Chăm sóc các bé sơ sinh tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030". Trong đó, khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con.
Các bác sĩ giải thích độ tuổi ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như thế nào, đặc biệt là ở phụ nữ.
Độ tuổi tốt nhất để dễ có con
Theo tiến sĩ - bác sĩ Bùi Chí Thương, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), giảng viên bộ môn phụ sản, Trường đại học Y Dược TP.HCM: Không có khuyến cáo y khoa nào về độ tuổi kết hôn tốt nhất mà chỉ cần kết hôn theo đúng độ tuổi được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, việc kết hôn quá trễ có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng có con của cặp vợ chồng vì khó có thai.
“Độ tuổi có thai tốt nhất đối với phụ nữ là 20-30 tuổi. Ở độ tuổi này, chất lượng noãn còn tốt và số lượng noãn chưa giảm nhiều. Sau 30 tuổi chất lượng và số lượng noãn bắt đầu giảm nên phụ nữ sẽ khó có thai hơn. Sau 35 tuổi thì càng khó đậu thai, tăng khả năng sẩy thai và thai lưu”, bác sĩ Thương cho biết.
Trong khi đó, ở nam giới thì độ tuổi để có con có thể kéo dài đến… 80 tuổi. Tuy nhiên, càng lớn tuổi thì khả năng quan hệ và số lượng tinh trùng của nam giới cũng suy giảm so với giai đoạn thanh niên.
Thai phụ càng lớn tuổi, càng nhiều nguy cơ bất thường
Độ tuổi mang thai của người mẹ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và những nguy cơ bất thường trong thai kỳ cũng như khó khăn khi sinh nở.
“Thai phụ càng lớn tuổi thì càng có nguy cơ cao dễ bất thường thai nhi do đột biến nhiễm sắc thể gây dị tật hoặc sẩy thai, thai lưu”, bác sĩ Thương khuyến cáo.
Bác sĩ Lê Tiểu My (Khoa Phụ sản - Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Mỹ Đức, TP.HCM), cho biết: Phụ nữ sau 35 tuổi thì khó có thai hơn và khi mang thai cũng có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và em bé. Thai phụ lớn tuổi hay gặp “trục trặc” hơn trong thai kỳ và nguy cơ thai bất thường cũng nhiều hơn do buồng trứng bắt đầu giảm số lượng và chất lượng.
Các biến chứng, tai biến sản khoa tăng rõ ở nhóm phụ nữ mang thai sau 35 tuổi.
Khi thai phụ lớn tuổi thì thai nhi cũng có nguy cơn dị tật nhiều hơn và bất thường nhiễm sắc thể cũng tăng.
Theo bác sĩ My, các nguy cơ thai bất thường phổ biến ở thai phụ lớn tuổi như: sẩy thai, tăng huyết áp, đái tháo đường thai kỳ; ở thai nhi, nguy cơ hội chứng Down cũng tăng theo độ tuổi mang thai của mẹ, thai phụ sau 35 tuổi thì thai nhi có nguy cơ càng tăng cao. Khi sinh, khả năng phải mổ lấy thai ở sản phụ lớn tuổi cũng cao hơn, dẫn đến nhiều rủi ro hơn trong cuộc sinh.
“Các nghiên cứu y học cho thấy, phụ nữ mang thai ở độ tuổi 20-30 tuổi, ít nguy cơ sẩy thai, em bé ít bất thường. Mặc khác, người mẹ trẻ nên sức khỏe cũng tốt hơn, từ đó có thể chăm sóc con tốt hơn”, bác sĩ My nhận định.
Buồng trứng suy giảm theo tuổi
Theo thạc sĩ - bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, - Phó chủ tịch Hội sinh sản châu Á-Thái Bình Dương: Buồng trứng của phụ nữ được ví như gia tài để thực hiện thiên chức làm mẹ. Gia tài này chỉ suy giảm dần theo độ tuổi, không sinh thêm được.
Lúc mới sinh, hai buồng trứng của bé gái có khoảng 1 triệu nang noãn và liên tục giảm dần do nang noãn tự thoái hóa. Đến khi dậy thì (khoảng 13 tuổi), thì buồng trứng có thể bắt đầu rụng trứng (phóng noãn). Số nang noãn trong buồng trứng cứ giảm dần theo tuổi. Đồng thời, khi càng lớn tuổi thì chất lượng nang noãn cũng giảm. Cho đến thời điểm mãn kinh, thì hai buồng trứng còn trên dưới 1.000 nang noãn nhưng những nang noãn này chất lượng quá kém, không còn sử dụng được nữa.
“Vì vậy, phụ nữ cần hiểu biết và có kế hoạch phù hợp để sử dụng tốt nhất “gia tài” quý giá này có con, mang thai và sinh con khỏe mạnh. Phụ nữ nên có kế hoạch có con sớm, trước 35 tuổi và nếu phát hiện buồng trứng có vấn đề nên sắp xếp để có con sớm hơn”, bác sĩ Tường khuyên.
Theo thanhnien