Tình trạng thừa cân đang có xu hướng gia tăng ở nước ta, đặc biệt ở các thành phố lớn. Sự dư thừa cân nặng dẫn đến béo phì sẽ kéo theo các bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, sỏi thận, xương khớp, một số bệnh ung thư…

Vì vậy, mỗi người cần phải có những hiểu biết về béo phì để có một lối sống lành mạnh, một thói quen ăn uống hợp lý nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Thế nào là béo phì?

Có nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá thừa cân và béo phì như: đo lớp mỡ dưới da, đo tỷ trọng mỡ cơ thể, dùng các chất phóng xạ hoặc cân đặc biệt để đo tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể... Nhưng phương pháp thông dụng nhất được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo dùng để đánh giá béo đó là dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI).

BMI = cân nặng: (chiều cao)2

Trong đó: cân nặng tính bằng kilôgam, chiều cao tính bằng mét. Ngoài ra, cón có phân loại của Hiệp hội Đái tháo đường các nước châu Á (IDI & WPRO) cũng dựa vào chỉ số BMI.

Như vậy, theo phân loại thừa cân béo phì cho cộng đồng các nước châu Á thì người Việt Nam chúng ta chỉ nên có BMI từ 18,5 - 22,9. Thông thường đối với các bạn gái trẻ chỉ số BMI lý tưởng nhất là từ 18,5 - 20. Còn đối với phụ nữ trung niên và người lớn tuổi thì chỉ số BMI lý tưởng là 20 - 22.


Ngoài ra bạn có thể tính nhẩm nhanh cân nặng của mình bằng cách: Tính cân lý tưởng: số lẻ của chiều cao (tính bằng cm) x 9 rồi chia cho 10.

Mức cân tối đa: bằng số lẻ của chiều cao.

Mức cân tối thiểu: số lẻ của chiều cao (tính bằng cm) x 8 chia cho 10.

Ví dụ bạn cao 160cm (1,6m) thì cân nặng lý tưởng là: 60 x 9: 10 = 54kg.

Cân nặng tối đa cho phép: 60kg.

Cân nặng tối thiểu: 60 x 8 : 10 = 48kg.

    Như vậy nếu cân nặng của bạn vượt quá số lẻ của chiều cao tức là bạn đã bị thừa cân rồi đấy, vượt càng nhiều thì béo phì càng nặng, tuy nhiên cũng không nên để cân nặng nhỏ hơn mức tối thiểu.

     

    Việc đánh giá sự phân bố mỡ dư thừa trong cơ thể cũng rất quan trọng trong dự báo các nguy cơ bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường...

    Nếu mỡ phân bố đều toàn thân: mặt, cổ, vai, ngực, bụng, mông, đùi thì gọi là béo phì toàn thân. Nếu mỡ tập trung nhiều vùng eo thắt lưng và bụng gọi là vóc người có dạng hình “quả trứng”. Đây là béo phì kiểu “trung tâm” hay còn gọi là béo phì “phần trên”, kiểu “đàn ông”. Kiểu béo phì này có nhiều nguy cơ bệnh tật.

    Nếu mỡ tích tụ nhiều vùng quanh mông, háng và đùi thì gọi là béo kiểu “quả lê” hay béo phì “phần thấp”, béo kiểu “đàn bà”. Kiểu béo phì này ít nguy cơ bệnh tật hơn.

    Chỉ số eo/mông (Waist Hip Ratio - WHR) có thể đánh giá sự phân bố mỡ trong cơ thể:

    WHR = vòng eo (cm): vòng mông (cm).

    Vòng eo: đo ngang rốn.

    Vòng mông: đo ngang qua điểm phình to nhất của mông.

    Theo Michael Gutkin (1984), nếu chỉ số WHR của nam giới lớn hơn 0,95 và của nữ lớn hơn 0,85 thì có nhiều nguy cơ bị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim.

    Việc thường xuyên theo dõi cân nặng sẽ giúp bạn biết được tình trạng sức khỏe của mình, bởi vì béo quá và gầy quá đều không tốt cho sức khỏe .

    Theo Sức khỏe và đời sống