Dù sống trong điều kiện thuận lợi nhưng áp lực học hành, tiếp cận mạng xã hội sớm, mâu thuẫn gia đình… đang khiến nhiều đứa trẻ có những suy nghĩ tiêu cực, dẫn tới những hành động mất kiểm soát.
Liên tiếp các vụ học sinh tự tử
Tháng 3/2024, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp tiếp nhận hai trường hợp nữ sinh (cùng 15 tuổi) tự tử bằng thuốc ngủ Rotudin và thuốc giảm đau Paracetamol 500mg.
Theo đó, cả 2 bé gái đều có học lực tốt, một em còn là học sinh giỏi, có ước mơ đi du học và thi vào ngành y. Tuy nhiên, trong một phút nông nổi, vì áp lực gia đình và không còn được tin tưởng, 2 trường hợp trên đã uống thuốc để quyên sinh.
May mắn, cả 2 trường hợp trên được phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu sớm nên giữ được mạng sống.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được may mắn như vậy. Khi mới đây nhất, trên mạng xã hội Facebook lan tỏa thông tin, tối 13/5, lực lượng chức năng đang tìm kiếm 2 nữ sinh mất tích sau khi người dân phát hiện các em bỏ lại dép và xe đạp trên cầu Kinh Dương Vương (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). 2 nữ sinh được cho đã nhảy xuống sông là bạn học và đều ở xã Liên Bão (huyện Tiên Du).
Chỉ ngày hôm sau, cơ quan chức năng đã tìm thấy 2 thi thể nghi là nữ sinh lớp 9 nhảy cầu Kinh Dương Vương (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) tự tử.
Đáng nói, mới đây trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt những dòng tin nhắn trò truyện giữa 2 em học sinh này. Nhiều người không khỏi xót xa khi biết một phần nguyên nhân là rủ nhau nhảy cầu để đỡ phải học.
Cuộc hội thoại của 2 em học sinh ở Bắc Ninh khiến nhiều người đau xót (Ảnh chụp màn hình)
Dấu hiệu người có nguy cơ dẫn đến tự sát
Theo chia sẻ của TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền, Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử. Các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, rối loạn liên quan đến stress trong cuộc sống, bệnh tâm thần phân liệt, sử dụng chất kích thích... là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến tự tử.
“Với học sinh, sinh viên đó là những căng thẳng áp lực học tập. Áp lực này có thể là do tự học sinh tạo ra hoặc do cha mẹ kỳ vọng và có cả do áp lực thành tích của nhà trường. Những sang chấn tâm lý kết hợp ở lứa tuổi trẻ ví dụ như mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, bố mẹ ly hôn chia tay, mâu thuẫn tình cảm, vấn đề bạo lực học đường, bạo lực trên không gian mạng...”, TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền cho biết.
Chuyên gia sức khỏe tâm thần cho biết thêm, trong cuộc sống hiện nay, khoảng cách giữa những thành viên trong gia đình cũng như những mối quan hệ xã hội không còn được gần gũi và thân thiết. Ngoài công việc thì mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng nhiều bởi các thiết bị điện thoại, máy tính, tivi... trong gia đình ít khi ngồi ăn cơm được đầy đủ và cũng không giao tiếp chia sẻ cùng nhau, mỗi người đều quan tâm đến điện thoại của mình… Đó là những manh mối có thể dẫn đến căn bệnh về sức khỏe tâm thần và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến hậu quả khó tránh khỏi.
Một số dấu hiệu bệnh nhân có nguy cơ dẫn đến tự sát được chuyên gia tâm thần chỉ ra:
- Cô lập với bạn bè và gia đình.
- Gặp vấn đề ăn hoặc ngủ.
- Tâm trạng lâng lâng.
- Hành vi liều lĩnh.
- Giảm điểm số học tập.
- Tăng cường sử dụng rượu hoặc ma túy.
- Cho đi đồ đạc.
- Nói về cảm giác vô vọng hoặc bị mắc kẹt.
- Nói về việc trở thành gánh nặng cho người khác hoặc không thuộc về.
- Nói về việc tự sát hoặc muốn chết.
- Viết hoặc vẽ về tự tử hoặc diễn kịch trong vở kịch.
- Muốn chết.
- Cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ lớn.
- Trở thành gánh nặng cho người khác.
Theo giadinhonline.vn