Những trẻ em có nguy cơ cao nhất bao gồm hàng triệu em bị buộc phải rời khỏi nhà của mình, bị tổn thương bởi xung đột và thiên tai nghiêm trọng hoặc không được tiếp cận với trường học, sự bảo vệ và hỗ trợ.
Số liệu của Dịch vụ Sức khỏe tâm thần của Anh cho biết năm 2023, cứ 12 trẻ em, thanh thiếu niên thì có 1 em gặp vấn đề, được giới thiệu đến các trung tâm sức khỏe tâm thần. Nguyên nhân phổ biến nhất là trầm cảm và rối loạn lo âu. Trẻ em hôm nay đã trải qua những khoảng thời gian bất ổn về xã hội, học tập, tương lai. Không những thế, ngày càng có nhiều trẻ chịu tác động có hại của mạng xã hội, bị bắt nạt trên mạng và bóc lột trực tuyến.
|
13% trẻ em, thanh thiếu niên hiện nay đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần - Ảnh minh họa: Stock Image |
Theo cuộc khảo sát của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cuối năm 2023, khoảng 30% thanh thiếu niên của quốc gia này cho biết tình trạng sức khỏe tâm thần của họ rất kém, khoảng 40% thường xuyên cảm thấy buồn bã hoặc vô vọng kéo dài. Theo Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở những người từ 15-24 tuổi tại Mỹ. Gần 20% học sinh trung học cho biết có ý định tự tử và 9% đã cố gắng tự tử.
Tại Đông Nam Á, tình trạng sức khỏe tâm thần cũng đang ở mức báo động. Theo thống kê của WHO, khoảng 260 triệu người khu vực Đông Nam Á (chiếm 1/7 dân số khu vực) gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó đa số là người trẻ. Tiến sĩ Andrea Bruni - cố vấn khu vực của WHO về sức khỏe tâm thần ở Đông Nam Á - cho biết rối loạn sức khỏe tâm thần nằm trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật trên thế giới trong hơn 1 thập niên qua. Các chuyên gia nhấn mạnh những chứng rối loạn như vậy đang trở nên nghiêm trọng ở giới trẻ. WHO ước tính có khoảng 200.000 người ở khu vực Đông Nam Á tử tự mỗi năm. “Chúng ta biết rằng tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở giới trẻ tại nhiều quốc gia” - tiến sĩ Bruni nhận định.
Theo WHO, các bệnh không lây nhiễm cũng là gánh nặng bệnh tật với tất cả các nước. Hằng năm, các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 74% các ca tử vong chung trên thế giới.
Dù các dịch vụ phòng ngừa và điều trị đã được các nước triển khai nhưng theo thống kê, chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư y tế dưới mức cơ bản, vì các quốc gia chi trung bình chỉ khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần. “Chúng ta biết các vụ tự tử có thể phòng ngừa được, nhưng ngăn chặn chúng không phải là nhiệm vụ dễ dàng” - ông Bruni nói.
Tiến sĩ Robert Trestman thuộc Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA) phân tích: vấn đề sức khỏe tâm thần hiện chịu ít định kiến hơn, nhiều người cảm thấy thoải mái hơn khi tìm tới các dịch vụ chăm sóc. Dù vậy, nhiều người vẫn gặp khó khăn hoặc không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Theo phụ nữ TPHCM