1. Vai trò của tập luyện với người ung thư dương vật

Ung thư dương vật là một bệnh ác tính, khá phổ biến ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh, không thường gặp ở các nước phương Tây.

Theo những nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh cho thấy, bệnh liên quan nhiều đến tật hẹp bao quy đầu.

Tác hại gây viêm của chất cặn sinh dục, một sản phẩm phản ứng của vi khuẩn trên các tế bào bong và chất tiết của tuyến bã trong bao quy đầu, là tiền đề cho các tổn thương ác tính về sau.

Bệnh cũng liên quan đến nhiễm HPV, đặc biệt HPV - 16. Thuốc lá đóng vai trò như một yếu tố thúc đẩy chuyển dạng ác tính trong các trường hợp bị nhiễm trùng và mất vệ sinh mạn tính. Do đó, cắt bao quy đầu từ lúc mới sinh, vệ sinh sinh dục, tránh lây nhiễm HPV, không sử dụng các sản phẩm thuốc lá… đang là chiến lược quan trọng trong dự phòng ung thư dương vật.

Về điều trị ung thư dương vật chủ yếu là phẫu thuật. Tùy theo mức độ tổn thương mà có những phương pháp điều trị thích hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân: Từ phẫu thuật bảo tồn, cắt cụt dương vật đến cắt toàn bộ bộ phận sinh dục, kết hợp với điều trị tia xạ hậu phẫu cho bệnh nhân có di căn hạch, điều trị hóa chất…

Tuy nhiên những phương pháp điều trị này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống cho người bệnh sau phẫu thuật như đau đớn, mất tự tin, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, mệt mỏi, suy nhược cơ thể…

Cơ thể bệnh nhân ung thư thường gặp rất nhiều các triệu chứng khó chịu, đặc biệt là trong giai đoạn hóa xạ trị thường gặp các biểu hiện như: Buồn nôn, nôn, khó ngủ, mệt mỏi, rụng tóc…

Một chế độ dinh dưỡng phù hợp và một số bài tập nhẹ nhàng sẽ giúp cho người bệnh giảm bớt sự mệt mỏi, cải thiện chất lượng cuộc sống và đẩy nhanh quá trình hồi phục của bệnh.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc tập luyện mang lại nhiều lợi ích cả về sức khỏe thể chất và tinh thần đối với người bệnh ung thư nói chung, người bệnh ung thư dương vật nói riêng.

Bên cạnh những lợi ích về sức khỏe thể chất, thông qua các hoạt động tập luyện còn có thể giúp người bệnh giảm đi sự lo lắng, căng thẳng và đau khổ về cảm xúc, bởi khi tập luyện cơ thể sẽ tiết ra các loại hormon hạnh phúc có thể kể đến như: Endorphin, serotonin và dopamin.

Từng loại hormon có tác dụng khác nhau nhưng chúng cùng đem lại cho người bệnh thêm động lực sống, giúp giảm cảm giác đau, giảm cảm giác căng thẳng, tạo ra cảm giác hạnh phúc hơn, hài lòng về cuộc sống hiện tại và chấp nhận những điều tồi tệ xảy đến với bản thân mình để nỗ lực vượt qua nó.

 
leftcenterrightdel
 Bài tập tư thế rắn hổ mang tốt cho người ung thư dương vật.

2. Các bài tập tốt cho người ung thư dương vật

2.1. Bài tập 1: Bài tập thở

- Cách thực hiện:

+ Đặt một tay phải trước ngực, tay trái ấn nhẹ vùng bụng, lấy hơi sâu thông qua hai lỗ mũi, hít vào và giữ hơi lâu nhất có thể rồi thở thật chậm qua đường mũi.

+ Hãy hít thở liên tục từ 7 - 10 lần như thế.

+ Mỗi ngày nên thực hiện khoảng 10 phút.

- Tác dụng: Bài tập thở giúp lưu thông khí huyết trong cơ thể, từ đó giảm mệt mỏi, cải thiện sức bền cho bệnh nhân. Ngoài ra, bài tập này còn giúp giảm những căng thẳng, lo âu của người bệnh, giúp người bệnh thoải mái và vui vẻ hơn.

2.2. Bài tập 2: Bài tập kéo căng

- Cách thực hiện:

+ Ngồi trên gót chân, vươn nửa ngửa về phía trước, chạm trán và hông xuống thảm. Hai đầu gối khép lại hoặc hơi tách ra một chút.

+ Thả lỏng hai cánh tay thõng sang hai bên. Hít thở sâu và thật chậm, khi thở ép bụng vào đùi, trán chạm vào sàn.

+ Giữ vị trí này tầm 20 - 30 giây và hít thở nhẹ nhàng.

+ Từ từ về vị trí ban đầu. Mỗi ngày nên thực hiện 10 - 20 lần.

- Tác dụng: Bài tập kéo căng giúp tăng lưu lượng máu và oxy đến cơ bắp, từ đó giảm được căng thẳng, mệt mỏi. Bài tập này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn hồi phục sau điều trị ung thư.

2.3. Bài tập 3: Tư thế góc cố định nằm ngửa

- Cách thực hiện:

+ Nằm ngửa trên sàn, từ từ gập đầu gối lên, hai bàn chân lại gần nhau tạo thành 1 góc cố định trên sàn. Cố gắng đưa gót chân hướng gần về phía háng. Hai lòng bàn tay đặt gần hông và áp xuống sàn.

+ Siết cơ bụng dưới lại, cảm nhận sự căng giãn ở lưng dưới và sự ổn định của cột sống.

+ Thở ra nhẹ nhàng và hít vào. Thư giãn toàn bộ cột sống, vai, cổ.

+ Giữ tư thế tầm 1 phút. Sau đó thả lỏng đầu gối, rồi từ từ trở lại tư thế nằm ban đầu.

- Tác dụng: Tư thế góc cố định nằm ngửa giúp tăng cường lưu thông máu đến vùng sinh dục hạ vị, từ đó giúp giảm cảm giác đau đớn vùng sinh dục, đồng thời xoa dịu tâm trí, giảm căng thẳng, cải thiện nhịp tim cho người bệnh.

2.4. Bài tập 4: Tư thế gác chân lên tường

- Cách thực hiện:

+ Nằm sát tường, cố gắng đặt mông áp sát vào tường. Gác chân lên tường, điều chỉnh tư thế nằm vuông góc với tường, chân áp chặt vào tường.

+ Hai tay để dọc theo hai bên cơ thể hoặc đặt lên bụng, lòng bàn tay có thể hướng lên hoặc hướng xuống.

+ Giữ nguyên tư thế từ 1 - 3 phút. Thực hiện bài tập từ 10 - 15 lần/ngày.

- Tác dụng: Tư thế gác chân lên tường giúp thư giãn tâm trí, xua tan căng thẳng, giảm mệt mỏi và đặc biệt hiệu quả cao trong việc tăng lưu thông máu đến vùng sinh dục, rất tốt cho người bệnh ung thư dương vật.

Bài tập cho người ung thư dương vật- Ảnh 2.

Bài tập tư thế cánh cung giúp tăng lưu lượng máu đến cơ quan sinh sản, phù hợp với người ung thư dương vật.

2.5. Bài tập 5: Tư thế cánh cung

- Cách thực hiện:

+ Nằm sấp, duỗi thẳng tay, chân đặt hai bên cơ thể.

+ Sau đó từ từ nâng ngực và vai lên, gập chân lại, hai tay nắm vào mắt cá chân, hít thở sâu, đều. Khi thở ra nâng ngực lên khỏi sàn, đồng thời kéo hai chân lại gần đầu nhất có thể.

+ Giữ nguyên tư thế này từ 10 - 15 giây.

- Tác dụng: Đây là một trong những tư thế tốt cho dương vật, cho tinh hoàn khi luyện tập thường xuyên. Bài tập này vừa giúp tăng lưu lượng máu lưu thông đến cơ quan sinh sản, thúc đẩy và cải thiện sức khỏe sinh sản cho nam giới hiệu quả. Rất thích hợp cho những bệnh nhân ung thư dương vật.

2.6. Bài tập 6: Tư thế rắn hổ mang

- Cách thực hiện:

+ Nằm sấp, hai tay úp, hai chân duỗi thẳng, đặt sát nhau và ấn đầu ngón chân xuống sàn.

+ Dùng sức mạnh của lưng, ngực mở từ từ và nâng ngực lên khỏi sàn, đẩy vai về phía lưng.

+ Giữ tư thế trong vòng 15 - 20 giây, lặp lại động tác khoảng 15 lần/ngày.

- Tác dụng: Tư thế rắn hổ mang là bài tập tốt giúp giảm căng thẳng ở cột sống và cơ lưng, giúp người bệnh thư giãn, giảm mệt mỏi. Đồng thời tăng cường sức khỏe của cơ quan sinh dục nam, là bài tập tốt cho dương vật và tinh hoàn.

2.7. Bài tập 7: Tư thế cái cày

- Cách thực hiện:

+ Nằm ngửa trên sàn, 2 tay xuôi theo thân, úp lòng bàn tay xuống dưới. Hít vào sử dụng cơ bụng dưới, nâng bàn chân lên khỏi sàn.

+ Khi chân nâng lên tạo thành một góc 90 độ. Sử dụng tay chống hông, nâng hông lên khỏi sàn, sau đó từ từ vươn chân qua khỏi đầu và chạm sàn – lưng lúc này sẽ vuông góc với mặt sàn.

+ Giữ tư thế này từ 1 - 3 phút, hít thở đều, hạ hông xuống và trở về tư thế ban đầu.

- Tác dụng: Bài tập này giúp tăng cường lưu thông máu đến vùng xương chậu, tinh hoàn và dương vật, giúp giảm đau đớn vùng sinh dục cho người bệnh ung thư, đồng thời cải thiện sức khỏe sinh sản cho người bệnh ung thư dương vật.

3. Những lưu ý khi tập luyện

Để đảm bảo an toàn khi thực hiện các bài tập thể dục, người bệnh cần lưu ý những điều sau:

- Khởi động cơ bản trước khi tập luyện để làm nóng cơ thể, tránh tình trạng kéo giãn cơ đột ngột.

- Nếu bệnh nhân bị ung thư di căn xương thì cần thực hiện các bài tập ít tác động và thực hiện một cách nhẹ nhàng, không gắng sức mạnh.

- Thực hiện các động tác chậm rãi để cơ thể kịp thích ứng.

- Tập luyện mỗi ngày trong khoảng 20 - 30 phút là lý tưởng.

- Nên kết hợp nhiều bài tập để tăng hiệu quả điều trị.

- Nếu có các triệu chứng bất thường xảy ra trong quá trình tập luyện như chóng mặt, thở khò khè, tức ngực, tim đập nhanh hoặc đau nhức, mệt mỏi… hãy ngừng tập lại và hỏi ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ.

- Chọn thời điểm tập luyện phù hợp với cơ thể, không tập khi đói hoặc no bụng.

- Tập luyện phù hợp với sức khỏe và thể trạng cá nhân, mức độ bệnh và giai đoạn bệnh.

- Mặc trang phục thoải mái để dễ dàng thực hiện các động tác.

- Chọn không gian yên tĩnh, sạch sẽ và tập trung khi luyện tập.

Theo suckhoedoisong.vn