Scott Taylor, người đàn ông 56 tuổi, nhiễm COVID-19 hồi mùa xuân năm 2020. Đến nay đã hơn 18 tháng nhưng vẫn chưa khỏi bệnh. Không chịu nổi việc mất đi sức khỏe, trí nhớ, tiền bạc và việc làm, anh tự sát tại nhà riêng gần Dallas, Mỹ.

"Không ai quan tâm. Không ai muốn dành thời gian để lắng nghe tôi", Taylor viết trong một tin nhắn cuối cùng gửi cho một người bạn, nói về hoàn cảnh của anh cũng như hàng triệu người mắc chứng COVID-19 kéo dài với tình trạng mệt mỏi kéo dài hàng tháng và hàng năm sau nhiễm trùng.

"Tôi hoàn toàn kiệt sức, đau đớn, mệt mỏi, đau dọc sống lưng. Thế giới quay cuồng chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Tôi không biết mình đang nói gì, làm gì", Taylor cho biết thêm.

Heidi Ferrer, một nhà biên kịch truyền hình 50 tuổi cũng đã tự sát vào tháng 5/2021 để thoát khỏi những cơn động kinh và cơn đau dữ dội khiến cô không thể đi lại hoặc ngủ sau khi nhiễm COVID-19 hơn một năm trước đó.
COVID-19 kéo dài là một tình trạng y tế phức tạp khó chẩn đoán vì nó có hơn 200 triệu chứng. Trong đó, một số triệu chứng có thể giống các bệnh khác - từ kiệt sức và suy giảm nhận thức đến đau, sốt và tim đập nhanh.
COVID-19 kéo dài là một tình trạng y tế phức tạp khó chẩn đoán vì nó có hơn 200 triệu chứng. Trong đó, một số triệu chứng có thể giống các bệnh khác - từ kiệt sức và suy giảm nhận thức đến đau, sốt và tim đập nhanh.

Hiện không có dữ liệu về những ca tự tử từ những người mắc COVID-19 kéo dài. Một số nhà khoa học từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ và cơ quan thu thập dữ liệu của Anh đang bắt đầu nghiên cứu mối liên hệ tiềm ẩn sau khi có sự gia tăng về các trường hợp trầm cảm và suy nghĩ tự tử cũng như số ca tử vong ngày càng tăng ở những người mắc COVID-19 kéo dài.

"Tôi chắc chắn COVID-19 có liên quan đến suy nghĩ tiêu cực, ý định tự tử, kế hoạch tự sát và nguy cơ tử vong do tự tử", Leo Sher, bác sĩ tâm thần tại Mount Sinai Health System in New York, Mỹ chuyên nghiên cứu về rối loạn tâm trạng và hành vi tự sát cho biết.

Trong số các câu hỏi hiện đang được các nhà nghiên cứu xem xét rằng liệu nguy cơ tự tử có khả năng tăng lên ở các bệnh nhân bị nhiễm virus SARS-CoV-2 làm thay đổi não không? Hay việc mất khả năng hoạt động như trước đây đã đẩy mọi người đến bờ vực? Lao Sher cho biết chứng rối loạn hay đau nhức, mỏi mệt nói chung là một yếu tố rất cao về khả năng tự tử, cũng như chứng viêm trong não do hậu quả của COVID-19 để lại. "Chúng ta nên xem xét điều này một cách nghiêm túc", ông nói thêm.

Theo dữ liệu y tế Truveta tại Seattle cho thấy những bệnh nhân bị COVID-19 kéo dài đã tìm đến những đơn thuốc chống trầm cảm ngày càng nhiều. Phân tích dựa trên dữ liệu từ 20 hệ thống bệnh viện lớn của Hoa Kỳ, bao gồm hơn 1,3 triệu người lớn được chẩn đoán mắc COVID-19 và 19.000 người bị chứng COVID-19 kéo dài từ tháng 5/2020 đến tháng 7/2022. Theo đó, các tác động lâu dài tiềm tàng của COVID-19 vẫn chưa được hiểu tường tận, các chính phủ và các nhà khoa học trên toàn cầu hiện chỉ bắt đầu nghiên cứu một cách có hệ thống về điều này nhưng đến nay vẫn chưa có số liệu và kết quả chính thức.

Theo Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington, trong số các bệnh nhân COVID-19 kéo dài thì có khoảng 15% vẫn gặp các triệu chứng sau 12 tháng. Những tác động của COVID-19 kéo dài có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần và tự tử là rất nghiêm trọng. Chỉ riêng ở Mỹ, tình trạng này đã ảnh hưởng đến 23 triệu người.

Katie Bach, chuyên gia việc làm của Viện Brookings cho biết, COVID-19 cũng đã đẩy khoảng 4,5 triệu người mất việc làm, tương đương với khoảng 2,4% lực lượng lao động Hoa Kỳ.

Theo IHME, trên toàn thế giới, gần 150 triệu người đã phát triển COVID-19 kéo dài trong hai năm đầu tiên của đại dịch.

Survivor Corps, một nhóm vận động cho những bệnh nhân COVID-19 lâu năm, cho biết họ đã thăm dò ý kiến thành viên vào tháng 5 và nhận thấy rằng 44% trong số gần 200 người được hỏi cho biết họ đã cân nhắc việc tự sát.

Lauren Nichols, thành viên hội đồng quản trị của nhóm hỗ trợ COVID-19 kéo dài cho biết thông qua liên lạc với các thành viên trên mạng xã hội, cô biết về hơn 50 người mắc COVID-19 kéo dài đã tự sát.

Bản thân Nichols, 34 tuổi cho biết cô đã nhiều lần tính đến chuyện tự tử vì chứng COVID-19 kéo dài mà cô đã phải chịu đựng trong hơn hai năm.

Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ hiện đang theo dõi các tác động đến sức khỏe tâm thần với nghiên cứu được tài trợ có trị giá 470 triệu USD về COVID-19 kéo dài. Tiến sĩ Stuart Katz, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết sẽ có kết quả sớm về tỷ lệ lo âu và trầm cảm vào đầu tháng 9, nhưng thông tin về tự tử sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Richard Gallagher, phó giáo sư tâm thần học trẻ em tại NYU Langone Health, cho biết: “Những gì chúng tôi biết là những người mắc bệnh mãn tính dễ có suy nghĩ tự tử, cố gắng tự sát và tự sát".

Về câu hỏi liệu virus có làm thay đổi não hay không, Gallagher cho biết có một số bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể gây viêm não - có liên quan đến tự tử và trầm cảm - ngay cả ở những người mắc bệnh tương đối nhẹ. "Có thể có những tác động trực tiếp độc hại của virus lên não và một phần của nó là viêm".

Mặc dù một số chuyên gia cho rằng biến thể Omicron ít có khả năng gây ra COVID-19 kéo dài, nhưng dữ liệu chính thức của Vương quốc Anh được công bố trong tháng này cho thấy 34% trong số 2 triệu người bị COVID-19 kéo dài ở nước này phát triển các triệu chứng của họ sau khi bị nhiễm Omicron.

Louis Appleby, giáo sư tâm thần học tại Đại học Manchester và là cố vấn của chính phủ Vương quốc Anh cho biết: “Tình trạng sức khỏe bị suy giảm trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ tự tử, do đó mối quan tâm về COVID-19 kéo dài và tự tử là sự thật".

Theo phụ nữ TPHCM