt mùi tanh của cá, thịt, làm cho món ăn có hương vị hấp dẫn hơn, kích thích hệ tiêu hóa. Ngoài tác dụng làm cho món ăn thêm hấp dẫn, thành phần tinh dầu của quế cũng giúp hệ tiêu hóa kháng khuẩn, tăng thêm tính ấm cho món ăn, trừ đi phần hàn, giúp người ăn tránh được đau bụng.

"Tuy nhiên cần thận trọng và dùng vừa phải, dùng nhiều quế có thể khiến môi miệng bị kích ứng, những người dị ứng với quế nên tránh các món ăn có quế làm gia vị, cũng không nên ăn quá nhiều quế vì quế tính nóng, gây mất cân bằng âm dương trong cơ thể", bác sĩ Vũ lưu ý.

Các ứng dụng khác của quế

Túi thơm quế: Mùi nấm mốc từ áo quần hay tường vôi ẩm, mùi máy lạnh, mùi xe ô tô… những thứ mùi khó chịu ảnh hưởng đến bầu không khí trong lành xung quanh sẽ được khử sạch bằng túi thơm quế. Tinh dầu quế có tác dụng khử khuẩn, diệt nấm, xua đuổi ký sinh trùng

Miếng lót giày: Khử mùi, làm ấm lòng bàn chân, hạn chế được nấm chân hay còn gọi là nấm candida albicans.

"Quế không chỉ là vị thuốc quý mà còn được ứng dụng đa dạng trong đời sống. Tuy nhiên khi sử dụng quế trong điều trị bệnh, cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên môn", bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Theo Thanh niên