1. Vai trò của tập luyện với người bệnh ung thư tinh hoàn

Ung thư tinh hoàn là tình trạng xuất hiện khối u ác tính tại tinh hoàn, một dạng ung thư hiếm gặp ở nam giới. Nếu được phát hiện, điều trị kịp thời bệnh có thể có tiên lượng tương đối tốt. Tuy nhiên đây cũng là dạng ung thư gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm lý của bệnh nhân.

Theo y học cổ truyền, ung thư tinh hoàn có các nguyên nhân như khí trệ huyết ứ, thấp nhiệt tích độc, can thận âm hư, can uất đàm ngưng. Bên cạnh việc điều trị khối u, việc nâng cao thể trạng và cải thiện tâm lý bệnh nhân là những vấn đề rất được quan tâm.

Các bài tập vận động giúp khí huyết lưu thông thuận lợi hơn, xương khớp linh hoạt hơn, cơ bắp phát triển tốt hơn... từ đó hỗ trợ công năng tạng phủ, đẩy lùi các triệu chứng của bệnh và các tác dụng phụ trong quá trình điều trị gây ra. Vận động thân thể cũng giúp giải phóng dopamine và serotonin, giúp người tập có trạng thái tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn.

Như vậy, các bài tập vận động vừa giúp giảm các triệu chứng của bệnh, giảm các tác dụng không mong muốn của quá trình điều trị, vừa nâng cao thể trạng, đồng thời giúp cải thiện tâm lý, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

20220706_ung-thu-tinh-hoan-có-chưa-đươc-khong-3

Người bệnh ung thư tinh hoàn cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, trong đó có tập luyện giúp cải thiện chất lượng sống.

2. Các bài tập tốt cho bệnh nhân ung thư tinh hoàn

2.1 Các bài tập dẫn lưu bạch huyết chi dưới

Bệnh nhân ung thư tinh hoàn trong hoặc sau quá trình điều trị có nguy cơ phù bạch huyết nên các bài tập dẫn lưu bạch huyết chi dưới là rất quan trọng. Các bài tập này nên thực hiện hằng ngày, thực hiện trước và sau mỗi buổi tập tăng sức mạnh cơ, đi bộ…

Các bài tập như nâng chân, tư thế cây cầu, trượt gót, đá đùi sang ngang, mini squats, nâng ngón chân và gót chân xen kẽ... đều là những bài tập đơn giản giúp dẫn lưu bạch huyết chi dưới.

Bên cạnh các bài tập dẫn lưu bạch huyết, massage dẫn lưu bạch huyết toàn thân, đặc biệt là vùng chi dưới có tác dụng giảm nguy cơ phù bạch huyết với bệnh nhân ung thư tinh hoàn.

Cách thực hiện: Người bệnh nằm ngửa, thở sâu, người hỗ trợ sẽ tạo áp lực nhẹ nhàng lên các vị trí hạch bạch huyết không bị tắc hoặc phù để làm rỗng và tiếp nhận nhiều chất lỏng hơn.

Massage sẽ được thực hiện nhiều lần và dừng lại ở các khu vực khác nhau, đặc biệt là các vùng bạch huyết bị tắc nghẽn nhiều ở phần chi dưới. Điều này sẽ giúp di chuyển bạch huyết qua mạng lưới bạch huyết và các hạch bạch huyết nhằm mục đích giảm đau và giảm sưng phù.

2.2 Các bài tập tăng sức mạnh cơ

Các bài tập tăng sức mạnh cơ rất có lợi cho bệnh nhân ung thư tinh hoàn, giúp nâng cao thể trạng. Các bài tập này có thể được chia nhỏ thành các bài tập cho các vùng khác nhau.

Thực hiện các bài tập từ nhẹ rồi tăng dần cường độ tập luyện. Cần lưu ý rằng người bệnh ung thư tinh hoàn có nguy cơ phù bạch huyết vì thế các bài tập nên thiết kế không dùng các dụng cụ dây đeo và các dụng cụ tạo sức nén lên chi dưới.

Đối với các bài tập nửa trên cơ thể vẫn có thể bắt đầu với tạ nhẹ, dây cáp, hoặc dây kháng lực và tăng dần tùy theo thể trạng nếu không có dấu hiệu phù bạch huyết ở phần thân trên.

Những bài tập này nên được thiết kế riêng và tập luyện dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên hoặc bác sĩ có chuyên môn.

 
Chong-Day

Bài tập tăng cường sức mạnh cơ giúp nâng cao thể trạng cho người bệnh ung thư tinh hoàn.

2.3 Đi bộ

Đi bộ nhẹ nhàng cũng là một phương pháp luyện tập có lợi cho bệnh nhân ung thư tinh hoàn, tuy nhiên thời gian và quãng đường đi bộ nên thiết kế phù hợp với thể trạng bệnh nhân. Nếu việc đi bộ không xuất hiện các vấn đề phù nề, có thể tăng dần tùy theo sự cải thiện của thể trạng.

Bệnh nhân cũng có thể sử dụng tất nén chân khi đi bộ hoặc các bài tập đi bộ dưới nước, sử dụng áp lực của nước cũng là một phương pháp giúp ngăn ngừa phù bạch huyết.

2.4 Các bài tập yoga và thiền

Đối với các bệnh nhân ung thư nói chung bên cạnh sức khỏe thể chất, giữ một tinh thần tích cực, lạc quan cũng là điều hết sức quan trọng. Các bài tập như yoga và thiền không chỉ tốt cho thể chất mà còn giúp cải thiện tinh thần, giảm căng thẳng và lo âu. Đối với bệnh nhân ung thư tinh hoàn, việc này là rất quan trọng để vượt qua các giai đoạn khó khăn của quá trình điều trị.

Ngoài ra, tùy theo sở thích và thói quen của người bệnh, người bệnh có thể lựa chọn các môn tập luyện khác.

3. Lưu ý khi vận động

Người bệnh ung thư tinh hoàn cần được thiết kế các bài tập phù hợp với thể trạng, giai đoạn của bệnh và giai đoạn điều trị.

Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình vận động, các bài tập nên thực hiện từ đơn giản, với cường độ nhẹ nhàng rồi tăng dần cường độ theo ngưỡng chịu đựng được của người bệnh.

Nếu quá trình vận động gây ra bất cứ triệu chứng khó chịu như đau, sưng ở vùng xương chậu, chân, bàn chân, hoặc ngón chân cần báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Những người bệnh ung thư tinh hoàn khi vừa phẫu thuật, vừa trải qua đợt hóa trị, xạ trị, có thể lực không tốt nên nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể cần thời gian phục hồi và tái tạo năng lượng... đợi khi cơ thể phục hồi mới thực hiện các bài tập.

Lưu ý uống đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện để tránh mất nước. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu vitamin và khoáng chất nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi và duy trì năng lượng cho cơ thể.

Người bệnh ung thư tinh hoàn có nguy cơ phù bạch huyết, vì vậy cần lưu lý không nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ làm ứ trệ sự tuần hoàn của hệ bạch huyết, các bài tập nên thiết kế không ảnh hưởng đến sự tuần hoàn của hệ bạch huyết. Nên thực hiện các bài tập và massage dẫn lưu bạch huyết, trước và sau mỗi buổi tập hàng ngày.

Theo suckhoedoisong.vn