Người cao tuổi tập thể dục thường xuyên không chỉ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính mà còn tăng cường sức mạnh, sự linh hoạt cho khớp; sức khỏe tim mạch; sự cân bằng, phối hợp và sức khỏe tinh thần… Điều quan trọng, người cao tuổi phải lựa chọn các bài tập phù hợp và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa an toàn.
1.Các bài tập người cao tuổi nên thực hiện
1. Đi bộ nhanh: Hoạt động này có thể tiến hành ở hầu hết mọi nơi và đây là bài tập nhẹ nhàng, ít tác động cho các khớp và rất tốt để giữ cho trái tim bạn khỏe mạnh.
Đi bộ nhanh giữ cho trái tim khỏe mạnh và sức khỏe khớp cho người cao tuổi
2. Rèn luyện khả năng giữ thăng bằng và phối hợp: TS. Abhishek Kumar Gupta, Trưởng khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Marengo Asia, Gurugram, Ấn Độ cho biết, các hoạt động giúp tăng khả năng giữ thăng bằng như đi bộ theo đường thẳng, đứng bằng một chân… giúp giảm nguy cơ té ngã và cải thiện sự nhanh nhẹn ở người cao tuổi…
3. Đạp xe: Không gây áp lực quá mức lên các khớp. Đạp xe cố định hoặc nằm ngửa đạp chân là phương pháp tác động thấp để tăng cường sức khỏe tim mạch.
4. Bài tập thể dục với trọng lượng cơ thể: Để duy trì sức mạnh, hãy thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như gập người, squat và chống đẩy...
5. Bài tập với dây kháng lực: Có thể cải thiện sức mạnh và độ dẻo dai của mình bằng cách sử dụng dây kháng lực nhẹ.
6. Bài tập trên ghế: Đối với những người có hạn chế về khả năng vận động, các bài tập ngồi như yoga trên ghế hoặc thể dục nhịp điệu cũng rất tốt.
2. Những điều nên làm cho người cao tuổi khi tập luyện
- Duy trì hoạt động: Đảm bảo tập thể dục thường xuyên phù hợp với mức độ thể lực của mình.
- Giao lưu: Để duy trì động lực và tránh bị cô lập, hãy tham gia các hoạt động nhóm hoặc tập luyện với bạn bè.
- Bắt đầu chậm: Tăng dần thời lượng và cường độ tập luyện.
- Ăn uống tốt và giữ đủ nước: Để bổ sung cho chế độ tập luyện, hãy duy trì chế độ ăn uống cân bằng và uống nhiều nước.
- Ưu tiên nghỉ ngơi: Để tránh căng thẳng, hãy cho cơ thể thời gian nghỉ ngơi và phục hồi giữa các buổi tập.
Đối với những người có hạn chế về khả năng vận động, các bài tập ngồi như yoga trên ghế hoặc thể dục nhịp điệu cũng rất tốt.
3. Những điều người cao tuổi không nên làm khi tập luyện
- Không gắng sức quá mức: Người cao tuổi không nên tập luyện quá sức của mình. Hãy chú ý lắng nghe cơ thể trong quá tình tập luyện và tạm dừng khi cần thiết. Việc gắng sức quá mức có thể gây hại nhiều hơn lợi.
- Tránh hành vi ít vận động: Thời gian không hoạt động kéo dài có thể khiến lưu thông máu kém và cơ yếu đi.
- Không bỏ qua các vấn đề sức khỏe: Ghi nhận bất kỳ cơn đau, nhức hoặc khó chịu mới nào và nếu cần hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế.
- Không bỏ thuốc điều trị (nếu có): Đảm bảo uống thuốc đúng giờ, ngay cả khi bạn đang tập thể dục.
- Đừng coi nhẹ sự an toàn: Để tránh bị ngã hoặc chấn thương, hãy mang giày dép phù hợp, giữ tư thế chuẩn và thiết lập khu vực tập luyện an toàn.
Người cao tuổi có thể tiếp tục hoạt động và tận dụng nhiều lợi ích của việc tập thể dục thường xuyên bằng cách tập trung vào các hoạt động phù hợp và thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn cần thiết. Hãy bắt đầu từ từ, tiếp tục đều đặn và đưa việc tập thể dục vào thói quen hàng ngày.
Theo suckhoedoisong.vn