|
|
Tiếp nhận quá nhiều thông tin tiêu cực có thể gây mệt mỏi, kiệt quệ tinh thần lẫn thể chất. |
Trong bài viết trên Glamour, Beth McColl, tác giả cuốn sách "How to Come Alive Again: A Guide to Killing Your Monsters", đã gọi doomcsrolling là "hiện tượng chết chóc" - khi mọi người chìm đắm trong việc lướt mạng xã hội và liên tục tiếp thu những tin tức độc hại.
Lần đầu cô có bài viết bàn luận về doomscrolling là vào tháng 8/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn còn là căn bệnh đáng sợ, kỳ quặc, đầy khó hiểu.
"Tôi đã lướt những cập nhật về dịch bệnh với tần suất dày đặc đến mức ám ảnh, thức trắng nhiều đêm để đọc hết mọi câu chuyện nghiệt ngã trên cả báo chí lẫn Twitter. Tôi ngấu nghiến những con số về người chết, đọc hết ý kiến này tới ý kiến khác, mọi chỉ số và lập luận về đại dịch khủng khiếp này", nữ tác giả nói về thời kỳ khủng hoảng vì lướt tin tức.
Thời điểm đó, Beth McColl không nghĩ rằng hành động đọc tin tức tiêu cực liên tục có thể gây hại. Cô chỉ muốn biết nhiều hơn để hành động tốt hơn và cung cấp thông tin cho người khác. Đó dường như là ý tưởng tuyệt vời.
Sau hai năm, cô vẫn cảm thấy thời kỳ mình đang sống ở hiện tại chứa đầy những điều "kỳ quặc, đáng sợ và khó hiểu". Chiến tranh và bất công còn hiện hữu. Đại dịch Covid-19 chưa biến mất.
"Trái tim và tinh thần của bạn vẫn dễ dàng tan nát nếu dành hết ngày này qua ngày khác để lướt mạng xã hội, tiếp thu hàng trăm mẩu tin xấu. Bi kịch gia đình của một người lạ, bài báo về khủng hoảng khí hậu, báo cáo về chiến tranh, kêu gọi viện trợ cộng đồng, một bản kiến nghị địa phương. Tất cả khiến ta thấy kiệt quệ, tê liệt, khổ sở", cô bày tỏ.
Theo Beth McColl, lướt tin tức liên tục tạo ra cảm giác bất lực và vô vọng. Dành thời gian rảnh rỗi để tiếp nhận những thông tin tiêu cực khiến dạ dày bạn thắt lại và trái tim khổ sở.
Giữa dòng chảy của tin tức xã hội, mọi người đều muốn nắm bắt và quan tâm tới nó. Bởi vậy, ngắt dòng thông tin khiến họ dễ cảm thấy bản thân thiếu hiểu biết.
Tuy nhiên, biết về mọi vấn đề nhưng chỉ nắm được chút thông tin trên bề mặt thực sự không hữu ích. Trên thực tế, hiểu biết là có ích khi một người biết vừa đủ lượng thông tin và sau đó có hành động.
Khi mới sử dụng Twitter và Instagram, Beth cảm thấy đó đều là những nền tảng đơn thuần để giải trí, xả hơi sau một ngày mệt mỏi. Newsfeed của cô tràn ngập chuyện cười, meme (ảnh chế), hay ảnh về bữa sáng của mọi người.
|
|
Mỗi người cần học cách kiểm soát thời gian lướt mạng, chủ động lựa chọn thông tin mà mình tiếp nhận. |
Giờ đây, các nền tảng đã khác - chúng trở thành nguồn cung cấp thông tin, tin tức nóng, lời kêu gọi hành động. Điều đó khiến cô và nhiều người mệt mỏi.
Theo tác giả, mọi người hoàn toàn có thể thay đổi thói quen của mình trên mạng xã hội, về cách tiêu thụ thông tin.
"Bạn có thể đặt thời gian tránh xa điện thoại có chủ đích, sống đời sống thực và quan tâm đến những gì diễn ra hàng ngày quanh mình. Mọi người có thể đọc tin tức tốt, xem những meme ngớ ngẩn không liên quan đến chiến tranh, sự khốn khổ của con người".
Mỗi người có thể tự đặt giới hạn sử dụng điện thoại, không cần dành thời gian ngay sau khi thức dậy để nhìn chằm chằm vào "hình chữ nhật khốn khổ".
Beth McColl cho rằng việc cố gắng ngưng tiếp nhận thông tin tiêu cực không phải dễ dàng. Một khi đặt ngón tay cái lên vuốt màn hình, người ta khó cưỡng lại được mong muốn bấm vào một tin tức nóng hổi.
Một gợi ý hữu ích là khi cảm thấy quá tải vì đọc quá nhiều tin tức nóng, hãy nhắc nhở bản thân rằng "mình không cần biết mọi thứ". Hãy hướng bản thân đến bất kỳ điều tích cực nào mà bạn quan tâm.
Theo zingnews