Bác sĩ chuyên khoa 1 Đinh Trần Ngọc Mai (Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết hiện nay, nhiều người vẫn có thói quen sử dụng một số loại lá cây như lá sa kê, kim tiền thảo, ngò gai, rau ngổ... để trị sỏi thận. Bởi theo kinh nghiệm dân gian thì chúng có tác dụng lợi tiểu, làm tan sỏi thận. Tuy nhiên, trước khi sử dụng lá hay bất kỳ bài thuốc nam nào, bạn cần tham khảo kỹ tư vấn của bác sĩ chuyên môn.

"Vì trong thực tế từng có nhiều trường hợp gặp phải biến chứng không mong muốn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng do sử dụng lá cây, bài thuốc không rõ nguồn gốc. Phần lớn các loại lá chữa sỏi thận đều có tác dụng lợi tiểu, khi quá lạm dụng, chúng sẽ gây rối loạn điện giải, khiến cơ thể mất nước. Thận lúc này phải làm việc nhiều hơn, kéo theo đó là tình trạng mệt mỏi, háo nước, chuột rút tác động tiêu cực lên hệ cơ và tim mạch", bác sĩ Ngọc Mai phân tích.

Bên cạnh đó, một số loại lá cây còn chứa các độc tố gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến suy gan, suy thận nếu sử dụng lâu dài với liều lượng cao. Do đó, việc tự chữa sỏi thận bằng thuốc nam, lá cây tại nhà không hề được khuyến khích. Triệu chứng nhận biết sỏi thận là đau hông lưng, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt, tiểu khó, sốt cao, nước tiểu lẫn máu.

Nhằm loại bỏ sỏi thận một cách an toàn, bạn nên đi thăm khám để lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, để phòng ngừa sỏi thận, cần uống đủ nước. Nên uống đều đặn 2 đến 3 lít nước mỗi ngày, luyện tập thể thao, hạn chế sử dụng quá mức caffein (tập trung nhiều trong trà, cà phê, sô cô la... ), giảm lượng muối hấp thụ vào cơ thể thông qua chế độ ăn nhạt, hạn chế sử dụng đồ đóng hộp như thịt xông khói, xúc xích, đồ ăn sẵn và hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo.

Chế độ ăn hằng ngày nên đa dạng các nhóm thực phẩm, ăn đủ chất xơ, rau củ, trái cây để giúp cho việc điều trị dứt điểm, ngăn bệnh tiến triển và giảm nguy cơ tái phát về sau.

Bác sĩ nói gì về việc 'có nên uống nước lá cây để làm tan sỏi thận'?- Ảnh 1.

Nhiều người vẫn có thói quen sử dụng một số loại lá cây như lá sa kê, kim tiền thảo, ngò gai, rau ngổ... để trị sỏi thận. CÔNG HÂN

Triệu chứng nhận biết sớm sỏi thận và cách điều trị

Bác sĩ chuyên khoa 1 Phó Minh Tín, quản lý và điều hành Khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết sỏi thận ở giai đoạn sớm thường ít hoặc không có triệu chứng, để phát hiện sớm sỏi thận, thường thông qua kết quả siêu âm bụng tổng quát. Độ chính xác phát hiện sỏi thận trên siêu âm bụng khoảng 90%, khả năng phát hiện sỏi phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm, độ hiện đại của máy siêu âm và kích thước của sỏi.

Sỏi càng to thì càng dễ phát hiện nên một số trường hợp khó chẩn đoán hoặc nghi ngờ có thể cần chụp thêm phim X-quang và chụp cắt lớp vi tính bụng để chẩn đoán chính xác.

Hiện nay, các phương pháp điều trị sỏi thận bao gồm mổ mở lấy sỏi, phẫu thuật nội soi lấy sỏi thận, tán sỏi thận bằng ống soi mềm, lấy sỏi thận qua da tiêu chuẩn, lấy sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ...

Đối với một số trường hợp sỏi không phức tạp và không có biến chứng nhiễm trùng kèm theo, lấy sỏi qua da là một biện pháp được áp dụng rộng rãi vì ít đau, thẩm mỹ, thời gian phục hồi ngắn.

"Người bệnh không nên có tâm lý ngại đi khám hoặc sợ phẫu thuật mà tìm đến uống thuốc theo các bài thuốc dân gian truyền miệng chưa có căn cứ khoa học. Nếu tình trạng sỏi thận kéo dài sẽ dẫn đến ứ nước, lâu dần mô thận của người bệnh mỏng đi, dẫn tới teo thận và cuối cùng sỏi sẽ phá hủy hoàn toàn chức năng thận", bác sĩ Tín chia sẻ.

Theo Thanh niên