Thuốc ngừa thai dành cho nữ

Theo tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM): Hiện nay, có nhiều biện pháp tránh thai, bao gồm vĩnh viễn và tạm thời. Trong đó, biện pháp tránh thai vĩnh viễn là triệt sản ở nam hoặc nữ. Tuy nhiên, biện pháp này không khuyến khích thực hiện cho dù với cặp vợ chồng đã có con. Các biện pháp tránh thai tạm thời có thể được sử dụng với những ai trì hoãn, chưa muốn có con mà vẫn có thể có con sau này.

Với biện pháp tránh thai tạm thời, có thể sử dụng bao cao su. Tuy nhiên, vẫn có khả năng bao cao su bị rách, tuột dẫn đến có thai ngoài ý muốn.
Để tránh thai thường quy, có nhiều phương pháp dành cho phụ nữ. Phổ biến là uống thuốc tránh thai kết hợp chứa estrogen và progestin. Sự kết hợp giữa estrogen và progestin giúp ngăn chặn sự rụng trứng, thay đổi niêm mạc của tử cung để ngăn ngừa thai phát triển và thay đổi chất nhầy ở cổ tử cung để ngăn chặn tinh trùng xâm nhập.
Viên thuốc tránh thai kết hợp cho hiệu quả ngừa thai cao (trên 99%, nếu sử dụng đúng cách). Khi sử dụng thuốc ngừa thai, cần chú ý uống thuốc đúng lịch. Thuốc có thể gây tác dụng phụ liên quan đến nội tiết như tăng cân, giảm kinh, ra huyết hoặc tắc mạch đối với một số phụ nữ có nguy cơ bị huyết khối…
Bên cạnh viên thuốc tránh thai kết hợp, còn có thuốc tránh thai progestin đơn thuần. Thuốc được dùng với phụ nữ đang cho con bú, người chống chỉ định estrogen, người có nguy cơ huyết khối. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc tránh thai progestin không cao và thuốc đòi hỏi phải uống đúng giờ.
Trong trường hợp quên uống thuốc mà có thai thì cho đến nay hoàn toàn không có chỉ định phải bỏ thai do ảnh hưởng của thuốc.
Ngoài ra, còn có miếng dán tránh thai. Đây cũng là phương pháp thuận lợi và hiệu quả. Miếng dán được dán cố định suốt trên cơ thể, ở vị trí ít ra mồ hôi và thay miếng dán mỗi tuần.
Các biện pháp tránh thai khác là: chích thuốc tránh thai (3 tháng/lần), đặt vòng (có tác dụng trong vòng 3 năm) hoặc cấy que dưới da (có tác dụng trong vòng 3 năm), đặt dụng cụ tử cung, bao cao su nữ, thuốc diệt tinh trùng.
Với các biện pháp tránh thai trên, khi ngưng sử dụng hoặc gỡ ra (với vòng hay que) thì người phụ nữ đều có thể có thai lại bình thường.
Bên cạnh đó, còn có thuốc tránh thai khẩn cấp (hiệu quả ngừa thai 60 - 70%). Đặc biệt, với thuốc tránh thai khẩn cấp, số lần sử dụng trong một chu kỳ càng nhiều thì hiệu quả ngừa thai càng giảm. Nếu có thai ngoài ý muốn, dù đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp thì cho đến nay vẫn hoàn toàn không có chỉ định phải đình chỉ thai kỳ do ảnh hưởng của thuốc.
Nhiều người vẫn nhầm lẫn thuốc tránh thai khẩn cấp và thường quy nên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp liên tục như biện pháp tránh thai thường quy sẽ không đạt hiệu quả ngừa thai. Để tránh thai hiệu quả, cần sử dụng các biện pháp ngừa thai thường quy như trên, kết hợp với ngừa thai khẩn cấp.
Tuy nhiên, các cặp vợ chồng khi kết hôn hoặc trước khi áp dụng các biện pháp tránh thai để trì hoãn việc có con nên đi khám, kiểm tra về khả năng có con, xem liệu mình có nguy cơ hiếm muộn hay không để có phương án phù hợp nhất.
                                                                                                                                                                                                                                        Theo Thanh Niên