leftcenterrightdel
 

Ớt là một loại gia vị được rất nhiều người yêu thích bởi vị cay nồng đặc trưng. Một số người còn nghiện nó và cảm thấy ăn không ngon miệng khi không có ớt.

Vì sao ăn ớt lại cay?

Ớt là một loại rau, quả chứa nhiều vitamin C, carotene, chất xơ… Loại quả này thường được sử dụng làm gia vị để nấu kèm với món ăn, làm mắm ớt, muối ớt,...

Trong thành phần của ớt có chứa capsaicin - một chất ôxy hóa có tác dụng ngăn ngừa thức ăn bị hỏng, bảo vệ mạch máu. Và đây cũng chính là chất tạo nên vị cay của ớt.

 

Khi ăn ớt, capsaicin sẽ thúc đẩy sự tiết ra chất P, một neurotransmitter thông báo cho não biết đang bị đau. Tuy nhiên, tiếp xúc với capsaicin lâu sẽ làm giảm cảm giác đau. Đó là lý do chất capsaicin trong ớt còn được sử dụng để chữa bệnh viêm khớp.

 

Vai trò của vị cay trong ẩm thực

Các loại quả, cây trái tạo vị cay (Capsicum fruits) đã có mặt trong khẩu phần ăn của con người từ khoảng 7500 năm trước Công nguyên. Từ xa xưa, người ta đã biết sử dụng vị cay vào trong các món ăn thường ngày và theo thời gian, đúc kết ra nhiều công thức món ăn có vị cay khác nhau, tạo thành một khía cạnh ẩm thực như bây giờ.

Cay là hương vị nổi tiếng và quan trọng trong nhiều nền ẩm thực khác nhau trên thế giới, một số vùng còn lấy vị cay làm chủ đạo, với hầu hết các món ăn đều có vị cay, điển hình như vùng Tứ Xuyên (Trung Quốc). Tương tự, ẩm thực Hàn Quốc cũng được biết đến nhiều với vị cay. Vì vậy, nhiều người cho rằng những vùng miền có khí hậu lạnh, ẩm sẽ chuộng vị cay vì có thể làm ấm người.

Ngay cả khi không phải hương vị chủ đạo, vị cay vẫn luôn xuất hiện trong các món ăn quen thuộc và có vị thế quan trọng chẳng kém vị mặn, ngọt, chua... Không thể phủ nhận được vị cay có thể làm tăng hương vị cho một số món ăn (như rắc thêm hạt tiêu, cho thêm gừng, thêm ớt vào cháo, bún, mỳ...).

Ngoài ra, vị cay còn có một số vai trò phổ biến như khử mùi tanh từ hải sản hoặc các loại thịt.

Ẩm thực Việt Nam dù không nổi tiếng với vị cay như nhiều nước khác, song vẫn không thể phủ nhận độ phổ biến của nó từ những thói quen hằng ngày của người Việt như cho tương ớt vào phở, cho ớt băm vào nước mắm, vào bún xào, bánh mỳ...

Nhiều người có thể ăn cay nhẹ cho rằng một ít vị cay có thể kích thích vị giác, giúp ta thưởng thức món ăn hiệu quả hơn.

leftcenterrightdel
 

Tại sao nhiều người lại nghiện ăn ớt?

Chất capsaicin có trong ớt kích thích sự tiết ra endorphin, hóa chất khiến cảm thấy khoan khoái. Đó là lý do khiến nhiều người rất thích ăn ớt. Ăn một thời gian, người ta sẽ cảm giác ớt như một thứ gây nghiện, không có ớt là sẽ không cảm thấy ngon miệng.

Như đã nói ở trên, càng ăn ớt lâu ngày càng không cảm thấy cay, khó ăn như lúc ban đầu. Chính vì vậy, có rất nhiều người ăn ớt như ăn trái cây mà không hề thấy cay, nóng.

Với những người không ăn được cay, họ sẽ rất ghét mùi hắc, nồng, vị cay nóng của ớt. Với những người thích ăn ớt, thứ gia vị này tạo cảm giác ngon miệng hơn khi ăn. Họ rất thích vị cay cay tê tê nơi đầu lưỡi cùng cảm giác cay nóng mà ớt mang lại.

Ăn nhiều ớt có gây bệnh gì không?

Ớt có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như giúp kéo dài tuổi thọ, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, giúp ngăn ngừa ung thư, kiểm soát cân nặng, kiểm soát đường huyết, giảm đau...

Tuy nhiên, capsaicin trong ớt cũng là nguyên nhân bạn không nên ăn quá nhiều ớt. Việc tiêu thụ quá nhiều ớt đỏ có thể gây ra các tác dụng phụ. Chúng sẽ gây nên các triệu chứng “nóng trong người” như lở miệng, nổi mụn nhọt, nóng rát vùng dạ dày, viêm loét dạ dày, nặng hơn có thể gây ung thư dạ dày. Ngoài ra, nó có thể gây tổn thương gan và tăng huyết áp.

Vì vậy, nếu cần thiết phải ăn ớt cho hợp khẩu vị, bạn cũng nên ăn một lượng ớt vừa đủ, không nên dùng quá nhiều.

leftcenterrightdel
 

Những người không nên ăn ớt

Tuy ớt có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng có một số người không nên ăn chúng nếu không muốn gây hại cho bản thân.

Những người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và mạch máu não, cao huyết áp, viêm phế quản mãn tính đều không nên ăn cay bởi capsaicin trong ớt sẽ làm tuần hoàn máu tăng nhanh, khiến tim đập nhanh hơn. Những người mắc những bệnh trên mà ăn cay nhiều trong thời gian dài rất có thể sẽ dẫn đến suy tim cấp tính.

Những người mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính, loét dạ dày không nên ăn ớt vì có thể bị niêm mạc phù nề, tăng nhu động dạ dày, ảnh hưởng đến sự phục hồi của chức năng tiêu hóa.

Những người bị viêm túi mật mãn tính, sỏi mật sẽ kích thích axít dạ dày tiết ra nhiều hơn, khiến cho các bệnh liên quan đến túi mật nghiêm trọng hơn.

Những người bị bệnh trĩ ăn cay nhiều sẽ bị nặng hơn. Ngoài ra, ớt còn còn gây ra chứng táo bón và làm cho bệnh trĩ nghiêm trọng và khó trị hơn.

Những người đang bị đau mắt đỏ, viêm giác mạc ăn ớt sẽ làm những bệnh này nghiêm trọng hơn. Phụ nữ mang bầu và mới sinh con ăn cay nhiều sẽ khiến cho em bé bị ảnh hưởng khi bú mẹ.

leftcenterrightdel
 

Nên làm gì khi ăn phải một món quá cay?

Bạn cần làm gì khi ăn phải một món nào đó quá cay? Nhiều người sẽ nghĩ đến nước lọc đầu tiên. Tuy nhiên, một cốc nước không phải là phương án hữu ích, bởi capsaicin kỵ nước - phân tử không liên kết với nước. Ethanol trong bia lạnh thậm chí có thể làm tăng cảm giác bỏng.

Đồ uống nhiều đường là lựa chọn hợp lý, vì việc kích hoạt vị ngọt về cơ bản sẽ khiến não bộ của chúng ta bối rối. Việc phải xử lý quá nhiều tác nhân kích thích sẽ làm giảm độ cay của ớt.

Một ly sữa, vài thìa sữa chua hoặc kem cũng làm dịu cảm giác bỏng rát. Các loại thực phẩm này thường ngọt, và chúng có casein - loại protein chính trong sữa bò, thu hút các phân tử capsaicin. Các phân tử casein bao quanh các phân tử capsaicin và “rửa” sạch chúng, giống như cách xà phòng gột sạch dầu mỡ. Vậy nên một cốc sữa sẽ là đồ uống bạn nên chuẩn bị kèm theo khi thưởng thức một món ăn cay nào đó./.

Theo vietnamplus