Chấn thương hàm mặt là chấn thương làm tổn thương các cơ quan vùng hàm mặt, có thể chia thành hai nhóm chính chấn thương phần mềm và chấn thương gãy xương hàm mặt.
Đây là loại chấn thương thường gặp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc tai nạn sinh hoạt. Tùy theo mức độ chấn thương là chấn thương mô mềm hay có chấn thương gãy xương hàm mặt mà chế độ chăm sóc, điều trị của mỗi bệnh nhân là khác nhau.
1. Tác dụng của các bài tập cho người chấn thương hàm mặt
Đối với người bệnh chấn thương hàm mặt, việc thực hiện các bài tập theo hướng dẫn của chuyên gia y tế là rất quan trọng để đảm bảo quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi.
Các bài tập này thường bao gồm việc duy trì sự linh hoạt và sức mạnh của các cơ bị tổn thương, giúp bệnh nhân dễ dàng ăn uống và giao tiếp, đồng thời duy trì hoặc cải thiện khả năng nhai và nói.
Cũng giống như nhiều bài tập vận động đối với những bệnh khác, các bài tập vùng hàm mặt là phương pháp tốt để tăng cường lưu thông máu, giảm co kéo, tăng cường sự linh hoạt của cơ, đồng thời cũng là phương pháp giúp người bệnh giảm căng thẳng, thư giãn hơn, qua đó giúp giảm đau hiệu quả.
Một trong những biến chứng thường gặp của bệnh nhân chấn thương hàm mặt là khít hàm, đặc biệt là những bệnh nhân phải cố định trong quá trình điều trị. Biến chứng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các bài tập vận động vùng hàm mặt sẽ giúp tăng sự linh hoạt của các cơ vùng này, giảm co kéo từ đó hỗ trợ dự phòng và phục hồi biến chứng khít hàm.
Thông qua các lợi ích như giảm đau, tăng cường sự linh hoạt của các cơ, các bài tập là cách hiệu quả để phục hồi chức năng vùng hàm mặt, hỗ trợ rất lớn cho người bệnh sau khi hồi phục.
2. Các bài tập phục hồi chức năng cho người bệnh chấn thương hàm mặt
Bài tập mở miệng một phần và toàn phần
Bài tập này hiệu quả trong việc giảm đau sau chấn thương hàm mặt. Bài tập mở và đóng miệng một phần được thực hiện tương tự như cách một con cá vàng mở và đóng miệng. Mục tiêu của bài tập là tăng phạm vi chuyển động, linh hoạt và giảm độ cứng khớp thái dương hàm, đồng thời giúp thư giãn các cơ xung quanh khớp hàm, làm cho việc di chuyển hàm trở nên dễ dàng hơn.
Bài tập mở miệng toàn phần là bài tập mở miệng rộng nhất có thể trong khi giữ lưỡi trên vòm miệng và các cơ xung quanh khớp hàm thư giãn. Bài tập này giúp kéo giãn và tăng cường cơ bắp hỗ trợ hàm, giảm căng thẳng và đau do chấn thương hàm mặt.
Bài tập mở miệng hỗ trợ kéo giãn, giảm căng thẳng, giảm đau do chấn thương hàm mặt.
Bài tập thư giãn hàm
Đây là một trong những bài tập tốt nhất để giảm đau cho khớp thái dương hàm nói riêng và giảm đau do chấn thương hàm mặt nói chung. Bài tập này bao gồm việc mở và đóng miệng nhẹ nhàng và chậm rãi trong khi giữ răng cách xa nhau và đặt lưỡi lên trên vòm miệng.
Hãy giữ các cơ xung quanh hàm thư giãn trong suốt quá trình thực hiện bài tập này, giúp giảm căng thẳng và độ cứng ở khu vực này, qua đó đạt được mục đích giảm đau.
Bài tập gập cằm
Đây cũng là một bài tập đơn giản có thể giúp giảm đau do chấn thương hàm mặt. Bài tập bao gồm việc gập cằm về phía ngực trong khi giữ cổ và đầu thẳng.
Giữ tư thế này trong vài giây trước khi từ từ thả ra và trở lại vị trí ban đầu. Bài tập này có thể cải thiện tư thế và giảm căng thẳng trong các cơ hàm từ đó đạt được tác dụng giảm đau.
Bài tập mở miệng có kháng lực
Đây là một bài tập tuyệt vời để giúp giảm đau và tăng cường sức mạnh cho các cơ vùng hàm mặt. Bài tập giúp tăng cường các cơ hàm và cơ mặt, giúp giảm căng thẳng và giảm đau.
Để thực hiện bài tập này, hãy ngồi hoặc đứng với đầu và cổ ở tư thế trung lập. Đặt ngón trỏ dưới cằm và nhẹ nhàng cố gắng mở miệng. Ngón tay của bạn sẽ cản trở động tác mở miệng này, bạn sẽ cảm nhận các cơ hàm và cơ mặt đang hoạt động.
Lực đối kháng tác động lên vùng cằm có thể được tăng dần theo thời gian, tùy thuộc vào mức độ hồi phục và khả năng chịu đựng của từng người.
Bài tập mở miệng có kháng lực giúp người bệnh chấn thương hàm mặt hồi phục nhanh hơn.
Bài tập đóng miệng có kháng lực
Bài tập này được thực hiện ngược lại với bài tập mở miệng có kháng lực, từ đó giúp tăng cường các cơ mở và đóng hàm, giảm đau hàm và mặt. Đây là một bài tập tuyệt vời giúp giảm đau trong quá trình phục hồi của bệnh nhân chấn thương hàm mặt.
Bài tập này được thực hiện bằng cách sử dụng một thiết bị kháng lực được thiết kế đặc biệt cho mục đích này.
Bài tập di chuyển hàm từ bên này sang bên kia
Đây là một bài tập tuyệt vời khác để giảm đau và tăng cường sự linh hoạt cho các cơ vùng hàm mặt. Bài tập hoạt động bằng cách kéo giãn các cơ hỗ trợ khớp thái dương hàm, giúp cải thiện khả năng di chuyển khớp và giảm khó chịu.
Bạn có thể thực hiện bài tập này cả khi nằm hoặc ngồi bằng cách đưa hàm dưới từ bên trái từ từ di chuyển sang bên phải và ngược lại.
Di chuyển hàm từ bên nọ sang bên kia giúp giảm đau và tăng cường sự linh hoạt các cơ vùng mặt cho người chấn thương hàm mặt.
Bài tập di chuyển hàm ra phía trước
Tương tự bài tập chuyển hàm từ bên này sang bên kia, đây là một bài tập có thể giúp giảm đau và tăng cường sự linh hoạt cho các cơ vùng hàm mặt. Bài tập giúp giảm căng thẳng và độ cứng xung quanh khớp thái dương hàm bằng cách kéo giãn các cơ.
Để thực hiện bài tập này, hãy ngồi hoặc đứng thoải mái với đầu hướng về phía trước. Hơi mở miệng và di chuyển hàm răng dưới ra phía trước so với hàm răng trên. Giữ tư thế này trong 10 giây và từ từ đưa hàm dưới trở lại vị trí ban đầu.
3. Lưu ý khi tập luyện với người bị chấn thương hàm mặt
Thời điểm tập tốt trong ngày: Người bị chấn thương hàm mặt nên tập luyện ít nhất 1 lần các bài tập vùng hàm mặt vào thời gian phù hợp với lịch sinh hoạt, làm việc của cá nhân mình.
Khi bệnh ở giai đoạn cấp hay cơ thể mệt mỏi: Trong giai đoạn này người bệnh nên nghỉ ngơi, không thực hiện các bài tập nếu không có sự hướng dẫn của chuyên gia.
Cách tập không gây hại sức khỏe
Theo đúng chỉ định của bác sĩ: Người bệnh chấn thương hàm mặt, đặc biệt là người bệnh có gãy xương hàm mặt cần có thời gian cố định theo chỉ định của thầy thuốc, chỉ tập luyện khi đã tháo cố định và được thầy thuốc cho phép.
Tập há miệng to dần, đồng thời với quá trình chuyển dần từ thức ăn mềm sang thức ăn bình thường. Trong quá trình này cũng cần tránh tuyệt đối các loại thực phẩm cứng và dẻo.
Người bệnh chấn thương hàm mặt nên tập luyện theo chỉ định của bác sĩ.
Tập kết hợp: Người chấn thương hàm mặt, đặc biệt là sau khi cố định hàm thường xuất hiện hạn chế động tác há miệng, lúc này có thể kết hợp với các phương pháp như xoa nắn, chườm nóng để hỗ trợ các bài tập mở miệng.
Chú ý kết hợp các bài tập với chế độ dinh dưỡng và vệ sinh răng miệng trong quá trình chăm sóc người bệnh. Đồng thời người bệnh cũng có thể phối hợp thêm với các phương pháp giúp giảm căng thẳng, và duy trì tư thế tốt.
Trong quá trình điều trị và tập luyện phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị, có sự theo dõi của thầy thuốc và khám lại ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường.
Theo suckhoedoisong.vn