1. Nguy cơ của bệnh gan nhiễm mỡ
Gan là một cơ quan quan trọng của cơ thể, giúp giải độc; tham gia vào các quá trình chuyển hóa, điều hòa hệ tiêu hóa và cung cấp năng lượng; giúp cân bằng và cũng là nơi chuyển hóa, tổng hợp các chất đường, đạm, béo cho cơ thể...
Gan nhiễm mỡ sẽ ảnh hưởng tới chức năng thần kinh và mạch máu như: Suy giảm trí nhớ, xơ vữa các thành mạch máu, thiếu albumin dẫn tới tinh thần mệt mỏi, suy giảm miễn dịch; tế bào gan bị xơ hóa dẫn tới xơ gan và nguy cơ sau cùng là giảm tuổi thọ.
2. Tác dụng của trạch tả
Trạch tả, tên khoa học: Alisma plantago - aquatica L. Họ Trach tȧ - Alismat - aceae.
- Bộ phận dùng làm thuốc: Thân củ phơi hoặc sấy khô của cây trạch tả. Sau khi rửa sạch, ủ mềm thái phiến phơi hay sấy khô thì gọi chung là trạch tả. Nếu tẩm với nước muối rồi sao nhỏ lửa cho vàng thì gọi là diêm trạch tả, nếu đem sao với trấu thì gọi là sao trạch tả.
- Tác dụng của bào chế: Trạch tả tẩm muối là để dẫn thuốc vào thận, tăng cường tác dụng lợi tiểu, lợi thấp mà không làm tổn thương âm dịch. Trạch tả sau khi sao với trấu là làm giảm bớt tính hàn, để tránh làm tổn thương dương khí ở trung tiêu, tăng cường công năng kiện tỳ hòa vị.
- Tính vị quy kinh: Trạch tả vị ngọt tính hàn, vào kinh thận, bàng quang, phế.
- Công năng chủ trị: Theo y học cổ truyền, trạch tả lợi tiểu tiện, thanh thấp nhiệt. Dùng chữa tiểu không thông, phù thũng, nôn ói tiêu chảy, tiêu chảy, tiểu ít, tiểu ra máu, tiểu gắt, tiểu buốt do sỏi, chóng mặt hoa mắt do đàm, đới hạ thể thấp nhiệt, bệnh mỡ máu cao.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong trạch tả chủ yếu chứa tinh dầu, chất bột.
Các nghiên cứu trong phòng thực nghiệm cho thấy trạch tả có tác dụng lợi tiểu, ức chế hàm lượng cholesterol và mỡ trong máu tăng cao, đồng thời có tác dụng chống gan nhiễm mỡ và làm tăng lưu lượng mạch vành tim.
Cao trạch tả có tác dụng hạ huyết áp, hạ đường huyết, có thể đề phòng xơ hóa động mạch chủ, cải thiện thay đổi lipid, hạ mỡ máu, còn có tác dụng chống thiếu máu cơ tim, chữa các bệnh về tim mạch. Các báo cáo trên lâm sàng dùng độc vị trạch tả từ 12-24g sắc lấy nước uống sáng và chiều điều trị gan nhiễm mỡ và chức năng gan suy giảm đều thu được hiệu quả khá tốt.
Vị thuốc trạch tả được đưa vào sử dụng.
3. Dùng trạch tả trị gan nhiễm mỡ
- Trà trạch tả: Trạch tả 15g, chè búp 3g. Trước tiên sắc trạch tả 20 phút, chắt lấy nước, hãm trà 3-4 lần uống trong ngày.
Các báo cáo trên lâm sàng cho thấy, trạch tả có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ máu, chống chất mỡ trong gan. Búp chè hỗ trợ làm giảm cholesterol, tăng sức đàn hồi của mạch máu, phòng xơ vữa động mạch và gan nhiễm mỡ. Những người béo phì, gan nhiễm mỡ nên uống loại trà này hàng ngày.
- Bài thuốc kết hợp: Trạch tả 15g, đương quy 15g, cỏ nhọ nồi 30g, nữ trinh tử 20g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Gia giảm trong bài thuốc:
- Trường hợp gan nhiễm mỡ do nghiện rượu gia thêm: Cát căn (rễ sắn dây) 30g, bồ công anh 15g.
- Viêm gan virus, nhất là viêm gan B mạn tính gia thêm: Hổ trượng căn (cốt khí củ) 15g.
- Suy giảm chức năng gan kèm theo đái tháo đường gia thêm: Huyền sâm 15g, thương truật 15g.
- Béo phì dẫn đến gan nhiễm mỡ gia thêm: Đại hoàng 6-10g, hà diệp (lá sen) 15g.
- Gan nhiễm mỡ kèm theo chức năng tiêu hóa kém gia thêm: Phục linh 12g, bạch truật 20g.
Theo suckhoedoisong.vn