Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết cây ổi từ lâu đã trở nên quen thuộc trong đời sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Các bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, quả, vỏ thân hoặc rễ đều có công dụng chữa bệnh, dùng làm các vị thuốc lành tính, an toàn.
"Trong lá ổi tươi có chứa 82,47% lượng nước, 0,62% chất béo, 18,53% protein, 12,74% carbohydrate, 103 mg axit ascorbic (vitamin C), 1.717 mg axit gallic. Các hợp chất flavonoid trong chiết xuất lá ổi có hoạt tính kháng khuẩn mạnh và quercetin có hoạt tính chống tiêu chảy mạnh mẽ. Polysaccharides trong lá ổi có thể được sử dụng như một chất phụ gia chống oxy hóa trong thực phẩm và điều trị bệnh tiểu đường", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Tăng cường đề kháng, giúp giảm cân
Với sự có mặt của các chất chống oxy hóa, các chất xơ hòa tan, lá ổi giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, hạn chế sự hình thành của các gốc tự do gây ra tình trạng suy giảm trí nhớ, giảm cholesterol. Ngoài ra, lá ổi còn có vitamin C và sắt, hỗ trợ điều trị ho, cảm lạnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Một trong những tác dụng khác của lá ổi được chị em yêu thích chính là hỗ trợ giảm cân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lá ổi giúp làm giảm quá trình nạp tinh bột và chuyển hóa đường vào cơ thể.
Cải thiện sức khỏe răng miệng, da và tóc
Lá ổi có chứa hoạt chất astringents với tác dụng làm chặt chân răng, giảm nhẹ các cơn đau tại nướu. Bạn chỉ cần sử dụng lá ổi tươi đã rửa sạch và giã nát, thoa lên vùng nướu bị đau. Sau một thời gian ngắn, các cơn đau răng nướu sẽ giảm nhẹ. Tình trạng viêm nhiễm khuẩn nướu cũng sẽ được cải thiện rõ rệt nếu sử dụng phương pháp này thường xuyên.
Sử dụng nước lá ổi giúp gây ức chế quá trình hình thành của gốc tự do - nguyên nhân chính gây ra tình trạng lão hóa da. Gội đầu với nước lá ổi giúp hỗ trợ điều trị tình trạng rụng tóc.
Lá ổi - vị thuốc trong y học cổ truyền
Theo Đông y, lá ổi có vị chát, có nhiều chất tanin nên giúp làm săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột, kháng khuẩn nên thường được dùng trị viêm ruột cấp và mạn, kiết lỵ, trẻ em tiêu hóa kém. Liều dùng 15-30 g lá thuốc sắc.
Lá tươi cũng được dùng trị chấn thương bầm dập, vết thương chảy máu và vết loét. Người dân thường dùng lá và quả ổi chữa tiêu chảy và đau bụng đi ngoài. Dùng lá ổi cả lá non, lá già, dùng một nắm độ 50g đem sắc với hai bát nước. Sắc như sắc thuốc, đun nhỏ lửa sôi từ từ trong 15-30 phút. Sau đó để nước âm ấm, chiết lấy nước uống làm nhiều lần, mỗi lần một chén nhỏ.
Lá, búp ổi non còn được dùng chữa bệnh zona (còn gọi là bệnh giời leo, thường mọc những mụn nước thành đám trong người, nhất là ở ngực và lưng). Dùng lá búp ổi non 100g rửa sạch, phèn chua 10g, muối 1g, cho tất cả vào cối giã nhỏ, thêm ít nước. Dùng nước thuốc này để bôi. Có thể cho thêm 5-6g bột sunfamit càng tốt.
Các lưu ý khi sử dụng lá ổi
Tuy có nhiều lợi ích, tác dụng tốt đối với sức khỏe, nhưng khi sử dụng lá ổi, bạn cũng cần lưu ý tới các vấn đề sau: Chỉ sử dụng lá ổi với tần suất vừa phải. Việc quá lạm dụng lá ổi có thể gây ra các tác dụng phụ hoặc gây ra tình trạng dị ứng.
Người bị bệnh chàm cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng lá ổi bởi các chiết xuất có trong lá ổi có thể gây kích ứng da. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng lá ổi nếu bạn đang mắc phải các bệnh mạn tính tim mạch, loãng xương, các bệnh lý liên quan đến thận,...
Dùng lá ổi trong thời gian điều trị bằng thuốc tây có thể làm giảm các tác dụng của một số loại thuốc, do đó cần chú ý và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Theo Thanh niên