U nang buồng trứng là những u nang hình thành trong buồng trứng và có thể ảnh hưởng đến phụ nữ ở mọi lứa tuổi.
Mặc dù u nang buồng trứng thường lành tính và có thể tự biến mất nhưng trong nhiều trường hợp, bệnh lý này có thể khiến cơ thể cảm thấy vô cùng khó chịu và đau nhói ở bụng, thậm chí gây nhiễm khuẩn u nang, chèn ép các cơ quan lân cận, gây vô sinh, hiếm muộn... rất nguy hiểm.
Yoga là một biện pháp hiệu quả hỗ trợ sức khỏe buồng trứng bằng cách cải thiện lưu thông máu đến vùng xương chậu, giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Tuy nhiên, cần lưu ý, u nang buồng trứng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như sảy thai, suy giảm chức năng tuyến giáp, lạc nội mạc tử cung, nhiễm trùng vùng chậu… nên các bài tập yoga chỉ là phương pháp thực hành bổ sung, giảm nguy cơ, giảm triệu chứng chứ không thay thế cho các phương pháp điều trị y tế.
Các bài tập yoga giảm nguy cơ u nang buồng trứng
1. Tư thế em bé
Tác dụng: Kéo giãn nhẹ nhàng giúp giải phóng căng thẳng, kích thích các cơ quan vùng chậu.
Cách thực hiện:
Cách 1:
- Bắt đầu bằng cách ngồi quỳ, hai đầu gối đặt cạnh nhau, mông ngồi trên gót chân.
- Hai tay vươn về phía trước, hạ bụng về phía đùi.
Cách 2:
- Bắt đầu bằng cách ngồi quỳ, ngồi trên gót chân. Khi đã cảm thấy thoải mái, từ từ tách hai đầu gối sang hai bên, hai ngón chân cái vẫn chạm nhau.
- Gập người về phía trước, giữa hai đùi. Hai tay vươn thẳng qua đầu.
Ở cả hai cách, bạn nên giữ tư thế trong 30 giây để thư giãn, giải phóng căng thẳng.
Tư thế em bé theo cách 1.
2. Tư thế cánh bướm giảm nguy cơ u nang buồng trứng
Tác dụng: Kéo căng và thư giãn, cải thiện lưu lượng máu vùng xương chậu.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên một tấm thảm với cột sống thẳng và hai lòng bàn chân áp vào nhau.
- Dùng hai bàn tay nắm lấy bàn chân và nhẹ nhàng vỗ đầu gối lên xuống, đầu gối chạm sàn (nếu có thể).
Tư thế cánh bướm giúp cải thiện lưu lượng máu vùng xương chậu, giảm nguy cơ u nang buồng trứng
3. Tư thế góc cố định nằm ngửa
Tác dụng: Kích thích các cơ quan trong ổ bụng, mở xương chậu, thư giãn, giảm bớt căng thẳng.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa trên sàn, uống cong đầu gối và đưa lòng bàn chân áp vào nhau.
- Ngả đầu gối sang hai bên.
Lưu ý: Bạn có thể sử dụng dụng cụ hỗ trợ nếu cần thiết để thực hiện mở và thư giãn vùng xương chậu một cách nhẹ nhàng.
Tư thế góc cố định nằm ngửa.
4. Tư thế con bò - con mèo
Tác dụng: Chuyển động này thúc đẩy sự linh hoạt của cột sống và có thể làm giảm căng thẳng ở vùng bụng.
Cách thực hiện:
- Quỳ trên hai gối, khoảng cách giữa hai gối rộng bằng hông.
- Chống hai tay xuống sàn, khoảng cách hai tay rộng bằng vai.
- Hít vào, ngẩng đầu lên và uốn cong lưng xuống phía dưới, giống như lưng con mèo.
- Thở ra, cuộn gù lưng lên giống như lưng con bò, cúi đầu, cằm chạm xương ức
- Thực hiện nhịp nhàng giữa hơi thở và chuyển động. Lặp lại động tác trong vài hơi thở.
5. Tư thế gác chân lên tường
Tác dụng: Cải thiện lưu lượng máu đến các cơ quan vùng chậu và giảm căng thẳng.
Cách thực hiện:
- Ngồi trên sàn, quay mặt vào tường. Sau đó, nằm ngửa và điều chỉnh tư thế sao cho mông áp sát tường, chân dựa vào tường, lòng bàn chân hướng thẳng lên trần nhà.
- Giữ tư thế trong 30 giây.
Tư thế gác chân lên tường.
6. Ngồi gập người về phía trước
Tác dụng: Giúp kéo căng vùng xương chậu và thúc đẩy sự thư giãn.
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng lưng với hai chân duỗi thẳng trước mặt, ngón chân hướng về phía thân người.
- Đưa hai tay ôm lấy bàn chân, nhích dần mông về phía sau và từ từ ưỡn ngực, vươn người về phía ngón chân.
- Lưu ý, áp ngực lên chân nhưng vẫn giữ lưng thẳng.
Cúi gập người về phía trước
Theo suckhoedoisong.vn