leftcenterrightdel
 

Chúng ta dễ dàng bắt gặp dầu ớt khi ăn phở, bún, bánh cuốn, mì trộn,... để tăng thêm hương vị cho món ăn. Vậy ngoài tăng thêm hương vị thì ăn dầu ớt có tốt không? Ăn dầu ớt có gây đau dạ dày không? Dưới đây là một số thông tin về tác dụng của dầu ớt cũng như rủi ro có thể gặp và một số lưu ý mà bạn có thể tham khảo:

1. Tác dụng của dầu ớt là gì?

Theo Health, dưới đây là những lợi ích khi ăn dầu ớt mà bạn có thể nhận được. Các tác dụng này hầu hết là đến từ hai hợp chất thực vật mạnh mẽ của ớt là capsaicinoid và carotenoid. Việc chế biến dầu ớt theo các cách khác nhau có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của hai thành phần này.

- Đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ, giảm nguy cơ mắc bệnh

Stress oxy hóa được hiểu là tình trạng mất cân bằng giữa các gốc tự do và khả năng chống oxy hóa của cơ thể. Stress oxy hóa có liên quan tới nhiều vấn đề sức khỏe phổ biến, có thể kể đến như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường và một số bệnh ung thư.

leftcenterrightdel
Dầu ớt chứa các hợp chất thực vật mạnh mẽ tốt cho sức khỏe (Ảnh: ST) 

Theo một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí Current Research in Food Science, ớt và các sản phẩm làm từ ớt, chẳng hạn như dầu ớt, có hàm lượng carotenoid cao bao gồm capsanthin, zeaxanthin, β-carotene, capsorubin và cryptoxanthin. Các sắc tố này tạo nên màu sắc tươi sáng của ớt và nhiều lợi ích sức khỏe của chúng. Carotenoid tan trong chất béo, nghĩa là dầu được sử dụng trong dầu ớt có thể tăng cường khả năng hấp thụ các hợp chất có lợi này.

Dầu ớt cũng giàu capsaicinoid, một chất thuộc nhóm vanilloids, tạo nên vị cay nồng của ớt. Giống như carotenoid, capsaicinoid có tác dụng chống oxy hóa cao.

Ngoài capsaicinoid và carotenoid, ớt còn chứa các chất chống oxy hóa khác, chẳng hạn như flavonoid, axit phenolic và vitamin C, tất cả đều góp phần vào tác dụng tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính của nó.

- Tác dụng chống viêm

Capsaicin là thành phần chính của dầu ớt có tác dụng chống viêm, do đó có thể giúp giảm viêm trong cơ thể. Điều này được cho là do capsaicin có thể ức chế sản xuất một số protein gây viêm, từ đó kiểm soát và ngăn ngừa các tình trạng liên quan tới tình trạng viêm mãn tính.

leftcenterrightdel
 Capsaicin là thành phần chính của dầu ớt có tác dụng chống viêm (Ảnh: ST)

Viêm mãn tính là một tác nhân chính gây ra nhiều bệnh, trong đó có cả bệnh tim. Trong một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí Biomolecules, người ta cũng đã phát hiện ra rằng những người có thói quen thêm ớt vào chế độ ăn hàng ngày có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn.

- Hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa

Tiêu thụ dầu ớt ở mức độ vừa phải có thể đem lại một số lợi ích đối với hệ tiêu hóa nhờ thành phần capsaicin giúp kích thích dạ dày tăng sản xuất dịch tiêu hóa, điều chỉnh nhu động ruột, giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa trơn tru hơn.

- Tăng cường trao đổi chất

Trong một phân tích năm 2017 được công bố trên tạp chí International Journal of Food Sciences and Nutrition, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tiêu thụ ớt trong 12 tuần có chỉ số cân nặng giảm nhờ capsaicin giúp tăng quá trình sinh nhiệt cơ thể, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

leftcenterrightdel
 Dầu ớt chứa capsaicin giúp tăng quá trình sinh nhiệt cơ thể, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất (Ảnh: ST)

Chưa rõ mức độ dầu ớt cần thiết để có thể giúp một người giảm cân là bao nhiêu do những nghiên cứu hiện tại dựa trên tác dụng hoạt chất capsaicin trong ớt tươi. Do vậy chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu xem ăn dầu ớt có giúp giảm cân hay không cũng như những rủi ro có thể gặp phải.

- Cải thiện lưu thông máu

Dầu ớt chứa capsaicin dường như có thể hỗ trợ cải thiện quá trình lưu thông máu bằng cách thúc đẩy giãn nở và mở rộng mạch máu, từ đó giúp máu đi khắp cơ thể dễ dàng hơn cũng như đảm bảo oxy và chất dinh dưỡng được đưa đến các mô và cơ quan trong cơ thể một cách hiệu quả nhất.

Lưu thông máu ổn định có liên quan mật thiết tới sức khỏe tim mạch và khả năng phục hồi nhanh hơn sau chấn thương.

- Giảm lượng natri hấp thụ

Mặc dù cơ thể cần một lượng nhỏ natri để có thể hoạt động bình thường nhưng hầu hết mọi người, đặc biệt là người Việt, đều dễ tiêu thụ nhiều hơn lượng natri khuyến nghị mỗi ngày. Tiêu thụ nhiều natri có liên quan tới rủi ro mắc bệnh thận, huyết áp cao và thậm chí là một số bệnh tự miễn.

leftcenterrightdel
 Dầu ớt có thể tiêu thụ hàng ngày (Ảnh: ST)

Với người trưởng thành khỏe mạnh, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng muối dùng hàng ngày không nên vượt quá 5 gam (tương đương với khoảng 1 muỗng cà phê), để giảm nguy cơ phát triển các vấn đề liên quan đến tim mạch.

Một nghiên cứu năm 2017 được tăng tải trên tạp chí Hypertension cho thấy, một số hợp chất có trong dầu ớt, chẳng hạn như capsaicin, có thể giúp bạn sử dụng ít muối hơn bằng cách tăng cảm nhận của cơ thể về vị mặn. Nghiên cứu cũng chỉ ra thêm rằng, người thích ăn đồ cay có xu hướng ăn ít muối hơn và có huyết áp thấp hơn so với nhóm không có thói quen ăn cay. Tuy nhiên, mặc dù ham muốn ăn thức ăn mặn giảm xuống nhưng những người tham gia nghiên cứu này lại tăng đáng kể ham muốn ăn đồ ngọt và béo.

Ngoài dầu ớt thì bột ớt Paprika, loại ớt bột được làm từ hỗn hợp các loại ớt, cũng thường được sử dụng để thay thế muối có nhiều natri.

Bên cạnh các tác dụng của dầu ớt với sức khỏe kể trên thì theo tờ Times of India, dầu ớt còn có thể giúp làm thông thoáng đường thở khi bị viêm xoang, nghẹt mũi hay giảm đau nhờ capsaicin. Tuy vậy, chúng ta vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi kết luận chắc chắn về các công dụng này.

2. Rủi ro sức khỏe có thể gặp khi ăn dầu ớt

Vì đặc trưng của dầu ớt là vị cay nồng vì thế mà người đang bị đau dạ dày hay các rối loạn tiêu hóa khác nếu ăn dầu ớt có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Điều tương tự cũng xảy ra nếu ăn quá nhiều dầu ớt bởi dầu ớt có thể kích thích các triệu chứng trào ngược axit, từ đó gây buồn nôn, đầy hơi, tiêu chảy và khó chịu bụng.

Theo Health, chế độ ăn nhiều thực phẩm cay như ớt cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm ung thư dạ dày và ung thư thực quản, đặc biệt là người Châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ. Do thức ăn cay có thể kích hoạt một số con đường gây viêm trong cơ thể, như con đường truyền tín hiệu yếu tố hạt nhân-κB (NF-κB) và kích thích sự phát triển và lây lan của một số tế bào ung thư. Tuy nhiên, nguy cơ gia tăng này liên quan tới thói quen tiêu thụ thực phẩm cay quá mức trong thời gian dài. Rủi ro cũng tăng lên đối với các loại ớt bột có thuốc nhuộm màu chứa Sudan. Ngoài ra, ớt khi bị mốc chứa chất alfatoxin cũng có khả năng gây ngộ độc và ung thư.

Ngoài ra, với người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư hoặc cụ thể là ung thư dạ dày và ung thư thực quản thì cần trao đổi với bác sĩ về những thay đổi trong chế độ ăn uống, bao gồm cả lượng tiêu thụ các loại thực phẩm cay như dầu ớt như thế nào là hợp lý.

Nếu tiêu thụ dầu ớt ở mức độ vừa phải thì điều này không quá đáng lo ngại. Theo Healthshots, một đến hai thìa dầu ớt mỗi ngày được coi là an toàn, bạn có thể tiêu thụ ít hơn phụ thuộc vào khả năng chịu đựng hoặc tình trạng nhạy cảm đồ cay của bản thân.

Lưu ý rằng, người có tiền sử dị ứng với ớt cũng không nên ăn dầu ớt. Các triệu chứng dị ứng có thể gặp bao gồm phát ban da, mẩn ngứa, sưng phù môi miệng,... thậm chí là khó thở, suy hô hấp.

3. Cách làm dầu ớt tại nhà

Dầu ớt có thể được làm tại nhà với các bước rất đơn giản. Bạn chỉ cần chuẩn bị ớt khô 70 gam, dầu ăn, hạt tiêu 20 gam, vừng trắng rang 15 gam.

Đầu tiên, cho ớt khô đã chuẩn bị vào máy xay để xay nhỏ, nhưng không nên xay quá vụn. Sau đó đổ ớt đã xay ra bát và trộn với hạt tiêu và vừng trắng vào.

Đun sôi dầu ăn, khi dầu ăn còn nóng thì đổ vào hỗn hợp ớt xay, vừng và hạt tiêu trong bát. Chú ý đổ nhẹ nhàng để không bị bắn ra ngoài gây bỏng da hoặc bỏng mắt do hơi nóng của dầu và ớt.

Một số địa phương còn thêm tỏi vào dầu ớt để tăng thêm hương vị.

Nhìn chung, tác dụng của dầu ớt đối với sức khỏe đến từ các hợp chất thực vật mạnh mẽ của ớt. Các tác dụng này có thể tác động tới từng người theo mức độ khác nhau. Nếu có các bệnh lý sẵn có hoặc đang điều trị bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm dầu ớt vào chế độ ăn thường ngày để tránh tác dụng phụ hay ảnh hưởng tới thuốc điều trị bệnh.

Châu Anh/Nguồn: Health, Healthshots