1. Vai trò của tập luyện với người bệnh viêm tinh hoàn

Tinh hoàn là cơ quan sinh dục nam có hình bầu dục, là một phần của hệ thống sinh sản nam giới. Tinh hoàn có hai chức năng chính, đó là không gian nơi tinh trùng được sản xuất, lưu trữ để sinh sản và là nơi sản sinh ra các hormone nam như testosterone.

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý viêm tinh hoàn chính là nhiễm trùng, bởi các vi khuẩn hoặc virus gây ra (phổ biến nhất là virus quai bị). Bên cạnh đó, viêm tinh hoàn cũng có thể bị lây nhiễm thông qua đường tình dục, từ các bệnh lậu, chlamydia,...

Để phòng ngừa viêm tinh hoàn, nam giới có thể thay đổi các thói quen sống hằng ngày để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh liên quan đến tình dục. 

Nam giới bị viêm tinh hoàn, ngoài điều trị theo đơn của bác sĩ, người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, không nên căng thẳng, mệt mỏi. Ngoài ra cần tập luyện thể dục thể thao đều đặn, nâng cao sức khỏe cho bản thân, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. 

Bài tập tốt nhất cho người bệnh viêm tinh hoàn- Ảnh 1.
 

Nguyên nhân chính dẫn đến viêm tinh hoàn chính là nhiễm trùng. Ảnh minh họa

2. Bài tập thích hợp cho bệnh nhân bị viêm tinh hoàn

Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, người bị viêm tinh hoàn sau khi điều trị hết các triệu chứng viêm cần duy trì các bài tập vận động. Những bài tập này vừa giúp giảm các triệu chứng của bệnh, vừa nâng cao thể trạng, đồng thời giúp cải thiện tâm lý, tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

2.1 Đi bộ

Đi bộ nhẹ nhàng là một phương pháp luyện tập có lợi cho bệnh nhân bị viêm tinh hoàn. Tuy nhiên thời gian và quãng đường đi bộ nên thiết kế phù hợp với thể trạng bệnh nhân. Nếu việc đi bộ không xuất hiện các cơn đau, các vấn đề phù nề, người bệnh có thể tăng dần tùy theo sự cải thiện của thể trạng.

2.2 Các bài tập dẫn lưu bạch huyết chi dưới

Các bài tập như nâng chân, tư thế cây cầu, trượt gót, đá đùi sang ngang, mini squats, nâng ngón chân và gót chân xen kẽ... đều là những bài tập đơn giản giúp dẫn lưu bạch huyết chi dưới. Ngoài ra, người bệnh có thể massage dẫn lưu bạch huyết toàn thân, đặc biệt là vùng chi dưới.

Cách thực hiện: Người bệnh nằm ngửa, thở sâu, người hỗ trợ sẽ tạo áp lực nhẹ nhàng lên các vị trí hạch bạch huyết không bị tắc hoặc phù để làm rỗng và tiếp nhận nhiều chất lỏng hơn.

Massage sẽ được thực hiện nhiều lần và dừng lại ở các khu vực khác nhau. Điều này sẽ giúp di chuyển bạch huyết qua mạng lưới bạch huyết và các hạch bạch huyết nhằm mục đích giảm đau và giảm sưng phù.

2.3 Các bài tập tăng sức mạnh cơ

Các bài tập tăng sức mạnh cơ rất có lợi cho bệnh nhân viêm tinh hoàn, giúp nâng cao thể trạng. Các bài tập này có thể được chia nhỏ thành các bài tập cho các vùng khác nhau.

Thực hiện các bài tập từ nhẹ rồi tăng dần cường độ tập luyện. Đối với các bài tập nửa trên cơ thể vẫn có thể bắt đầu với tạ nhẹ, dây cáp, hoặc dây kháng lực và tăng dần tùy theo thể trạng.

Những bài tập này nên được thiết kế riêng và tập luyện dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên hoặc bác sĩ có chuyên môn.

2.4 Các bài tập yoga và thiền

Đối với những người có cơ thể bị viêm nói chung bên cạnh sức khỏe thể chất, giữ một tinh thần tích cực, lạc quan cũng là điều hết sức quan trọng. Các bài tập như yoga và thiền không chỉ tốt cho thể chất mà còn giúp cải thiện tinh thần, giảm căng thẳng và lo âu, đẩy lùi bệnh tật.

Ngoài ra, tùy theo sở thích và thói quen của người bệnh, người bệnh có thể lựa chọn các môn tập luyện khác.

Bài tập tốt nhất cho người bệnh viêm tinh hoàn- Ảnh 3.
 Không nên tập luyện khi cảm thấy không khỏe. Ảnh minh họa

3. Những lưu ý khi tập luyện

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đánh giá khả năng gắng sức hoặc cho ý kiến về môn tập phù hợp trước khi bắt đầu việc tập luyện thể dục.

Nên tập vào thời điểm nhất định trong ngày để tạo thói quen. Không nên tập luyện khi cảm thấy không khỏe. 

Trước mỗi buổi tập cần khởi động kỹ, bắt đầu tập với cường độ vừa phải, sau đó tăng tốc và giảm dần trước khi kết thúc để tim thích nghi dần.

Nên mặc quần áo thoáng mát, mang giày nhẹ có dây buộc hoặc giày vải. Cần làm ấm cơ thể bằng các bài tập co duỗi cơ trước khi vận động.

Cần tránh những hoạt động gây các triệu chứng khó thở; choáng váng, chóng mặt; đau ngực; buồn nôn; vã mồ hôi lạnh... Nếu có những dấu hiệu này, phải dừng tập ngay.

Hạn chế dùng xe đạp do ghế xe đạp có thể gây cản trở cho bộ phận sinh dục khi tập luyện quá lâu. Nếu muốn tham gia đạp xe, nên thực hiện các bước bảo vệ để giữ cho bộ phận sinh dục an toàn.

Tránh tập luyện quá mức vì sẽ tác động tiêu cực đến hormone và khả năng sinh sản của nam giới. Các bài tập có thể hỗ trợ nam giới tinh trùng yếu chỉ có thể đạt được hiệu quả cao nếu tập trong chừng mực. 

Theo suckhoedoisong.vn