1. Nguyên nhân gây bạch cầu cấp

Bạch cầu cấp là một nhóm bệnh máu ác tính, có đặc trưng là sự tăng sinh một loại tế bào non - ác tính (tế bào blast), nguồn gốc tại tủy xương.

Các tế bào ung thư nhân lên rất nhanh, nếu không được điều trị thì các tế bào này sẽ ứ đọng trong tủy xương và cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường.

Do các tế bào ung thư có thể lan tràn đi rất xa trong cơ thể nên có thể gây ra hàng loạt triệu chứng ở nhiều cơ quan khác nhau. Bệnh bạch cầu cấp tiến triển nhanh và có thể gây tử vong trong vòng vài tuần đến vài tháng nếu không được điều trị. Tuy nhiên, nếu được điều trị sớm và đúng cách thì có thể đẩy lui bệnh.

Cho đến nay y học đang tìm kiếm nguyên nhân cụ thể gây nên bệnh bạch cầu cấp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ghi nhận các yếu tố liên quan đến bệnh lý này như sau:

  • Hóa chất: Các chất nhóm Alkyl, nhóm benzen (những hóa chất có cấu trúc hóa học nhân vòng).
  • Tia xạ hay tia ion hóa: Tỷ lệ bệnh bạch cầu cấp gặp nhiều ở những người tiếp xúc với tia xạ lâu ngày hay ở trong vùng nhiễm xạ nặng.
  • Virus: Nhiều nghiên cứu ghi nhận một số virus gây bệnh trên người một thời gian dài cũng gây ung thư. Ví dụ EBV gây ung thư vòm, HTLV1,2 gây bệnh bạch cầu cấp dòng lympho T…
  • Bất thường nhiễm sắc thể: Đây là nguyên nhân thường gặp trên người bệnh bạch cầu cấp.
  • Yếu tố di truyền: Có một số bệnh bẩm sinh di truyền như Hội chứng Down, hội chứng thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh, hội chứng Poland… thì người bệnh dễ mắc thêm bệnh bạch cầu cấp.
  • Yếu tố môi trường: Môi trường bị nhiễm độc do hóa chất, thuốc trừ sâu, tia xạ… gây nên tình trạng nhiễm độc nguồn nước, thức ăn… và các chất độc này gây đột biến nhiễm sắc thể, gây ung thư máu.

2. Triệu chứng bạch cầu cấp

Có hai loại chính:

+ Bạch cầu cấp dòng tủy (AML)

+ Bạch cầu cấp dòng lympho (ALL)

Trong bệnh bạch cầu cấp, nhiều triệu chứng xuất hiện không những do sản xuất không đủ các loại tế bào máu bình thường trong tủy, mà còn do các tế bào ung thư lan tràn khắp cơ thể.

  • Nhiễm khuẩn là triệu chứng do hiện tượng giảm số lượng bạch cầu ở máu ngoại vi. Chức năng của bạch cầu là bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, virus… vì vậy lượng bạch cầu bị giảm sút về số lượng và chất lượng, dẫn đến không đủ khả năng chống đỡ, hậu quả là người bệnh ung thư máu dễ bị nhiễm khuẩn. Biểu hiện là sốt cao, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiêu hóa, tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết…
  • Triệu chứng thiếu máu liên quan đến việc giảm số lượng hồng cầu. Do chức năng của hồng cầu là vận chuyển oxy tới toàn bộ cơ thể nên mọi sự thiếu hụt hồng cầu đều gây ra hậu quả thiếu oxy ở các cơ quan đích trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, xanh xao…
  • Xuất huyết: Đây là triệu chứng liên quan đến tình trạng giảm số lượng tiểu cầu. Vì chức năng của tiểu cầu là cầm máu, nên khi tiểu cầu giảm sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu, kết quả xuất hiện những chấm xuất huyết nhỏ, mảng bầm dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu mũi.
  • Chảy máu nội tạng: Nôn ra máu, tiểu ra máu, đi ngoài ra máu… xuất huyết não có thể gặp trong một số trường hợp.
  • Triệu chứng liên quan đến hiện tượng tăng sinh, xâm lấn của tế bào ung thư máu: Phì đại lợi, gan lách, hạch to, hạt thâm nhiễm dưới da đau xương… Nguy hiểm hơn những tế bào này có thể xâm lấn hệ thần kinh trung ương gây nên triệu chứng đau đầu, nôn, rối loạn thị giác… Có thể gặp triệu chứng tắc mạch do tăng bạch cầu.
  • Biểu hiện toàn thân do bệnh lý ác tính: Mệt mỏi, gầy sút, suy sụp nhanh.
Bạch cầu cấp: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Bạch cầu cấp thường được gọi là ung thư máu.

3. Bệnh bạch cầu cấp có lây không?

Bạch cầu cấp là một trong những bệnh lý máu ác tính. Do tại tủy xương tăng sinh một loại tế bào non chưa biệt hóa hoặc biệt hóa rất ít (tế bào blast). Sự tăng sinh và tích lũy các tế bào này dẫn đến sinh máu bình thường bị giảm sút, hậu quả dẫn đến là suy tủy xương, vì vậy bệnh không thể lây.

4. Cách phòng bạch cầu cấp

Vì vẫn chưa tìm ra được rõ ràng nguyên nhân dẫn đến bạch cầu cấp, nên cách để giúp phòng ngừa bệnh còn chưa thật sự cụ thể. Trong đó, chủ yếu nên áp dụng những điều sau:

Hạn chế các công việc hay hoạt động phải tiếp xúc với tia xạ hoặc hóa chất. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với chúng thì nên mang quần áo bảo hộ để góp phần giúp cơ thể được bảo vệ an toàn.

Duy trì thực hiện một lối sống tích cực và khoa học.

Nên tham gia các hoạt động thể thao, tập thể dục để rèn luyện cơ thể, nâng cao sức đề kháng, giúp chống chọi lại với các yếu tố gây bệnh một cách hiệu quả nhất.

Đảm bảo sự cân đối của các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

Đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện đảm bảo uy tín để thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần và duy trì thực hiện đều đặn mỗi năm.

5. Cách điều trị bạch cầu cấp

Tùy từng cá nhân cụ thể mà các bác sĩ sẽ có phác đồ phù hợp.

Với điều trị tấn công lui bệnh: Để đẩy lùi tế bào ác tính đồng thời cho phép tế bào bình thường hồi phục.

Điều trị sau lui bệnh: Mục đích làm giảm tối thiểu số lượng tế bào ác tính, đồng thời tế bào máu trở lại mức bình thường, gọi là lui bệnh hoàn toàn. Nếu ngừng điều trị ở giai đoạn này, hầu hết bệnh nhân sẽ bị tái phát.

Ghép tế bào gốc tạo máu: Là phương pháp được tiến hành để làm giảm nguy cơ tái phát và đạt gần đến tình trạng chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Ghép tế bào gốc tạo máu sử dụng hóa trị liệu/xạ trị toàn thân với liều cao để phá hủy tối đa số lượng tế bào bạch cầu ác tính trong cơ thể. Vì phương pháp điều trị này cũng làm tổn thương cả các tế bào gốc tạo máu bình thường trong cơ thể, nên các tế bào gốc mới cần được ghép vào sau khi điều trị.

Ghép tế bào gốc tạo máu là quá trình phục hồi tế bào gốc tạo máu cho các người bệnh ung thư đã trải qua hóa trị liệu liều cao, do liệu pháp này không những tiêu diệt tế bào ung thư mà còn tiêu diệt luôn cả tế bào gốc trong tủy xương.

Chỉ định ghép phụ thuộc vào độ tuổi của người bệnh, tình trạng toàn thân và chức năng của các cơ quan trong cơ thể, có nguồn hiến tế bào gốc phù hợp cũng như điều kiện kinh tế của từng người bệnh.

Sau quá trình điều trị nội trú, bệnh nhân đã hoàn tất thành công quá trình điều trị nên được tiếp tục điều trị định kì và theo dõi. Tình trạng khi ra viện không có nghĩa là bệnh được chữa khỏi, do vậy điều quan trọng là tiếp tục theo dõi điều trị cùng với tư vấn sát sao của bác sĩ điều trị. Bệnh nhân phải được sử dụng thuốc theo chỉ định với liều lượng chính xác, định kỳ và khám kiểm tra theo hẹn để đảm bảo rằng họ nhận thức chính xác về tình trạng bệnh tật và sức khỏe của mình.

Theo suckhoedoisong.vn