Theo tin tức từ đài NHK của Nhật Bản ngày 25/4, người cao tuổi nhất thế giới, cụ bà Riko Tanaka, người Nhật Bản, đã qua đời vào ngày 19/4, hưởng thọ 119 tuổi.
Vào đầu tháng 3/2019, Kỷ lục Guinness Thế giới đã xác nhận Riko Tanaka đã trở thành "người sống thọ nhất thế giới" với 116 tuổi 66 ngày.
Vào tháng 9/2020, bà Riko Tanaka trở thành người cao tuổi nhất được ghi nhận tại Nhật Bản với 117 tuổi 261 ngày. Bà đã sống và trải qua 5 thời đại của Nhật Bản là Meiji (Minh Trị), Taisho (Đại Chính), Showa (Chiêu Hòa), Heisei (Bình Thành) và Reiwa (Lệnh Hòa).
Nhật Bản là quốc gia có tuổi thọ cao nhất trên thế giới, với gần 70.000 người già trên 100 tuổi. Một nghiên cứu kéo dài 6 năm của Đại học Quốc gia Singapore được công bố trên tạp chí "Age and Aging" do Hiệp hội Người cao tuổi Anh thành lập. Qua khảo sát 4.478 người từ 60 tuổi trở lên, hạnh phúc và tuổi thọ có liên quan đến nhau, càng vui vẻ thì càng sống lâu.
Thích "uống coca"
Vào ngày 2/1/1903, Riko Tanaka sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Fukuoka. Cũng vào năm này, anh em nhà Wright (Mỹ) đã thử nghiệm thành công chiếc máy bay có người lái đầu tiên trên thế giới.
Bà Riko Tanaka bị sinh non và thậm chí không được uống sữa. Việc bà có thể sống sót vào thời điểm đó đã là một kỳ tích. Để rồi hơn 100 năm sau, bà trở thành người cao tuổi nhất thế giới.
Năm 1922, Riko Tanaka (19 tuổi) kết hôn với Hideo Tanaka. Từ đó, bà đổi họ từ "Ota" thành "Tanaka".
Sau khi cưới, vợ chồng bà kinh doanh một quán mỳ và có 4 người con, trong đó 3 người đều "đi" trước bà một bước.
Cuộc sống của bà không hề êm đềm như nhiều người vẫn nghĩ. Bà đã kiên cường chống chọi với 2 lần ung thư.
Năm 1948, Riko Tanaka, 45 tuổi, đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe do bị đau dạ dày mãn tính, và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, bà đã hoàn toàn vượt qua căn bệnh tưởng chừng quái ác này và không bao giờ tái phát.
Sau đó, bà sống khỏe mạnh gần 60 năm, đến năm 103 tuổi, bệnh ung thư lại tìm đến bà, lần này là ung thư đại trực tràng.
Mặc dù ung thư đại trực tràng ít gây tử vong hơn ung thư tuyến tụy nhưng liệu bà cụ 103 tuổi có thể chịu đựng được sự giày vò của cuộc đại phẫu không?
Cuối cùng bà đã chọn phẫu thuật. Không ngờ, phép màu lại xuất hiện, sau ca phẫu thuật, Riko Tanaka một lần nữa chiến thắng bệnh tật.
Bà Riko sống trong một viện dưỡng lão ở thành phố Fukuoka suốt những năm cuối đời của mình. Bà thức dậy lúc 6 giờ mỗi sáng, ban ngày học toán và luyện thư pháp. Đặc biệt, bà rất thích chơi cờ Othello (cờ lật) - một trò chơi có lợi cho trí óc, có thể cải thiện và phòng ngừng chứng mất trí ở người già.
Nhân viên viện dưỡng lão từng chia sẻ với giới truyền thông rằng: "Bà ấy... là một cao thủ cờ Othello và thường xuyên chơi thắng toàn bộ người trong viện dưỡng lão".
Người cao tuổi đa phần không kén ăn. Một ngày ba bữa nhưng món ăn khoái khẩu nhất có lẽ là đồ ngọt. Hầu như ngày nào họ cũng ăn nhiều trái cây và chocolate. Sau mốc 100 tuổi, bà Riko mê mẩn đồ uống đóng chai. Bà uống 3 lon mỗi ngày, bao gồm Coca Cola, cà phê và các loại nước giải khát khác.
Mặc dù bà từng nói đùa rằng bí quyết trường thọ của bà chính là "uống Coca". Nhưng thực tế là do đồ ngọt có tác dụng thúc đẩy quá trình tiết ra chất dopamine, có thể khiến con người cảm thấy hạnh phúc. Nên thật ra, bí quyết sống trường thọ của bà chính là "vui vẻ". Cũng giống như cháu trai Eiji Tanaka (61 tuổi) của bà từng cảm thán: "Bà luôn sống trong vui vẻ mỗi ngày".
"Bạn có vui không?"
Tài khoản TikTok "areyouhappy" (tạm dịch: bạn có vui không) sở hữu 4 triệu người theo dõi. Dòng giới thiệu trên trang cá nhân là "We create content that inspires joy" (tạm dịch: Chúng tôi tạo ra nội dung truyền cảm hứng cho niềm vui).
TikToker phỏng vấn tất cả nhiều người trên đường phố với câu hỏi rất đơn giản: "Bạn có vui không?".
Đoạn video được đăng tải đầu tiên là cuộc phỏng vấn với một cô gái trẻ đang ngồi bên đường ăn bánh mì sandwich:
"Bạn có vui không?"
"Không".
"Tại sao?".
"Một lời khó nói hết. Tôi vừa mới thất tình. Đây là nguyên nhân chính khiến tôi không vui".
"Bạn có lời khuyên nào dành cho người khác không?".
"Cuộc đời quá ngắn ngủi, hãy làm những gì khiến bạn hạnh phúc".
Video đơn giản như vậy đã có hơn 8 triệu lượt xem. Nhiều người đã để lại bình luận bên dưới: "Đằng sau nụ cười của cô ấy là bao nhiêu giọt nước mắt?".
Trong video thứ hai, một nhóm thanh niên đang chơi ngoài trời. Khi được hỏi họ có vui không, một chàng trai đã trả lời:
"Tôi không nghĩ rằng mình vui vẻ, bởi vì vui vẻ có nghĩa là tôi có thể hài lòng với chính mình. Nhưng thực tế là tôi đã phải vật lộn với rất nhiều thứ, chẳng hạn như thành công".
Một cô gái trẻ rất phân vân trước câu hỏi này, không biết mình có vui hay không: "Hiện tại tôi thấy rất vui. Nhưng áp lực học tập quá lớn, tôi lại mắc chứng lo âu. Tôi cần làm điều gì đó để tìm thấy giá trị của bản thân".
Một bà cụ tóc hoa râm xách túi thực phẩm về nhà nói: "Tôi rất hạnh phúc. Tôi có chỗ ở, được ăn no, có thú cưng và bạn bè bên cạnh. Tôi cũng có thu nhập, mặc dù chẳng bao nhiêu. Tôi còn có thể giúp đỡ người khác nên tôi cảm thấy rất vui".
Khi được hỏi lời khuyên về phong cách sống, bà tự tin trả lời: "Hãy quan tâm đến những gì chúng ta đang có và đừng loay hoay với những thứ chúng ta không có".
Một bà cụ với mái tóc bạc trắng và khuôn mặt đầy nếp nhăn nói trước ống kính: "Tôi rất hạnh phúc vì bản thân vẫn còn sống và có một gia đình đầm ấm, một người chồng yêu thương và một chú chó con đáng yêu".
Bà cười và trao một lời khuyên: "Tuân theo nguyên tắc vàng: Cách bạn đối xử với người khác quyết định cách người khác đối xử bạn".
Cười, hạnh phúc đong đầy trên môi
Có vẻ như những người trẻ lại ít cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn người lớn tuổi.
Con người hiện đại dường như ngày càng áp đặt tiêu chuẩn của hạnh phúc cao hơn. Theo đó, hạnh phúc đã trở thành điều xa xỉ.
Thuở nhỏ, chỉ cần được mua quần áo mới cho ngày Tết là bạn có thể vui vẻ cả ngày. Nhưng bây giờ hầu như ngày nào bạn cũng được mua quần áo mới vì đã đủ tự lo cho mình.
Trước đây, phương tiện truyền thông chưa phát triển, người yêu phải mất cả tháng trời mới nhận được một bức thư tay. Nhưng bây giờ, bạn hầu như có thể gửi tin nhắn đến khắp mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ cần đối phường không trả lời vài giây, bạn lại nôn nóng, lo lắng, sợ hãi.
Trước đây, giải được một bài toán khó có thể khiến bạn nhảy cẫng lên vì sung sướng. Nhưng bây giờ mỗi ngày đều phải giải quyết những vấn đề khó nhằn. Giải quyết được rồi cũng không dám vui mừng vì "sợ ông trời biết được lại gieo xuống khổ nạn mới".
Một số người coi thành công là hạnh phúc, nhưng triết gia người Anh ở thế kỷ 20 Bertrand Russel đã sớm nhận ra:
"Những đấu tranh trong cuộc sống mà mọi người nhắc đến chính là cuộc tranh đấu để thành công. Điều mà mọi người sợ hãi không phải là sáng hôm sau sẽ ăn gì, mà là không thể thắng nổi đối thủ. Căn nguyên của sự khổ tâm này là quá đặt nặng thành công và đã mặc định nó là niềm vui trong cuộc sống".
Một số người coi sự giàu có là hạnh phúc, nhưng trên thực tế, khi đã giàu lên rồi, bạn có dám chắc bản thân đã sở hữu hạnh phúc không? Trước khổ tâm về tiền bạc, đến khi giàu có rồi thì lại mệt mỏi với vấn đề khác.
Nghĩ kỹ lại xem, vì sao những người lớn tuổi thường cảm thấy hạnh phúc?
Bà Riko Tanaka đã tiễn 3 người con đi trước, liệu bà còn thấy hạnh phúc? Có lẽ vì con người không thỏa mãn với những gì mình đang có, chưa biết cách tìm kiếm sự hài lòng và trân quý trong mất mát và đau thương.
Người xưa đã nói, đừng quan tâm những gì mình không có mà hãy nghĩ đến những gì mình đang có.
Có lẽ hạnh phúc cũng chính là một niềm tin. Bạn được hạnh phúc bởi vì bạn tin rằng bạn đang hạnh phúc. Vì vậy, tại sao bạn không thử nở nụ cười trên môi?
(Nguồn: Thepaper)
PHAN