1. Thịt bào ngư- nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng

Bào ngư có tên khác là ốc khổng, ốc chín lỗ, cửu khẩu, cửu khổng ngư bào; là một loại ốc biển có cấu tạo đặc biệt thuộc ngành nhuyễn thể, có vỏ cứng bao gồm phần thân rộng và phần xoắn ốc tiêu, tạo thành một khối hình bầu dục dẹt và khum, mặt ngoài sần sùi có vân màu nâu tím và xanh xen kẽ, mặt trong nhẵn bóng có lớp xà cừ óng ánh, ở mép có 7-13 lỗ nhỏ có gờ xếp thành một hàng không có nắp, thường là 9 (nên có tên là cửu khổng), còn các lỗ khác thoái hóa chỉ còn lại vết là những lỗ thở. Chân bào ngư là một khối thịt mềm, dính liền với thân, phát triển rộng ở xung quanh mép vỏ, luôn co giãn để di chuyển, bám chắc hoặc co rút vào trong khi phòng thủ hoặc bị bắt.

Bào ngư sống ở vùng biển ấm, chủ yếu ở các đảo và những nơi có nhiều đá ngầm với độ sâu 2-12m, độ mặn cao và nước thật trong, có nhiều rong tảo. Bào ngư bám chặt vào đá, nên chống chịu được với sóng to, gió lớn ở biển cả, thức ăn của chúng là rong, tảo đa bào.

photo-1664683359286

Bào ngư, nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng.

Thịt bào ngư khi chế biến giàu chất dinh dưỡng được dùng như một món ăn, vị thuốc bổ khí huyết, hạ huyết áp. 

Cách làm: Phi thơm hành, tỏi cho thịt bào ngư (50g) vào xào rồi nấu chín với 7,5g thịt sò huyết, 7,5g sơn tra và 400 ml nước luộc gà. Ăn cái, uống nước.

Để giảm đường huyết, trị đái tháo đường: Thịt bào ngư phơi khô 30g nấu với củ cải, ăn cách nhật.

Thịt bào ngư nấu cháo gạo nếp cho phụ nữ sau sinh có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực, kích thích tiêu hóa, lợi sữa.

2. Vỏ bào ngư- vị thuốc trong y học cổ truyền

Vỏ bào ngư được dùng với tên thuốc là thạch quyết minh. Vỏ được lấy từ bào ngư còn sống hoặc đã luộc chín. Để làm thuốc đặt vỏ bào ngư trên lò không khói, đốt cho hơi đỏ hồng, lấy ra phun nước muối với tỷ lệ 0,28kg muối cho 1kg vỏ, để cho khô rồi nghiền nhỏ.

photo-1664683362046
 

Vỏ bào ngư cho vị thuốc thạch quyết minh

Dược liệu có hình bầu dục hoặc gần bán cầu, nhìn mặt trong hơi giống tai người, dài 3,5-8,5cm, rộng 2,5-5.5cm. Mặt ngoài vỏ màu nâu xám, với nhiều vân nổi sắp xếp theo đường xoắn ốc từ nhỏ đến to, hướng về bên phải, những lỗ nhỏ chạy song song với mép vỏ. Mặt trong có màu sáng bóng như hạt trai, chất cứng chắc, khó bẻ vỡ. Vỏ to dày, nguyên vẹn, không sứt mẻ, ngoài sạch, trong trắng là loại tốt. Dược liệu có vị mặn, tính bình, không độc, có tác dụng bổ gan thận, thanh nhiệt, làm sáng mắt, chủ trị các chứng bệnh về mắt

Chữa viêm kết mạc, đau mắt đỏ, ngứa rát, cộm mắt: Thạch quyết minh, cúc hoa vàng, cam thảo, lượng bằng nhau, phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 8g với nước ấm, chia 2 lần, mỗi lần 4g.

Chữa mắt bị kéo màng trắng, bệnh võng mạc đái tháo đường…: Thạch quyết minh, mộc tặc lượng bằng nhau, sao khô, tán bột, ngày uống 18-24g, chia 2 lần. Pha với nước có 3 lát gừng và một quả táo tàu giã nhuyễn.

Chữa quáng gà, thị lực kém trong môi trường thiếu ánh sáng, thoái hóa sắc tố võng mạc mắt: Thạch quyết minh, sơn thù, sơn dược, mỗi vị 16g; cúc hoa, bạch thược, kỷ tử, trạch tả, phục linh, đơn bì, thục địa, mỗi vị 12g. Tất cả phơi khô, tán bột mịn, trộn với mật hoàn viên uống. Ngày uống 20g, chia 2 lần.

Chữa đục thủy tinh thể, suy giảm thị lực đặc biệt là khi nhìn xa: Thạch quyết minh 30g, huyền hồ phấn 10g, thuyền thoái 1g, xác rắn lột 15g, đại hoàng 5g. Tất cả sắc với 400 ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.

Theo suckhoedoisong.vn