Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở trẻ nhỏ, trẻ sinh non, trẻ có bệnh lý như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, hen phế quản… là đối tượng dễ mắc cúm do sức đề kháng kém. Bệnh có thể gây suy hô hấp do viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong…

Biểu hiện cúm mùa ở trẻ

Bệnh cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường, nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn những dấu hiệu điển hình của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi.

Trẻ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm mùa hoặc sống tại khu vực có bệnh cúm lưu hành sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện sau 1- 4 ngày (trung bình 2 ngày) sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh).

Các triệu chứng ban đầu điển hình có thể là:

  • ‎Trẻ bắt đầu xuất hiện những cơn sốt.
  • ‎Có cảm giác ớn lạnh.
  • ‎Nhức đầu.
  • ‎Đau nhức cơ bắp.
  • ‎Chóng mặt.
  • ‎Trẻ ăn không ngon.
  • ‎Mệt mỏi.
  • ‎Ho.
  • Đau họng.
  • Chảy nước mũi.
  • Buồn nôn
  • Đau tai.
  • Có thế xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.

Trẻ bị cúm thông thường chỉ cần hạ sốt tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ, bù đủ nước và điện giải bằng dung dịch Oresol, dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi. Các triệu chứng bệnh có thể thuyên giảm trong vòng 5 – 7 ngày, tuy nhiên ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài trong vòng một hoặc hai tuần.

Cần theo dõi sát những dấu hiệu như sốt cao liên tục không hạ, khó thở, bú kém hoặc bỏ bú, nôn nhiều, co giật hoặc lơ mơ… Những trường hợp này cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện ngay, để tránh các biến chứng nặng của bệnh như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não hoặc suy các tạng.

Ở trẻ em khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh) sẽ xuất hiện những biểu hiện trên.

Bệnh cúm mùa ở trẻ chữa thế nào và có nguy hiểm không? - Ảnh 2.
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Ảnh minh hoạ.

Điều trị cúm ở trẻ em

Khi trẻ mắc cúm cần cách ly để trẻ nghỉ học không tới trường, tránh lây lan cho người khác. Điều trị cúm chủ yếu là triệu chứng, cụ thể:

- Hạ sốt: Nếu trẻ sốt > 38 độ C. Không dùng thuốc nhóm Salicylate như Aspirin để hạ sốt.

- Nhỏ mũi, hút mũi là việc làm có hiệu quả.

- Cần cho trẻ uống nhiều nước. Đảm bảo cân bằng nước điện giải.

- Điều trị triệu chứng bệnh cúm ở trẻ em khác ở người lớn. Tất cả các thuốc trị triệu chứng như thuốc kháng Histamine, thuốc ho, thuốc long đờm, thuốc chống sung huyết… đều chưa được chứng minh là có hiệu quả ở trẻ em.

- Kháng sinh: Kháng sinh không có tác dụng trong điều trị cúm, không có tác dụng trong phòng ngừa bội nhiễm. Kháng sinh có thể cần thiết nếu trẻ bị cúm bội nhiễm vi trùng như viêm tai, viêm phổi, viêm xoang. Nếu dùng kháng sinh bừa bãi sẽ có nhiều tác dụng phụ của kháng sinh và làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Vì vậy, khi trẻ bị cúm, cha mẹ không tùy tiện dùng thuốc, để tránh những nguy hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cần cho trẻ ăn đủ chất, cân bằng và hợp lý để nâng cao sức đề kháng.

Lời khuyên thầy thuốc

Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Các biện pháp phòng bệnh chung: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; tránh tập trung nơi đông người khi có dịch xảy ra. Giữ ấm cơ thể (khi trời lạnh). Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

Tiêm vaccine cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Tiêm vaccine cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Trẻ từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng. Sau đó, tiêm nhắc lại 1 mũi định kỳ hàng năm, do chủng cúm mùa thay đổi theo từng năm.

Phòng lây nhiễm từ người bệnh: Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Cách ly người bệnh ở phòng riêng…

Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

Khi trẻ có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn