Vì thế, tập thể dục trước, trong và sau khi điều trị là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho sức khỏe của mình.
- Vai trò của tập luyện với người bệnh ung thư buồng trứng
Giảm căng thẳng, lo lắng: Tập luyện với các bài tập phù hợp trong quá trình điều trị ung thư giúp người bệnh giảm lo lắng về bệnh tật cũng như hình ảnh cơ thể…
Tăng cường sức khỏe: Hoạt động thể chất tăng dần đến 150 phút/tuần với cường độ vừa phải giúp người bệnh ung thư buồng trứng tăng cường sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ tác dụng phụ về thể chất như mệt mỏi…
Cải thiện trí nhớ: Trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh có thể gặp tình trạng "sương mù não" hay "não hóa trị", nghĩa là cảm giác không thể suy nghĩ nhanh và rõ ràng như trước khi điều trị. Tập luyện đều đặn giúp người bệnh giảm tác động của quá trình này.
Kiểm soát cân nặng: Với người bệnh ung thư, các biện pháp điều trị có thể tác động đến cân nặng, tập luyện thường xuyên giúp họ kiểm soát và duy trì cân nặng nên có.
Nâng cao chất lượng cuộc sống: Tập luyện kết hợp các bài tập sức mạnh và bài tập tim mạch hỗ trợ người bệnh kiểm soát tác dụng phụ, giảm đau, giảm căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Người bệnh ung thư buồng trứng nên thực hiện tập luyện thường xuyên.
2. Bài tập tốt nhất cho bệnh nhân ung thư buồng trứng
Bài tập thở
Khi thực hiện bài tập thở giúp người bệnh khởi động quá trình tập luyện và giảm căng thẳng, người bệnh tập trung và thư giãn hơn.
Cách thực hiện:
- Ngồi hoặc nằm thoải mái trên sàn.
- Hít vào nhẹ nhàng bằng mũi theo nhịp đếm đến 3 hoặc 4 (tùy theo nhịp nào thoải mái nhất đối với bạn), sau đó thở ra nhẹ nhàng bằng mũi theo nhịp đếm gấp đôi (6 hoặc 8).
- Tiếp tục cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái. Bài tập thở có thể thực hiện tại nhà hoặc trong phòng chờ trước khi gặp bác sĩ hay trước và sau các thủ thuật, hóa trị.
Yoga
Nghiêng cổ
Bài tập này giúp tăng cường cơ cổ, thư giãn cổ, lưng trên và giảm căng thẳng.
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng trên ghế hoặc sàn. Giữ đầu thẳng, mắt nhìn về phía trước. Hít thở đều đặn trong suốt quá trình tập động tác này.
- Nhẹ nhàng nghiêng đầu sang trái, kéo tai trái về phía vai trái. Giữ nguyên tư thế trong 30 giây và cảm nhận sự kéo giãn cơ cổ bên phải.
- Từ từ xoay đầu về phía trước và di chuyển sang phải cho đến khi tai phải gần vai phải. Giữ nguyên tư thế và cảm nhận sự kéo giãn ở cơ cổ bên trái.
- Thực hiện 5 lần lặp lại mỗi bên. Nếu cảm thấy khó chịu trong khi thực hiện động tác này, hãy dừng lại ngay lập tức.
Tư thế ngọn núi (Tadasana)
Bài tập này giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện tư thế, tăng cường sự tập trung.
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng trên ghế hoặc ở tư thế khoanh chân thoải mái trên sàn, cột sống lưng thẳng, hai tay thả lỏng hai bên. Giữ hơi thở thư giãn và đều đặn.
- Kéo giãn nhẹ cột sống và kéo dài cổ. Thả lỏng và thư giãn các cơ trên khuôn mặt.
- Khi hít vào, đưa vai lên ngang tai và thở ra, thả lỏng vai xuống hoàn toàn. Giữ vai ổn định ở tư thế này.
- Giữ nguyên tư thế trong 30 giây đến vài phút, sau đó thả ra.
Tư thế con mèo/con bò tăng cường lưu thông máu đến bụng, kéo giãn lưng…
Tư thế con mèo/con bò (Chakravakasana)
Tư thế này tăng cường lưu thông máu đến bụng, kéo giãn lưng và phần thân.
Cách thực hiện:
- Đặt 2 lòng bàn tay chống xuống thảm trải sàn, cánh tay thẳng, chống hai đầu gối và mũi chân xuống sàn, tạo thành tư thế giống như em bé đang tập bò.
- Với tư thế con bò, bạn hít vào, uốn cong nhẹ cột sống về phía sau. Đồng thời xoay vai về phía xương bả vai. Tư thế này giống như con bò đang uống nước. Bạn nâng cằm và ngực bằng cách nhìn lên trần nhà mà không xoay cổ.
- Với tư thế con mèo, bạn thở ra, hóp bụng vào cột sống và đẩy lưng lên về phía trần nhà. Tư thế sẽ trông giống như một con mèo đang duỗi lưng. Bạn đưa vai về phía trước và thả cằm về phía ngực bằng cách nhìn về phía rốn nhưng không ép cằm vào ngực.
- Xen kẽ giữa tư thế con bò và con mèo trong 3 - 5 lần hít vào và thở ra.
Tư thế đầu gối chạm ngực biến thể (Pawanmuktasana)
Khi thực hiện tư thế này sẽ giúp người bệnh săn chắc bụng, giảm căng thẳng ở lưng, giúp giảm đầy hơi.
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa, hai chân khép lại, hai tay thả lỏng dọc theo cơ thể.
- Hít vào, sau đó, khi thở ra, cong đầu gối phải và kéo về phía ngực.
- Nhẹ nhàng nắm chặt tay quanh ống chân.
- Hít thở sâu và chậm trong khi nhẹ nhàng giữ chân ở tư thế này.
- Khi thở ra, thả chân, tay ra và đưa về vị trí ban đầu.
- Lặp lại ở phía bên kia.
Thư giãn sâu (Savasana)
Tư thế này giúp thư giãn cơ thể, làm dịu hơi thở, tâm trí.
Cách thực hiện:
- Nằm trên sàn hoặc giường, kê một chiếc gối dưới đầu và nếu muốn, kê một chiếc gối dưới đầu gối.
- Thư giãn cánh tay bên cạnh cơ thể, lòng bàn tay hướng lên trên. Nhắm mắt lại.
- Bắt đầu cảm nhận cơ thể và hướng suy nghĩ từ bàn chân, cảm nhận mọi căng thẳng tan biến ở bàn chân, sau đó là mắt cá chân, cẳng chân, đầu gối và đùi.
- Tiếp tục quét qua thân, cánh tay, đầu và mặt.
- Cảm nhận chút căng thẳng cuối cùng trôi lên đỉnh đầu.
- Tập trung vào hơi thở khi bạn hít vào và thở ra nhẹ nhàng, giữ nguyên tư thế này trong thời gian bạn muốn, nhưng ít nhất là trong vài phút.
- Sau đó, nhẹ nhàng lắc lư các ngón tay và ngón chân, cánh tay và chân, trước khi ngồi dậy.
Ngoài các bài tập này, người bệnh ung thư buồng trứng có thể thực hiện các động tác pilates. Đây là hình thức hoạt động thể chất giúp người bệnh tập trung vào sức mạnh, sự linh hoạt, sự cân bằng và khả năng phối hợp, có thể đặc biệt có lợi khi được chẩn đoán mắc ung thư.
Ngoài ra, người bệnh có thể thực hiện đi bộ ngắn, bơi lội nếu tình trạng sức khỏe cho phép.
3. Những lưu ý dành cho người bệnh ung thư buồng trứng khi tập luyện
Thời điểm tập tốt trong ngày: Người bệnh ung thư buồng trứng nên thực hiện tập luyện thường xuyên để nhận được tối đa lợi ích của quá trình này nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Người bệnh nên lựa chọn thời điểm tập phù hợp với lịch trình sinh hoạt, điều trị của từng cá nhân.
Giai đoạn cấp tính hay cơ thể mệt mỏi: Trong giai đoạn này, người bệnh không nên thực hiện các bài tập luyện mà nên tập trung điều trị, khi bệnh thoái lui, cơ thể dần phục hồi thì có thể quay trở lại thói quen, lịch trình tập luyện trước kia.
Cách tập không gây hại sức khỏe
Người bệnh nên quay lại các hoạt động bình thường hàng ngày càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán và điều trị.
Tham gia hoạt động thể chất thường xuyên phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Bắt đầu từ từ và tăng dần lượng hoạt động thể chất theo thời gian.
Tăng tối đa 150 phút hoạt động cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động cường độ mạnh mỗi tuần.
Tập thể dục nhiều lần một tuần, mỗi lần ít nhất 10 phút.
Kết hợp bài tập rèn luyện sức bền và bài tập kéo giãn.
Bổ sung đủ nước cho cơ thể.
Không tập khi vừa ăn no hoặc ngay trước khi ngủ.
Nếu người bệnh gặp vấn đề về thăng bằng do hóa trị có thể lựa chọn tư thế ngồi (trên ghế, trên thảm hoặc trên sàn) hoặc nằm (trên giường hoặc sàn) sẽ tốt hơn tư thế đứng và nên dừng lại nếu cơ thể cảm thấy khó chịu. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các bài tập cụ thể.
Theo suckhoedoisong.vn