1. Tập luyện kiểm soát bàng quang phù hợp với trường hợp nào?

Tập luyện kiểm soát bàng quang thường được sử dụng để điều trị chứng tiểu són, tiểu không tự chủ, tiểu đêm nhiều lần. Tình trạng tiểu không tự chủ có thể gặp ở cả nam và nữ (sau khi sinh con và mãn kinh).

Có nhiều loại tiểu không tự chủ khác nhau, bao gồm tiểu không tự chủ khi gắng sức (chẳng hạn như ho, hắt hơi hoặc cười); tiểu gấp không kiểm soát; tiểu không tự chủ hỗn hợp và tiểu không tự chủ do tràn đầy.

Khi bị tiểu không tự chủ, người bệnh có biểu hiện đặc trưng là són tiểu, đi tiểu nhiều lần cả ngày và/hoặc ban đêm. Tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, tâm lý, chất lượng sống của người bệnh và có xu hướng gia tăng ở người lớn tuổi nhưng nguyên nhân không hoàn toàn do quá trình lão hóa.

2. Tập luyện bàng quang mang lợi ích gì?

Tiểu không tự chủ là tình trạng mất kiểm soát bàng quang. Do đó, tập luyện bàng quang nhằm mục đích khôi phục sự kiểm soát với những lợi ích sau:

  • Kéo dài khoảng thời gian giữa các lần đi vệ sinh.
  • Tăng lượng nước tiểu mà bàng quang có thể giữ được.
  • Cải thiện khả năng kiểm soát đối với việc muốn đi tiểu.
  • Cải thiện sức khỏe hệ tiết niệu.
photo-1701764498236

Vị trí bàng quang trong cơ thể.

3. Cách tập luyện bàng quang ngăn ngừa tiểu không tự chủ, tiểu đêm

- Xoa bóp vùng bụng: Theo Đông y, nguyên nhân gây són tiểu là do "thận khí bất cố", thận khí không kiện toàn, chức năng khí hóa bị suy yếu và "Bàng quang thất ước", chức năng ước thúc, kiềm chế, điều tiết nước tiểu của hệ thống bàng quang – niệu đạo bị trục trặc.

Theo Lương y Hoài Vũ, chuyên gia y học cổ truyền, để hạn chế tình trạng này, người bệnh có thể thực hiện xoa vùng bụng dưới, day vùng huyệt trung cực, quan nguyên, thông qua thủ thuật tác động vào thành bụng, thành bàng quang. Ngoài ra còn day/ấn tam âm giao, túc tam lý.

photo-1701764499062

Xoa vùng bụng dưới giúp hạn chế tình trạng tiểu không tự chủ.

- Bài tập Kegel: Bài tập Kegel có tác dụng tăng cường các cơ sử dụng để bắt đầu và ngừng dòng nước tiểu. Để thực hiện Kegel, hãy siết chặt các cơ bạn thường sử dụng để ngăn dòng nước tiểu. Giữ cơn co trong năm giây, sau đó thư giãn trong năm giây. Dần dần tăng lên các cơn co thắt 10 giây với 10 giây nghỉ giữa các cơn. Cố gắng thực hiện ba hiệp, mỗi hiệp 10 cơn co thắt mỗi ngày.

Những phụ nữ không tìm được cơ phù hợp để siết chặt khi tập Kegel có thể đưa ngón tay vào âm đạo để cảm nhận các cơ co lại hoặc thử phương pháp phản hồi sinh học giúp bạn thực hành bài tập Kegel đạt hiệu quả hơn.

- Trì hoãn đi tiểu: Khi bạn cảm thấy muốn đi tiểu, hãy nhịn tiểu thêm khoảng 5 phút nữa. Sau đó tăng dần thời gian lên 10 phút, cho đến khi bạn có thể kéo dài ít nhất ba đến bốn giờ mà không cần phải đi vệ sinh.

Nếu bạn cảm thấy rất cần phải đi, bạn có thể đánh lạc hướng bản thân bằng cách đếm ngược từ 100 đến một hoặc thực hành các kỹ thuật thư giãn như thở sâu.

Khi không thể nhịn được nữa, hãy đi vệ sinh, nhưng hãy đi lại vào thời gian trống đã lên lịch tiếp theo để duy trì lịch trình rèn luyện bàng quang của mình.

photo-1701764499514

Trì hoãn đi tiểu giúp cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ.

- Đi vệ sinh theo lịch trình: Xác định tần suất bạn đi vệ sinh dựa trên nhật ký của mình, sau đó cộng thêm khoảng 15 phút vào thời điểm đó. Ví dụ, nếu bạn đi vệ sinh mỗi giờ, hãy lên lịch đi vệ sinh cứ sau 1 giờ 15 phút, bất kể bạn có thực sự cảm thấy muốn đi vệ sinh hay không. Tăng dần thời gian giữa các lần đi vệ sinh.

4. Một số biện pháp khác

Để thực thiện thành công việc tập luyện bàng quang ngăn ngừa tiểu không tự chủ, tiểu đêm nhiều lần, bạn nên kết hợp một số biện pháp sau:

  • Hạn chế đồ uống làm tăng đi tiểu, bao gồm đồ uống có chứa caffein như soda, cà phê và trà.
  • Uống ít chất lỏng trước khi đi ngủ.
  • Đi vệ sinh trước khi đi ngủ vào buổi tối và ngay khi thức dậy vào buổi sáng.
  • Tiếp tục ghi nhật ký trong khi đang thực hiện kiểm soát bàng quang.

Theo suckhoedoisong.vn