Thực ra, biết đi sớm chỉ là dấu hiệu của sức cơ bắp. Trẻ có thể biết đi sớm hoặc biết đi muộn, nhưng thông thường trẻ sẽ biết đi vào khoảng 12 tháng tuổi.
Các giai đoạn tập đi của trẻ
Sự phát triển của mỗi đứa trẻ có sự khác biệt, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi tập ăn, tập nói, tập đi. Thông thường trẻ sẽ trải qua 4 giai đoạn tập đi dưới đây. Tuy nhiên khi con bạn bỏ qua một trong các giai đoạn này cũng là điều vô cùng bình thường.
- 6 tháng: Lúc này cột sống trẻ đã vững vàng hơn, vì vậy trẻ có thể ngồi tựa. Trẻ có thể đứng được trong một vài giây nếu được ba mẹ xốc nách. Khi đặt trẻ nằm sấp, trẻ biết xoay tròn và trườn lật. Tuy nhiên giai đoạn này bé vẫn chưa thể đứng vững.
- 9-12 tháng: Lúc 9 tháng tuổi bé đã tự ngồi vững, không cần tựa nữa. Bé biết trườn, bò giỏi và nhanh hơn trước. Lúc này, bé có thể tự vịn vào bàn ghế, tự đứng dậy và lần đi. Hầu hết các bé sẽ cất những bước đi đầu tiên khi khoảng 12 tháng tuổi.
– 13-17 tháng tuổi: Vào thời điểm này, trẻ đã đi vững nhưng còn vấp ngã nhiều. Bé có thể tự đứng lên khi ngã.
– 18 tháng tuổi: Bé đi vững hơn, hai chân di chuyển sát nhau hơn và có thể dừng lại dễ dàng hơn. Bé không cần đưa hai tay ra ngoài để giữ thăng bằng cơ thể nữa. Nếu được dắt một tay, trẻ có thể đi lên được cầu thang.
Các bước giúp trẻ biết đi nhanh
Bước 1: Tạo cho trẻ một không gian an toàn, để trẻ thoải mái tự bò, ngồi và phát triển các kỹ năng vận động tùy thích, tránh mọi thứ nguy hiểm giúp trẻ thoải mái khám phá và không bị sợ hãi bất kỳ điều gì từ những bước chập chững đầu tiên.
Bước 2: Cho trẻ ngồi lên ghế cao vừa đủ 2 bàn chân để trên sàn và tập đứng bằng cách kéo tay trẻ lên hoặc để trẻ cố gắng đứng dậy.
Bước 3: Để trẻ đi chân đất giúp cảm nhận bề mặt tốt hơn, các cơ bàn chân cũng phát triển tốt hơn.
Bước 4: Cha mẹ nên đỡ thân của bé, giúp bé đứng thẳng và đi về phía trước, không nên đỡ tay trẻ kéo về phía trước vì như vậy trẻ thường bị nghiêng về phía trước, lực không phân bố đều cho các cơ bắp ở tay và chân.
Bước 5: Đặt các món đồ chơi trẻ yêu thích ở phía trước để khuyến khích trẻ bước đến lấy đồ.
Bước 6: Để tư thế trẻ ngồi xổm và rèn đứng lên ngồi xuống bằng cách với đồ trên đầu, tạo thích thú cho trẻ như chơi trò thổi bóng, trẻ sẽ hưng phấn và cố gắng đứng dậy hơn.
Bước 7: Khi trẻ sẵn sàng, hãy giúp trẻ đi men theo tường, ghế sofa dài… lúc này trẻ có thể phát triển tổng thể và phối hợp các cơ để vận động.
Bước 8: Đẩy xe hàng, xe con gà hay các đồ vật có chiều cao phù hợp, giúp trẻ tự tập đi mà vẫn có sự hỗ trợ cần thiết. Lưu ý chọn xe đẩy phù hợp để kiểm soát tốc độ trượt đi của xe.
Bước 9: Khi trẻ đã vững hơn, hãy cho trẻ tập đi với đồ chơi cầm trên tay, trẻ sẽ cố gắng bước đi mà không cần hỗ trợ của đôi tay người lớn.
Bước 10: Leo cầu thang là sự thích thú vô cùng với các bé. Khi bé đã có kỹ năng tốt, cha mẹ nên tập leo cầu thang cùng trẻ vì hoạt động cơ bắp ở phần trên và dưới sẽ giúp trẻ phát triển tốt nhất.
Theo suckhoedoisong.vn