leftcenterrightdel
 Nhân viên cứu hộ đưa bệnh nhân cấp cứu đến trung tâm y tế - Ảnh: Korea Jooang Daily

Mới đây, một thanh niên khoảng 20 tuổi bị tai nạn xe máy ở Haman vào buổi chiều và tìm kiếm sự trợ giúp qua 119. Đội cứu hộ đã liên hệ với 48 trung tâm y tế khu vực nhưng đều bị từ chối.

Bệnh viện Đại học Ajou cuối cùng đã tiếp nhận bệnh nhân lúc tối muộn và anh được điều trị vào 0g30 sáng hôm sau.

Giới chức y tế cảnh báo việc chậm trễ điều trị làm tăng nguy cơ hoại tử chân, có thể dẫn đến các biến chứng như suy đa tạng, nhiễm độc máu.

Các bệnh nhân cấp cứu đang gặp phải tình trạng thiếu chăm sóc y tế khi đợt đình công lớn của các bác sĩ cấp dưới sắp chạm mốc hai tháng.

Các bệnh nhân ung thư cũng bày tỏ lo ngại, khi các bệnh viện cắt giảm một nửa số ca phẫu thuật do thiếu nhân viên y tế.

Một bệnh nhân dự kiến cắt bỏ khối u tại một bệnh viện lớn ở Seoul vào cuối tháng 4 này đã được thông báo, ca phẫu thuật sẽ bị hoãn vô thời hạn trừ khi tình trạng thiếu nhân lực được giải quyết vào giữa tháng 4.

Một bệnh nhân ung thư thận khác bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội: “Tôi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện nơi tôi được lên lịch phẫu thuật, nhưng họ nói với tôi rằng họ không thể thực hiện vì bác sĩ gây mê từ chối hợp tác”.

Bệnh nhân mệt mỏi khi chờ đến lượt khám bệnh tại bệnh viện đa khoa ở Daegu - Ảnh: Yonhap
Bệnh nhân mệt mỏi khi chờ đến lượt khám bệnh tại bệnh viện đa khoa ở Daegu - Ảnh: Yonhap

Một bác sĩ phẫu thuật tại 1 trong 5 bệnh viện lớn nhất Hàn Quốc đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại.

“Chúng tôi đã giảm bớt các ca phẫu thuật kể từ khi các bác sĩ cấp dưới đình công hàng loạt, nhưng 5 tháng tới vẫn có rất nhiều ca cần phẫu thuật. Nhiều bệnh nhân đã chờ đợi rất lâu”, ông nói.

Bệnh viện nơi bác sĩ làm việc hiện đang ưu tiên phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư ở giai đoạn 3 và 4. Bác sĩ cảnh báo nếu tình hình này kéo dài, bệnh nhân ung thư ở giai đoạn đầu có thể gặp nguy hiểm vì “tình trạng của họ có thể trở nên tồi tệ hơn sau 5 hoặc 6 tháng”.

Kwon Yong-jin - giáo sư tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Seoul - nhấn mạnh: chính phủ cần nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng tại trung tâm khẩn cấp.

Gần đây, chính phủ đã nhượng bộ, cho phép các trường y giảm hàng trăm chỉ tiêu tuyển sinh nhưng vẫn không thể giải quyết được cuộc đình công kéo dài của các bác sĩ.

Kể từ cuối tháng 2, hơn 90% trong số 13.000 thực tập sinh y khoa đã tham gia phong trào từ chức hàng loạt, để phản đối việc chính phủ tăng chỉ tiêu trường y, dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động của bệnh viện.

Cuộc đình công kéo dài cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt tài chính của các bệnh viện, khiến một số bệnh viện phải cho nhân viên nghỉ phép không lương hoặc khuyến khích nghỉ hưu tự nguyện.

Theo phụ nữ TPHCM