Bệnh giang mai lây truyền thế nào?
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục không an toàn, do xoắn khuẩn có tên là Treponema pallidum gây ra. Xoắn khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi giao hợp không được bảo vệ (đường âm đạo, hậu môn hay miệng), qua các vết xước trên da hoặc niêm mạc khi có tiếp xúc với dịch tiết từ thương tổn giang mai.
Ngoài ra bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vận dụng bị nhiễm xoắn khuẩn. Lây do truyền máu hoặc tiêm chích mà bơm kim tiêm không vô khuẩn. Lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai từ tháng thứ 4 trở đi, do xoắn khuẩn này xâm nhập máu thai nhi qua dây rốn.
Biểu hiện các giai đoạn bệnh giang mai
Giai đoạn 1
Ở giai đoạn đầu, bệnh giang mai thường có biểu hiện những tổn thương ở quy đầu, bao quy đầu, rãnh quy đầu, lỗ niệu đạo , âm đạo… với những viêm loét nông, hình tròn hoặc bầu dục, bờ nhẵn, có màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ đáy viêm loét nông nhiễm cứng có thể kèm theo hiện tượng nổi hạch, người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi không rõ nguyên nhân, đôi khi bị sốt nhẹ và vừa.
Giai đoạn 2
Giai đoạn tiếp theo này có thể có tổn thương niêm mạc và nổi mụn toàn thân với các mảng sẩn, các nốt ban đỏ không ngứa trên toàn thân hoặc tứ chi bao gồm cả lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như nổi hạch, sốt, đau đầu, sụt cân, đau cơ và rụng tóc.
Giai đoạn 3
Giai đoạn này là giai đoạn nặng, xoắn khuẩn giang mai có thể gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể, từ da, niêm mạc, mắt đến các nội tạng như gan, tim mạch, thần kinh…
Hậu quả nghiêm trọng lây truyền từ mẹ sang con
Giang mai là một trong những bệnh có đường truyền từ mẹ sang con, vì vậy mắc bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai có thể gây những biến chứng nguy hiểm đến thai kì và trẻ sơ sinh. Đặc biệt, có thể gây hậu quả nghiêm trọng như sinh non, đa ối, tử vong thai nhi và giang mai bẩm sinh. Giang mai bẩm sinh có thể gây tử vong cho thai nhi hoặc dị dạng thai nhi. Nguy cơ nhiễm trùng bào thai trước sinh hoặc bệnh lý giang mai bẩm sinh ở trẻ nhỏ tùy thuộc vào các giai đoạn mắc bệnh giang mai trong thai kỳ. Nguy cơ cao nhất xảy ra ở tam cá nguyệt thứ nhất và tam cá nguyệt thứ hai. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi vẫn có thể xảy ra ở những phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai tiềm ẩn muộn.
Tầm soát bệnh giang mai khi mang thai
Để giảm nguy cơ mắc bệnh giang mai khi mang thai, các thai phụ nên tầm soát nhiễm giang mai trong quá trình mang thai ba tháng đầu của thai kỳ trước khi có khả năng lây nhiễm cho thai nhi.
Tuân thủ nguyên tắc quan hệ tình dục an toàn, vợ chồng tuân thủ nguyên tắc một bạn tình. Có lối sống sinh hoạt tích cực để nâng cao sức đề kháng. Nếu chưa có ý định sinh con, nên sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ.
Trong trường hợp quan hệ tình dục không an toàn hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị sớm. Trong thời gian điều trị phải kiêng quan hệ tình dục để không lây nhiễm sang cho bạn tình, vợ hoặc chồng và kết hợp điều trị cho bạn tình, vợ hoặc chồng.
Sống chung thủy một vợ một chồng là cách phòng ngừa bệnh hữu hiệu.
Theo suckhoedoisong.vn