|
|
Để dầu ăn sôi đến khi bốc khói, thậm chí cháy bùng lên là thói quen xấu, dễ gây ung thư (Ảnh minh họa) |
Trên thực tế, nhà bếp là nơi nguy hiểm hơn chúng ta biết rất nhiều. Không chỉ bởi những dụng cụ sắc nhọn, nguy cơ cháy nổ mà còn tiềm ẩn nhiều tác nhân gây bệnh ung thư. Chúng có thể tới từ những thói quen nhiều người tưởng vô hại, thậm chí cho rằng tiết kiệm hoặc biết hại nhưng không chịu bỏ sau đây:
1. Để dầu sôi đến khi bốc khói, bốc cháy
Không ít người có thói quen chiên, rán thực phẩm trong chảo dầu bốc khói với suy nghĩ dầu nóng sẽ làm món ăn ngon hơn. Tuy nhiên, khi dầu ăn bị bốc khói tức là nó sản sinh nhiều chất độc hại. Trong đó có chất gây ung thư hàng đầu benzopyrene và peroxide.
Khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng có thể làm thay đổi cấu trúc, hướng và chức năng của DNA trong cơ thể con người, gây ra ung thư dạ dày, ung thư ruột, ung thư gan và ung thư phổi. Hơn nữa, bản thân khói dầu ăn cũng được WHO xếp hạng vào nhóm chất gây ung thư 2A, là nhóm các hợp chất "có thể gây ung thư trên người" cùng với thịt đỏ.
2. Tái sử dụng dầu ăn nhiều lần
Nghiên cứu tại Đại học Illinois (Mỹ) chỉ ra rằng, dầu ăn được đun nóng nhiều lần sẽ bị phân hủy chất béo trung tính, dẫn đến quá trình oxy hóa axit béo tự do và giải phóng chất độc hại, gây ung thư. Phổ biến là polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) và heterocyclic amines (HCAs).
Bản thân dầu chiên đi chiên lại nhiều lần cũng không còn giá trị dinh dưỡng như ban đầu, các vitamin có trong dầu lúc này đã bị phá hủy. Hơn nữa, cặn bị cháy đọng lại sau khi chiên rán thực phẩm vô cùng nguy hiểm, trong khi mắt thường không nhìn thấy hết. Đây chính là tác nhân gây bệnh tật và ung thư cho con người. Nhất là nếu bạn thường xuyên hít phải khói dầu bên cạnh việc ăn chúng.
3. Lâu không chịu thay vật dụng nhà bếp
Các vật dụng như thớt gỗ, đũa gỗ... dù có bền đến mấy cũng không thể tồn tại đến hàng chục năm nhưng không phải ai cũng hiểu điều này. Thậm chí, chỉ sau một thời gian sử dụng, vi khuẩn và nấm mốc có thể phát triển và dễ làm sản sinh độc tố aflatoxin. Đây là một chất gây ung thư cực mạnh có thể làm hại tới sức khỏe của bạn.
Hay với nồi cơm điện, thường thì sau 3 - 5 năm sử dụng (hoặc sớm hơn), lớp mạ bên trong của nồi sẽ bị bong ra do sử dụng lâu ngày. Điều này có thể gây ảnh hưởng tới chất lượng cơm, dễ khiến cơm bám lớp nhôm quanh thành nồi. Tương tự, các loại chảo chống dính cũng vậy. Vì vậy, những đồ dùng nhà bếp đã sử dụng lâu ngày thì bạn nên chú ý thay mới khi phát hiện hư hại hoặc thay định kỳ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cả gia đình.
4. Không dùng hoặc tắt máy hút mùi ngay sau khi nấu
Các nghiên cứu cho thấy cả khói dầu và khói đồ ăn đều có thể gây hại cho cơ thể, làm tăng nguy cơ ung thư. Bởi vì khi nấu nướng, nhất là chiên rán hoặc các món có nhiệt độ cao sẽ sản sinh các chất gây ung thư như benzopyrene và dinitrophenol. Khói dầu, khí gas thừa, mùi than củi… cũng có thể âm thầm tàn phá cơ thể khi hít phải trong thời gian dài. Vì vậy các chuyên gia khuyến nghị nên dùng máy hút mùi trong nhà bếp.
|
|
Nên bật máy hút mùi trong khi nấu và tắt nó sau khi nấu xong 10 - 15 phút (Ảnh minh họa) |
Song, cũng có nhiều người có thói quen tắt ngay máy hút mùi sau khi nấu ăn xong. Điều này khiến các loại khói độc, khói dầu, thậm chí là khí gas chưa bị hút hết luẩn quẩn trong không khí. Để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất là sau khi nấu ăn xong 10 - 15 phút mới tắt máy hút mùi. Đồng thời, khi nấu ăn nên đậy nắp vung để giảm khói, mở cửa sổ để khí thải tản khỏi bếp nhanh hơn.
5. Không cọ rửa kỹ nồi chào khi chuyển món
Có thể là do lười biếng, bận rộn hoặc muốn tận dụng phần dầu mỡ thừa còn sót lại mà nhiều người không rửa hoặc rửa không kỹ nồi chảo khi chuyển món. Trong khi dư lượng thực phẩm và chất béo còn lại trong món ăn trước đó đã được làm nóng ở nhiệt độ cao sẽ tiếp tục bị nấu. Quá trình này tạo ra chất benzopyrene, là 1 chất gây ung thư nguy hiểm.
Đồng thời, việc không rửa nồi để nấu tiếp món khác còn ảnh hưởng đến màu sắc và mùi vị của món ăn tiếp theo. Nó cũng làm món ăn bốc khói nhiều hơn, không chỉ gây khó chịu cho thính giác, thị giác mà còn tăng nguy cơ mắc ung thư.
6. Tận dụng thực phẩm đã nấm mốc, mọc mầm
Nhiều người cho rằng nên tiết kiệm bằng cách tận dụng thực phẩm mọc mầm, nấm mốc. Hoặc nghĩ rằng cắt bỏ phần nấm mốc, mọc mầm là đủ để loại bỏ độc tố. Tuy nhiên, độc tố đã lan ra các phần còn tươi nguyên và thậm chí không biến mất ngay cả khi nấu chín. Đặc biệt, các thực phẩm quen thuộc trong nhà bếp như: lạc, khoai lang, đậu tương, gạo, bột mì… sau khi bị mốc có thể sinh ra độc tố aflatoxin trong khi chúng lại rất dễ bị nấm mốc.
|
|
Tốt nhất là vứt bỏ rau củ quả bị mốc, mọc mầm vì cắt bỏ phần hỏng không thể loại bỏ chất độc (Ảnh minh họa) |
Aflatoxin được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm chất gây ung thư loại 1, đồng thời đây cũng là chất có độc tính cao với độc tính gấp 68 lần asen, có khả năng hủy hoại mô gan cực lớn và dễ gây tổn thương DNA của tế bào gan.
Hay như khoai tây, khoai lang, lạc... mọc mầm thì chứa chất safrole có độc tính rất mạnh. Nó có thể gây hại trực tiếp đến hệ tiêu hóa, gây viêm loét niêm mạc đường tiêu hóa và tăng sản, gây tổn thương dạ dày. Nếu không điều trị kịp thời sẽ tiến triển thành viêm loét dạ dày rồi đến ung thư. Nhưng lại có rất nhiều người vẫn tiếp tục ăn vì cho rằng vứt bỏ rất lãng phí, cần tiết kiệm để rồi phải trả giá bằng sức khỏe.
Ngọc Ái/Nguồn: QQ, Cancer123, Sohu