leftcenterrightdel
 41 trong số 42 bệnh nhân sởi vừa được ghi nhận tại Ohio, Mỹ, chưa tiêm vaccine. Ảnh:AP.

Các trường hợp mắc bệnh sởi ở Ohio (Mỹ) vẫn đang gia tăng lên. Tính đến ngày 29/11, bang này ghi nhận 42 ca mắc - tăng 12 ca so với ngày 28/11. Trong đó, 41 người bệnh chưa được tiêm phòng. Bệnh nhi còn lại chưa rõ tiêm chưa. Đợt bùng dịch tại Ohio năm 2014 có 382 trường hợp. Việc dịch bùng trở lại ở Columbus (Ohio) là đợt bùng phát đầu tiên kể từ đó.

Hiện tại, các ca bệnh sởi đều xảy ra ở trẻ em, bắt nguồn từ các trung tâm chăm sóc trẻ và trường học ở Columbus. 63% trường hợp mới 1-2 tuổi và 19% nằm trong độ tuổi 3-5.

Trên Forbes, Judy Stone, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cho hay đợt bùng dịch này bắt đầu với 4 trường hợp ghi nhận một cơ sở chăm sóc trẻ em, sau đó xuất hiện thêm hàng chục trường hợp. Các quan chức y tế của bang Ohio hiện yêu cầu CDC hỗ trợ theo dõi những người tiếp xúc và kiểm soát dịch bệnh đang gia tăng.

Bệnh sởi thường bắt đầu với sốt cao đột ngột (đến 40 độ C), ho, sổ mũi và viêm kết mạc (mắt đỏ, chảy nước). Khoảng 3-5 ngày sau, ban đỏ mịn, lấm tấm xuất hiện, thường bắt đầu từ vùng mặt.

Hơn 1/3 bệnh nhân (17 em) ở Columbus phải nhập viện. Đây có thể là bệnh nhiễm trùng rất nghiêm trọng, dẫn đến viêm phổi ở 5% ca mắc, có thể đe dọa tính mạng. Viêm não xảy ra với tỷ lệ 1/1.000, thường khiến trẻ bị điếc hoặc thiểu năng trí tuệ. Khoảng 1-3/1.000 bệnh nhi tử vong.

Trường hợp trẻ bị sởi nặng, cần nhập viện là vấn đề lớn, đặc biệt khi các bệnh viện nhi ở Mỹ đang quá tải do số lượng trẻ em nhiễm RSV, cúm hoặc Covid-19 tăng cao. Những trẻ này cũng dễ mắc thêm các bệnh truyền nhiễm khác do hệ miễn dịch suy yếu.

Bệnh sởi rất dễ lây lan. “Đây có lẽ là bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh nhất mà chúng tôi biết. Mức độ lây lan có thể gấp 10 lần Covid-19”, tiến sĩ David Freedman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Alabama, nói với CNN.

Virus sởi lây lan trong không khí, chủ yếu qua ho hoặc hắt hơi. Mọi người cũng có thể mắc bệnh khi chạm vào bề mặt chứa virus rồi đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng.

Hai vấn đề lớn là mọi người dễ lây nhiễm và có thể lây lan virus sang người khác trong tối đa 4 ngày trước khi xuất hiện phát ban. Nhiều người - kể cả các bác sĩ - dễ bỏ qua bệnh sởi vì nó đã được tuyên bố loại bỏ khỏi Mỹ từ năm 2000. Nhiều người trong số đó chưa từng tiếp xúc ca bệnh sởi ngoài đời.

Chuyên gia Judy Stone thừa nhận trường hợp duy nhất mà bà thấy là ở Ấn Độ. Ban đầu, bà cũng không nhận ra đó là bệnh sởi. Việc tiêm phòng của Mỹ thành công đến mức nhiều người chưa bao giờ mắc sởi nghiêm trọng. Và vì vậy, họ không hiểu giá trị của việc chủng ngừa.

Một vấn đề lớn khác trong việc kiểm soát virus là chúng tồn tại trong không khí và có thể sống tới hai giờ sau khi người nhiễm bệnh rời khỏi khu vực. Virus này dễ lây lan đến mức 90% những người tiếp xúc với người mắc bệnh sởi sẽ bị nhiễm bệnh nếu họ không được tiêm phòng.

Khả năng lây nhiễm cao như vậy cùng với việc lây nhiễm trước khi phát ban đã khiến nhiều trẻ em vô tội, chưa được tiêm phòng bị nhiễm bệnh tại phòng khám bác sĩ trong khi đến đó để được chăm sóc định kỳ.

Trong bệnh viện, trẻ em cần được ở trong phòng “áp suất không khí âm” đặc biệt, nghĩa là các phòng được thông gió ra bên ngoài để không lây nhiễm cho những bệnh nhân khác đang điều trị ở viện.

Ngoài ra, theo bà Stone, xã hội Mỹ vẫn tồn tại quan niệm sai lầm, cho rằng người tị nạn là nguyên nhân khiến dịch sởi bùng phát. Trong khi đó, hầu hết nước Mỹ Latin, ngoại trừ Venezuela và Brazil, đã kiểm soát tốt bệnh sởi. Và trước khi những người tị nạn được tái định cư ở Mỹ, họ đã tiêm nhiều loại vaccine khác nhau, bao gồm sởi, quai bị và rubella, Haemophilus và các vaccine dành cho trẻ em khác.

leftcenterrightdel
 Tiêm vaccine phòng sởi là một trong những việc cần thiết để ngăn chặn dịch sởi. Ảnh:AUBERT / BSIP/BSIP/Corbis. 

Theo chuyên gia Judy Stone, việc khẩn cấp nhất là truy tìm dấu vết tiếp xúc để tìm ra tất cả người đã tiếp xúc với các trường hợp mắc bệnh sởi và tiêm chủng cho họ. Vaccine có hiệu quả đến 93% sau một liều và 97% sau liều thứ hai.

Tuy nhiên, tiến sĩ Peter Hotez từ trường Y khoa Baylor lưu ý: “Truy tìm dấu vết tiếp xúc với bệnh sởi là công việc khó khăn và tốn nhiều công sức do khả năng lây truyền cao của virus sởi. Thông thường, một đợt bùng phát bệnh sởi đều được hỗ trợ bởi cơ quan quản lý y tế địa phương”.

Ông cho rằng Mỹ cần thực hiện điều đó ngay lập tức, bằng cách truy tìm và tiêm chủng cho những đứa trẻ dễ bị tổn thương.

Về lâu dài, chỉ dựa vào tiêm chủng đang trở thành một đề xuất thất bại. Riêng năm ngoái, gần 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới bỏ lỡ một liều vaccine sởi do dịch Covid-19.

Kết quả là ước tính, năm 2021, cả thế giới ghi nhận khoảng 9 triệu ca mắc và 128.000 ca tử vong do sởi. Các nỗ lực giám sát và tiêm chủng đã bị cản trở rất nhiều bởi đại dịch Covid-19. Hơn nữa, thông tin sai lệch và việc từ chối tiêm chủng ngày càng gia tăng, làm trầm trọng thêm vấn đề. WHO và CDC coi bệnh sởi là một mối đe dọa toàn cầu sắp xảy ra.

Bà Stone cho biết William Moss, đồng nghiệp của bà từ Johns Hopkins, từng cho rằng cách tiệm cận đó không còn khả thi do nhiều vấn đề ràng buộc với nhau. Ông nhấn mạnh giới y tế cần tập trung vào nguồn gốc và những điều chưa được biết đến như virus sởi đến từ đâu.

Tiến sĩ Hotez cũng không lạc quan về triển vọng dài hạn trong việc chống dịch sởi. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ chứng kiến thêm bệnh sởi và các dịch bệnh lây nhiễm ở trẻ em khác ở Mỹ do tâm lý ngại tiêm vaccine ngày càng gia tăng. Sự do dự và từ chối tiêm vaccine phòng Covid-19 đã tăng nhanh trong thời kỳ đại dịch. Thật không may, giờ đây, tâm lý đó đang lan sang tất cả loại vaccine khác”.

Bà Stone nói thêm Mỹ cần thực hiện thêm các biện pháp khác như đeo khẩu trang, cải thiện khả năng thông gió của các tòa nhà - đặc biệt là trường học và nơi làm việc đông đúc. Bà cho rằng việc này sẽ góp phần giảm thiểu hầu hết đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm.

Theo zingnews