Ngày hè nắng nóng, thói quen uống rượu, bia của người dân tăng lên. Cùng với đó trong các dịp du lịch vào ngày hè, mọi người ăn nhiều hải sản, đồ ăn nhiều đạm. Điều này làm tăng nguy cơ các cơn gout cấp. Vì vậy, bệnh nhân gout cần lưu ý hạn chế tối đa thực phẩm giàu chất đạm, rượu bia, thuốc lá.

Biểu hiện của bệnh gout qua từng giai đoạn

Bệnh gout là gì? Gout là bệnh rối loạn chuyển hóa nhân purin, từ đó tăng axit uric máu. Khi axit uric máu bị bão hòa tại dịch ngoài tế bào sẽ làm lắng đọng các tinh thể monosodium urat tại các mô dẫn tới tình trạng đau nhức khớp.

Bệnh gout có mấy loại? Bệnh gout được chia theo 4 giai đoạn.

Ở giai đoạn đầu, axit uric trong máu có thể tăng cao. Tuy nhiên bệnh nhân chưa có bất kỳ biểu hiện nào.

Ở giai đoạn 2, bệnh nhân có thể xuất hiện những cơn gout cấp. Cơn đau gout cấp có thể khiến bệnh nhân đau đột ngột, đau dữ dội, gây sưng, nóng, đỏ tại các vị trí tổn thương. Các vị trí tổn thương có thể tổn thương tại khớp ngón chân, khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân hoặc khớp gối. Cơn đau sẽ kéo dài từ 5-7 ngày và sẽ có xu hướng giảm dần xuống, bệnh nhân có thể kèm theo các biểu hiện như sốt, ớn lạnh, kém ăn…

Ở giai đoạn 3, các cơn đau có thể xuất hiện với tần suất dày hơn. Sau khi cơn đau kết thúc, bệnh nhân có thể quay lại trạng thái bình thường. Khi tiếp xúc với các yếu tố như rượu bia, đồ ăn giàu chất đạm, thời tiết lạnh… triệu chứng đau sẽ rõ ràng hơn.

Ở giai đoạn 4, giai đoạn bệnh goutt mạn tính. Giai đoạn này viêm trên nhiều khớp, có thể đối xứng, biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp, các khớp đau liên tục, không hình thành một cơn điển hình như trong giai đầu của bệnh. Có thể xuất hiện các hạt hoặc cục tophi lớn ở cạnh khớp.

Ai có nguy cơ mắc bệnh gout?

Bệnh gout có di truyền không? Bệnh gout là bệnh rối loạn chuyển hóa, khoảng 40% bệnh nhân mắc gout có tiền sử gia đình. Nguyên nhân gây ra bệnh gout được chia thành nguyên nhân nguyên phát và thứ phát. Hiện chưa rõ nguyên nhân nguyên phát gây ra bệnh. Nguyên nhân thứ phát có thể do người bệnh bị suy thận, các bệnh lý mạch máu (đa hồng cầu) hoặc do bất thường biến đổi về các enzim gây nên.

Ngoài ra có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout như:

  • Bệnh nhân có tiền sử gia đình có người mắc bệnh gout
  • Nam giới độ tuổi trung niên
  • Bệnh nhân lạm dụng thuốc lá, rượu bia
  • Chế độ ăn nhiều chất đạm.
leftcenterrightdel
 Bệnh nhân mắc bệnh gout cần lưu ý đặc biệt đến chế độ ăn uống và sinh hoạt để tránh bệnh tái phát.

Các phương pháp điều trị bệnh gout

Hiện nay, để điều trị bệnh gout bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc giảm đau chống viêm, colchicine, thuốc hạ axit uric máu… dựa vào chỉ định, kê đơn của bác sĩ.

Ngoài ra, bệnh nhân cần có chế đồ ăn, sinh hoạt hợp lý. Cụ thể, cần hạn chế các đồ giàu chất đạm (tôm, cua, hải sản, thịt đỏ, nội tạng…). Và hạn chế các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia…

Bên cạnh đó cần ăn nhiều rau, chất xơ như củ cải, bắp cải, xà lách. Uống nhiều nước và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Những bệnh nhân có tiền sử gout hay bị mắc lại đợt gout cấp. Vì vậy cần đặc biệt lưu ý chế độ ăn và sinh hoạt.

Nếu không điều trị, bệnh gout có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

- Nhiễm trùng do hạt tophi bị vỡ.

- Gây biến dạng các khớp. Nguyên nhân do lắng đọng các tinh thể urat tại các khớp, lâu dần gây biến dạng các khớp.

- Biến chứng tại thận. Thận là cơ quan chuyển trách đào thải các axit uric ra ngoài bằng nước tiểu. Người mắc bệnh gout nếu không điều trị có thể gây ra các lắng đọng và tích tụ các tinh thể urat, axit uric tại các mô. Lâu ngày gây ra tình trạng sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu từ đó có thể giảm chức năng của thận dẫn đến suy thận.

Theo suckhoedoisong.vn