1. Vai trò của tập luyện đối với người giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn nở và xoắn bất thường của các tĩnh mạch trong bìu, thường xuất hiện ở bên trái. Tình trạng này tương tự như giãn tĩnh mạch ở chân, khiến máu không lưu thông bình thường, gây ra ứ đọng tại các tĩnh mạch thừng tinh.

Nguyên nhân chính gây ra giãn tĩnh mạch thừng tinh là do hệ thống van trong tĩnh mạch bị suy yếu hoặc hoạt động không hiệu quả, làm máu chảy ngược lại và tích tụ trong tĩnh mạch.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một bệnh lý khá phổ biến ở nam giới, đặc biệt là trong độ tuổi từ 15 đến 35.

Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây ra các vấn đề về sức khỏe sinh sản.

Bệnh thường được phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khi nam giới gặp các triệu chứng như đau nhức, cảm giác nặng nề ở bìu, sưng tấy vùng bẹn và bìu, hoặc tình trạng vô sinh.

Chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh thường được thực hiện qua thăm khám lâm sàng kết hợp với siêu âm Doppler để xác định mức độ giãn tĩnh mạch.

Điều trị có thể không cần thiết nếu bệnh không gây triệu chứng hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật là biện pháp điều trị chủ yếu, giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm chất lượng tinh trùng và giảm đau đớn cho người bệnh.

Bài tập tốt cho người giãn tĩnh mạch thừng tinh- Ảnh 1.

Tư thế cây cầu tăng cường sức mạnh cơ bụng, cơ hông và lưng dưới.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh nam, vì vậy việc phát hiện và điều trị kịp thời rất quan trọng.

Tập luyện đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quản lý và ngăn ngừa tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh. Mặc dù không thể điều trị hoàn toàn giãn tĩnh mạch thừng tinh bằng tập luyện, nhưng một số hình thức tập thể dục có thể giúp cải thiện lưu thông máu, giảm tình trạng ứ đọng máu ở các tĩnh mạch thừng tinh và hỗ trợ sức khỏe tổng thể.

Các bài tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp tăng cường tuần hoàn máu, hạn chế áp lực lên các tĩnh mạch và giảm nguy cơ phát triển thêm của bệnh. Đặc biệt, một số bài tập yoga có thể mang lại lợi ích lớn nhờ các tư thế giúp cải thiện lưu thông máu đến vùng chậu và giảm căng thẳng tại khu vực thừng tinh.

Tuy nhiên, những bài tập thể lực nặng như nâng tạ hoặc các hoạt động gây áp lực lớn lên vùng bụng nên được hạn chế, vì chúng có thể làm tăng áp lực trong bụng và làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Bài tập tốt cho người giãn tĩnh mạch thừng tinh- Ảnh 2.

Tư thế cái cày kéo giãn và làm giảm căng thẳng các cơ vùng bụng dưới và hông.

2. Các bài tập tốt cho người bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh

2.1.Bài tập 1: Tư thế cây cầu

- Cách thực hiện:

+ Nằm ngửa trên sàn, gập đầu gối, bàn chân chạm sàn và đặt gần hông.

+ Hít vào, nâng hông lên, giữ lưng và vai trên sàn.

+ Giữ tư thế này trong 20 - 30 giây, hít thở đều.

+ Thở ra và từ từ hạ hông xuống.

- Tác dụng: Tư thế này giúp tăng cường sức mạnh cơ bụng, cơ mông và lưng dưới. Những cơ này khi khỏe mạnh sẽ hỗ trợ tốt hơn cho lưu thông máu trong vùng chậu, giảm nguy cơ ứ đọng máu tại các tĩnh mạch.

Khi thực hiện tư thế này, hông được nâng lên cao, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn từ vùng chậu về tim, giảm tình trạng ứ đọng máu tại các tĩnh mạch thừng tinh, nguyên nhân chính gây giãn tĩnh mạch.

2.2. Bài tập 2: Tư thế cái cày

- Cách thực hiện:

+ Nằm ngửa, hai tay dọc theo cơ thể, lòng bàn tay úp xuống.

+ Hít vào, nâng chân lên qua đầu, giữ chân thẳng và đặt đầu ngón chân xuống sàn.

+ Giữ tư thế này trong 15 - 30 giây, hít thở sâu.

+ Thở ra và từ từ hạ chân xuống.

- Tác dụng: Tư thế này kéo giãn và làm giảm căng thẳng tại các cơ ở vùng bụng dưới và hông, giúp giảm áp lực lên các tĩnh mạch thừng tinh và hỗ trợ làm dịu những triệu chứng đau nhức ở vùng này.

Đồng thời kéo giãn toàn bộ cột sống, vùng cổ và lưng, giúp cải thiện sự linh hoạt và giảm căng thẳng trong các vùng cơ và xương khớp.

Bài tập tốt cho người giãn tĩnh mạch thừng tinh- Ảnh 3.

Tư thế chó úp mặt kéo giãn và thư giãn cơ vùng chậu, cơ bụng dưới...

 

2.3.Bài tập 3: Tư thế nâng chân lên tường

- Cách thực hiện:

+ Nằm ngửa và để chân nâng lên dựa vào tường sao cho cơ thể tạo thành góc vuông với tường.

+ Giữ chân thẳng và thư giãn trong tư thế này từ 5 - 10 phút.

+ Hít thở đều và tập trung vào cảm giác thư giãn cơ thể.

- Tác dụng: Tư thế nâng chân lên tường giúp kéo giãn và tăng cường sự linh hoạt của các cơ vùng hông và chân, góp phần giảm bớt áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu. Từ đó giúp giảm áp lực trong các tĩnh mạch ở chân và vùng thừng tinh, thúc đẩy tuần hoàn máu trở lại tim và giảm căng thẳng vùng bụng.

2.4.Bài tập 4: Tư thế chó úp mặt

- Cách thực hiện:

+ Quỳ trên thảm, hai tay và hai chân trên sàn, đầu gối rộng bằng hông, hai tay rộng bằng vai, các ngón tay đặt trên sàn.

+ Tiếp theo, hít một hơi thật sâu và dùng lực ấn hai bàn tay xuống sàn và từ từ nâng đầu gối lên. Nâng hông lên xuống vài lần để kéo căng cơ và kéo dài cột sống trước khi vào tư thế.

+ Thở ra, sau đó từ từ duỗi thẳng chân, nhón chân lên, gót chân nâng lên khỏi mặt sàn.

+ Cuối cùng, kéo căng chân và lưng cao nhất có thể, đồng thời đặt đầu vào giữa cánh tay tạo thành tư thế chó úp mặt.

+ Nhắm mắt và hít thở đều, giữ nguyên tư thế trong 1 - 3 phút và trở về vị trí ban đầu.

- Tác dụng: Tư thế này kéo giãn và thư giãn các cơ vùng chậu và cơ bụng dưới, giúp giảm sự căng cứng trong khu vực này, từ đó giảm áp lực lên các tĩnh mạch thừng tinh. Đồng thời, khi cơ thể ở tư thế chữ V ngược, máu được thúc đẩy lưu thông tốt hơn từ chân về tim, giúp giảm tình trạng ứ đọng máu tại các tĩnh mạch thừng tinh. Điều này hỗ trợ giảm áp lực trong các tĩnh mạch giãn nở.

2.5. Bài tập 5: Tư thế cánh bướm

- Cách thực hiện:

+ Ngồi trên chiếc thảm yoga, gập đầu gối và hai bàn chân áp sát vào nhau.

Dùng hai tay để nắm chân. Hai đầu gối mở rộng sang hai bên, giữ cho lưng thẳng.

Giữ thế này trong khoảng 1 - 2 phút và thở đều. Nghỉ ngơi trong vài giây trước khi lặp lại tư thế.

- Tác dụng: Tư thế cánh bướm kích thích tuần hoàn máu tốt hơn đến vùng chậu và bẹn, giúp giảm tình trạng ứ đọng máu tại các tĩnh mạch thừng tinh, đồng thời mở rộng hông, kéo giãn và thư giãn các cơ vùng chậu, giảm căng thẳng và áp lực lên các tĩnh mạch thừng tinh.

Điều này giảm thiểu sự đau nhức và khó chịu do bệnh gây ra.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Tập trung vào những bài tập nhẹ nhàng và phục hồi, như các tư thế kéo giãn và nâng chân, tránh các bài tập yêu cầu sức mạnh lớn hoặc tạo áp lực mạnh lên vùng bụng như nâng tạ nặng hoặc tư thế cúi gập sâu…

- Trước khi vào tư thế, hãy khởi động nhẹ nhàng các cơ vùng hông và lưng để tránh chấn thương.

- Nếu cảm thấy đau, khó chịu hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy ngừng lại ngay lập tức.

- Bắt đầu với thời gian tập ngắn và từ từ tăng dần khi cơ thể đã quen. Đối với những tư thế thư giãn, có thể giữ lâu hơn, nhưng không nên quá sức.

- Giữ tâm lý thoái mái khi tập luyện, tinh thần thoải mái và thư giãn sẽ giúp cải thiện hiệu quả của các bài tập, đồng thời giảm căng thẳng.

- Ngoài việc tập yoga, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước và nghỉ ngơi hợp lý cũng rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Theo suckhoedoisong.vn