1. Vai trò của tập luyện với người mắc hội chứng Steven Johnson

Hội chứng Stevens Johnson là một dạng phản ứng dị ứng, tuy ít gặp nhưng bệnh cảnh thường rất nặng, gây nguy cơ đe dọa tới tính mạng người bệnh.

Bên cạnh các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ y tế, các bài tập cũng đóng góp đáng kể vào quá trình phục hồi của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, tập luyện giúp người bệnh thư giãn, giảm căng thẳng, cải thiện tâm lý, tăng cường sức chịu đựng, nâng cao sức khỏe cho người bệnh.

2. Các bài tập cho người mắc hội chứng Stevens Johnson

2.1 Bài tập hít thở sâu tốt cho người mắc hội chứng Stevens Johnson

Hội chứng Stevens Johnson thường xuất hiện với các biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, viêm kết mạc và ho, khó thở. Hội chứng này cũng có thể để lại một số phản ứng lâu dài tại hệ hô hấp như tổn thương phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn…

Chính vì vậy các bài tập hít thở sâu có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình hồi phục của hội chứng Stevens Johnson. Bài tập này cũng là một cách để giải tỏa sự lo âu, cải thiện tâm lý cho người bệnh.

Cách thực hiện:

  • Chọn một tư thế thoải mái. Người bệnh có thể nằm ngửa trên giường hoặc trên sàn với một chiếc gối đặt dưới đầu và đầu gối hoặc cũng có thể ngồi trên ghế, sao cho vai, đầu và cổ được tựa vào lưng ghế.
  • Hít vào bằng mũi đến khi bụng đầy không khí.
  • Thở ra bằng mũi.
  • Đặt một tay lên bụng và tay kia lên ngực, khi hít vào, người bệnh có thể cảm nhận bụng phồng lên; khi bạn thở ra, người bệnh cũng có thể cảm nhận bụng hạ xuống.
  • Hít thở sâu theo nhịp thở, có thể lặp lại bài tập này nhiều lần trong ngày.
tap-tho-co-hoanh-o-tu-the-ngoi

Tư thế hít thở sâu khi ngồi tốt cho người bệnh Steven Johnson.

2.2 Bài tập giãn cơ và tập vận động khớp nhẹ nhàng

Người mắc hội chứng Stevens Johnson thường trải qua đợt điều trị kéo dài nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng.

Các động tác giãn cơ nhẹ nhàng có thể giúp giảm cứng cơ và đau khớp trong khi đó các bài tập vận động khớp có thể giúp ích cho người bệnh có tổn thương da và niêm mạc trong việc duy trì sự linh hoạt của các khớp.

Cách thực hiện:

  • Tùy theo thể trạng, tình hình sức khỏe của người bệnh mà người bệnh có thể tự thực hiện các bài tập hoặc thực hiện dưới sự hỗ trợ của người khác.
  • Các bài tập kéo giãn được thực hiện bằng cách kéo giãn cánh tay, chân và cổ theo từng hướng trong thời gian ngắn.
  • Các bài tập vận động khớp nhẹ nhàng có thể vận động nhẹ nhàng như xoay khớp cổ tay, cổ chân, uốn dẻo các khớp ngón tay, dần dần vận động các khớp lớn hơn như khớp gối, khuỷu tay, cánh tay, khớp háng.
TqPJ0Lv9-cang-co-sau-khi-tap-gym-image

Thực hiện các bài tập kéo giãn giúp người mắc hội chứng Stevens Johnson giảm căng cơ, cứng khớp.

2.3. Bài tập di chuyển

Sau một thời gian tập luyện các bài tập giãn cơ và tập vận động nhẹ nhàng tại chỗ, nếu điều kiện sức khỏe cho phép người bệnh có thể thực hiện các bài tập di chuyển nhẹ nhàng. Các bài tập này sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu và duy trì khả năng vận động của cơ thể.

Cách thực hiện:

  • Người bệnh tự thực hiện hoặc thực hiện dưới sự giúp đỡ của người khác hoặc công cụ hỗ trợ.
  • Tiến hành bài tập bằng cách đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng.
  • Dần dần có thể tiến hành các bài tập đi bộ chậm, rồi tăng dần cường độ và độ khó của các bài tập lên.

2.4. Bài tập cho mắt

Với những người bệnh mắc hội chứng Stevens Johnson, nếu có tổn thương về mắt thì các bài tập này chính là cách tự nhiên giúp giữ độ ẩm cho mắt và duy trì thị lực.

Cách thực hiện:

  • Bài tập cho mắt có thể được thực hiện một cách đơn giản thông qua việc chớp mắt nhiều lần và tập nhìn xa.
  • Ngoài ra, tùy theo tình trạng của người bệnh mà các chuyên gia có thể khuyến nghị thêm các bài tập khác giúp giảm đau, cải thiện chức năng vận động.

3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người mắc hội chứng Stevens Johnson

Theo dõi và chăm sóc đặc biệt: Người mắc hội chứng Stevens-Johnson cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt, chỉ thực hiện các bài tập khi giai đoạn nguy hiểm của bệnh đã qua đi, người bệnh đã bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi. Tốt nhất là chỉ thực hiện các bài tập khi đã được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

Chăm sóc tinh thần: Bên cạnh việc luyện tập về mặt thể chất người mắc hội chứng Stevens Johnson cũng cần được chăm sóc tốt về mặt tinh thần, cần giải thích động viên, an ủi để người bệnh yên tâm, tin tưởng và hợp tác trong quá trình điều trị.

Lựa chọn bài tập phù hợp: Việc luyện tập phải phù hợp với tình trạng của người bệnh, các bài tập có thể được thiết kế từ đơn giản đến phức tạp, cường độ và thời gian của các bài tập cũng cần được thiết kế dựa trên thể trạng và tình trạng bệnh của người bệnh. Các bài tập phải đảm bảo vừa có lợi cho quá trình hồi phục nhưng cũng phải vừa không gây thêm các tổn thương cho người bệnh.

tap-the-duc-de-co-than-hinh-dep

Người mắc hội chứng Stevens Johnson nên lựa chọn bài tập phù hợp với sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng tốt: Người mắc hội chứng Stevens-Johnson cần có chế độ chăm sóc, vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh da, niêm mạc tốt. Ngoài ra người bệnh cũng cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Chế độ chăm sóc y tế tốt đi cùng với chế độ chăm sóc vệ sinh, dinh dưỡng hợp lý và các bài tập vận động sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho sự hồi phục của người bệnh, giúp người bệnh tránh các biến chứng nguy hiểm sau này.

Tham khảo ý kiến bác sĩ: Để đảm bảo bài tập phù hợp với tình hình sức khỏe của người bệnh, không gây thêm các tổn thương trong quá trình tập luyện, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia phục hồi chức năng trước khi bắt đầu các bài tập.

Stevens-Johnson là một hội chứng hiếm gặp nhưng lại vô cùng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Chính vì vậy sau khi tiếp xúc với các yếu tố gây nên tình trạng dị ứng, đặc biệt là các loại thuốc nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, nổi ban trên da, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị, tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng sau này.

Theo suckhoedoisong.vn