1. Tác dụng của cây dây gắm
Cây dây gắm có tên gọi khác là vương tôn, dây gắm lót, cây gắm, dây mấu, dây sót. Tên khoa học là Gnetum montanum, thuộc họ dây gắm (Gnetaceae).
Dây gắm là loài thực vật dây leo, sống nhờ trên các cây lớn. Ở nước ta, loài thực vật này phân bố nhiều ở Sapa, Hà Tây, Tuyên Giang và Hà Giang.
Thân và rễ được sử dụng để làm thuốc. Ngoài ra hạt còn dùng để ăn hoặc chế thành thuốc xoa bóp trị đau nhức. Thu hái rễ và thân cây quanh năm. Khi hái về đem rửa sạch rồi thái từng lát mỏng, phơi cho khô hoàn toàn, bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát.
Cây dây gắm có vị đắng, tính bình, tác dụng khu phong, sát trùng, giải độc, hoạt huyết và thư cân.
Công năng: Trừ thấp, sát trùng, tiêu viêm, giải độc, hoạt huyết, thư cân, khu phong.
Chủ trị: Ngộ độc, sốt rét, bị sơn ăn, đau nhức xương khớp và chứng thống phong (bệnh gout). Cành dùng để chỉ thống (giảm đau), liền gân xương, trị bong gân, gãy xương, rễ được dùng để trị chứng hạc tất phong (đầu gối sưng đau).
Ở Ấn Độ, thân và rễ cây gắm được dùng để hạ thân nhiệt, hạt được dùng để chữa đau nhức do tê thấp.
Cách dùng – liều lượng: Cây dây gắm được sử dụng ở dạng đắp ngoài, thuốc sắc hoặc ngâm rượu. Liều dùng uống 15 - 30g/ngày.
2. Bài thuốc chữa bệnh xương khớp có chứa dây gắm
- Chữa đau nhức xương khớp do phong thấp
Bài 1: Rễ cây gắm 160g, ngũ gia bì 160g, thạch lựu bì 160g, quán chúng 100g, cẩu tích 320g, hy thiêm thảo chế 160g, cốt toái bổ 160g, ngưu tất 160g, lá ké 100g, tỳ giải 320g. Các dược liệu sấy khô rồi đem tán bột làm thành viên. Dùng uống với nước gừng hoặc có thể đem ngâm rượu.
Bài 2: Rễ dây gắm 120g, vỏ chân chim 100g, cốt toái bổ 40g, tiền hồ 40g, cỏ xước 40g, rễ rung rúc 80g, bạch hoa xà 10g, rễ chiên chiến 10g, rễ bưởi bung 40g, ô dược 40g, bạch đồng nữ 40g. Đun dược liệu kỹ rồi chế thành cao đặc, sau đó ngâm với rượu trắng 40 độ (khoảng 2 lít) trong vòng 3 ngày. Lọc lấy dịch trong để dùng uống. Mỗi lần sử dụng khoảng 30mg, ngày dùng 2 lần.
Bài 3: Rễ cây gắm 20g, rễ cà gai leo 20g, rễ tầm xuân 20g, vỏ chân chim 20g, dây đau xương 20g, cỏ xước 20g. Cho 500ml vào nồi rồi bỏ dược liệu vào và đem sắc còn 200ml. Mỗi lần dùng 100ml, ngày dùng 2 lần, áp dụng bài thuốc trong 15 ngày.
Rễ cây dây gắm được sử dụng giúp trị chứng đau nhức xương khớp.
- Hỗ trợ điều trị chứng đau nhức gân xương
Thành phần: Rễ gắm 80g, ngũ gia bì 80g, rễ xích đồng nam 40g, rễ bạch đồng nữ 40g, rễ cỏ xước 40g, ô dược 40g, cỏ roi ngựa 20g, rễ rung rúc 80g, vỏ cây hoa giẻ 80g, tang ký sinh 40g, rễ bướm bạc 40g, rễ tầm xuân 40g, rễ bưởi bung 40g, rễ chỉ thiên 20g.
Cách dùng: Đem dược liệu thái nhỏ, phơi khô rồi ngâm với 1 lít rượu trắng trong 15 ngày. Sau đó mỗi ngày dùng 1 chén nhỏ uống trước khi ngủ.
- Hỗ trợ điều trị bệnh gout
Thành phần: Dây gắm khô 10g.
Cách dùng: Hãm với 150ml nước sôi và dùng uống như trà.
Dây gắm khô trị đau nhức do phong thấp.
3. Chữa một số bệnh lý khác
- Bài thuốc trị rắn cắn: Lá cây dây gắm tươi vừa đủ. Ngồi yên để tránh chất độc lan nhanh, sau đó nhai lá gắm nuốt lấy nước rồi dùng bã đắp lên vết cắn. Sau khi sơ cứu, cần đến ngay bệnh viện để được xử lý.
- Bài thuốc chữa lở sơn: Rễ gắm 20g. Đem sắc với 300ml nước còn lại 150ml, ngày uống 2 lần.
- Bài thuốc chữa sốt rét: Dây gắm 10g, binh lang (hạt cau) 4g, lá mãng cầu ta tươi 10g, hà thủ ô chế 10g, chó đẻ răng cưa 8g, dây cóc mẳn 4g, ô mai 4g, thảo quả 10g, thường sơn 10g. Sắc với 600ml nước còn lại 200ml, chia thành 2 lần uống. Nên dùng trước khi lên cơn sốt rét khoảng 2 giờ, nếu không thuyên giảm nên gia thêm sài hồ 10g.
- Bài thuốc điều hòa kinh nguyệt: Dây gắm 8g, nghệ đen 6g, ích mẫu thảo 12g, bạch đồng nữ 10g, nhân trần 12g, lá đuôi lươn 10g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
Theo suckhoedoisong.vn