Nước dừa ngọt ấm, giúp tăng cường khí lực. Uống nước dừa thường xuyên sẽ tốt cho sức khỏe trong mùa hè nắng nóng này - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Bác sĩ chuyên khoa 1 (BS.CK1) Huỳnh Liên Đoàn, Phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM, hướng dẫn một số loại đồ uống giải nhiệt trong mùa hè, có nguồn gốc từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe.
1. Trà xanh
Trà xanh là một trong những loại thảo dược có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tốt. Trong lá trà xanh chứa hàm lượng Epigallocatechin Gallate (EGCG), là chất chống ô xy hóa mạnh nhất có nguồn gốc tự nhiên giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc ở cường độ cao; đồng thời làm mát da, lọc bỏ độc tố trên da, làm sáng, mịn da.
Thời tiết nóng, uống trà vừa tốt cho sức khỏe vừa đã khát. Mỗi ngày uống 4 - 5 tách trà khoảng (800 - 1.000 ml) là có thể giúp cơ thể giải nhiệt, giải độc, phòng ngừa được một số bệnh như cao huyết áp, xơ vữa động mạch,...
Nên uống trà xanh vào buổi sáng, trưa, chiều; không nên uống vào buổi tối để không khó ngủ.
2. Nước râu bắp
Theo Đông y, râu bắp (ngô) có tên thuốc là ngọc mễ tu. Râu bắp là loại có sợi dài, dai, màu nâu hung, vị ngọt, khô mà mềm được coi là loại tốt cho sức khỏe.
Râu bắp có vị ngọt, tính bình, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can, thoái hoàng, chỉ huyết.
Râu bắp có thể dùng tươi hoặc phơi khô, kết hợp với mía lau, lá dứa nấu nước uống thay nước lọc hằng ngày. Đặc biệt, những người bị bệnh cao huyết áp, đái tháo đường dùng nước này rất tốt.
3. Nước cam, chanh
Cam, chanh có tác dụng sinh tân dịch, cải thiện tình trạng khô khát, trừ nhiệt, dùng chữa các bệnh khô nóng do nhiệt.
4. Sắn dây, quất
Theo y học cổ truyền, sắn dây có vị ngọt, tính bình, công năng giải nhiệt, giải biểu, sinh tân dịch, chỉ khát, tác dụng chữa cảm mạo, phát sốt, ban sởi mới phát, đi lị ra máu, khát nước, mụn nhọt.
Đặc biệt, trong sắn dây có chất isoflavon giúp tăng lượng máu lên não, làm giảm huyết áp, nên cũng là thức uống phòng cao huyết áp.
Đồ uống sắn dây, quất giúp thanh nhiệt, giải độc và làm ra mồ hôi.
Cách làm rất đơn giản: Cho 100 ml nước vào bột sắn dây quấy tan. Rửa sạch hai quả quất, bổ làm đôi, vắt bỏ hạt lấy nước cốt rồi cho vào nước bột sắn quấy thật đều. Cho thêm đường và quấy tan. Khi thưởng thức có thể cho thêm đá.
5. Rau má
Theo Đông y, rau má có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng). Khi ăn ở dạng tươi như một loại rau, người ta cho rằng nó giúp cho việc duy trì sự trẻ trung.
Nước sắc từ lá rau má được coi là có tác dụng hạ huyết áp. Nước rau má cũng được coi là một loại thuốc bổ dưỡng để có sức khỏe tốt (tăng trí nhớ, thị lực).
Rau má có vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu.
Mỗi ngày dùng 30 - 50 g rau má tươi (có thể nhiều hơn), rửa thật sạch rồi giã nát hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước pha nước hoặc nước dừa để uống. Có thể nấu canh để ăn trong bữa cơm hoặc nấu lấy nước uống thay nước trà trong ngày.
6. Nước dừa
Theo Đông y, nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực. Uống nước dừa thường xuyên sẽ rất tốt cho sức khỏe.
7. Nước vỏ dưa hấu, bí đao
Theo Đông y, vỏ dưa hấu có thể làm tiêu tan cái nóng và giải khát, thanh nhiệt giải độc.
Vỏ quả bí đao có tác dụng tiêu sưng, viêm, rất tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Vỏ dưa hấu, bí đao thái nhỏ (dùng tươi hoặc phơi khô) rồi sắc với nước uống hằng ngày. Uống nước vỏ dưa hấu, bí đao có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, rất tốt cho những người khó tiểu tiện hay cần phải bù nước.
Ngoài ra, dưa hấu có vị vừa ngọt vừa nhạt, tính hàn không độc, trị cảm nắng, tê mỏi đau, tiểu tiện lắt nhắt… Nếu ăn với ít muối thì nhuận tràng.
Theo thanhnien