|
Người rối loạn nhân cách ái kỷ phụ thuộc cảm xúc vào lời tung hô (ảnh minh họa) |
Phóng viên: Thưa bác sĩ, mọi người hay cho rằng người nào đó thích khoe khoang và tự đề cao bản thân là bị rối loạn nhân cách ái kỷ. Cách gọi này có đúng không?
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh: Hay khoe khoang chưa phải là rối loạn nhân cách ái kỷ. Ví dụ một người hay mua hàng hiệu, chụp hình rồi đăng lên mạng xã hội có thể là do họ có sở thích chưng diện, thích xài tiền…
Còn khoe và muốn được mọi người khen là tâm lý chung của tất cả chúng ta. Nếu trong giới hạn cho phép, điều đó hoàn toàn bình thường. Tính cách mỗi người mỗi khác. Người thì sống khép kín, người lại hay có nhu cầu chia sẻ. Bác sĩ chỉ chẩn đoán một người bị rối loạn nhân cách ái kỷ sau 18 tuổi vì từ ngưỡng tuổi này, nhân cách mới được hình thành đầy đủ. Trước 18 tuổi, nếu thấy biểu hiện của bệnh thì chỉ gọi là có khuynh hướng rối loạn nhân cách ái kỷ.
Rối loạn nhân cách ái kỷ thuộc bệnh lý tâm thần nằm trong nhóm rối loạn nhân cách, xảy ra do sự phát triển bất thường trong quá trình hình thành nhân cách. Bệnh nhân rối loạn nhân cách ái kỷ chịu sự tác động rất lớn từ bối cảnh sống (môi trường sống, xã hội và gia đình) gây tổn thương và sang chấn tâm lý trước khi trưởng thành.
Cũng có cả nguyên nhân di truyền nhưng chiếm số ít. Hiện nay, chưa có số liệu thống kê riêng về số người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ. Tuy nhiên, nhóm người rối loạn nhân cách nói chung chiếm khoảng 2 - 5% dân số.
|
Bác sĩ Lâm Hiếu Minh đang tư vấn tâm lý cho một trường hợp tại Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học y dược TPHCM |
* Người bị rối loạn nhân cách ái kỷ có biểu hiện thế nào, thưa bác sĩ?
- Bệnh nhân rối loạn nhân cách ái kỷ có biểu hiện tự đánh giá quá cao bản thân, yêu mình quá mức. Họ thường xuyên có nhu cầu được tâng bốc. Nếu không được khen, họ sẽ không duy trì được cảm xúc ổn định. Khi ai góp ý, họ lập tức phản ứng vô cùng gay gắt, thậm chí tấn công lại.
Chưa chắc tất cả những ai bị rối loạn nhân cách ái kỷ đều không có tài, chẳng qua tài năng của họ không tới mức như họ nghĩ. Chẳng hạn, họ vẫn có thể giữ vị trí quản lý trong một cơ quan. Tuy nhiên, họ luôn cho rằng mình tài năng hơn sự công nhận của mọi người.
Rối loạn nhân cách ái kỷ khiến họ coi mình như rốn của vũ trụ, muốn mọi sự chú ý phải đổ dồn về mình. Nếu không được như vậy, họ sẽ cư xử rất cực đoan. Chính vì không được tâng bốc liên tục, trạng thái cảm xúc của họ thay đổi thất thường. Yếu tố này dễ gây nhầm lẫn với chứng rối loạn lưỡng cực.
Khi một người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, họ vẫn biết là mình đang có gì bất thường, mình cần đi khám tâm lý - tâm thần để được điều trị. Ngược lại, bệnh nhân rối loạn nhân cách ái kỷ không hề có nhu cầu được khám bệnh. Đó là vì đặc trưng của bệnh này khiến họ tự cao quá mức. Vì thế, số người được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách ái kỷ không nhiều, chỉ như phần nổi trên tảng băng chìm. Rối loạn nhân cách ái kỷ nếu không được phát hiện và điều trị không chỉ gây hại cho bệnh nhân mà còn khiến những người xung quanh bị ảnh hưởng.
* Bác sĩ hãy kể về một trường hợp điển hình mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ mà mình từng điều trị. Nếu bệnh nhân không được can thiệp, hậu quả sẽ ra sao?
- Như tôi vừa nói, bệnh nhân rối loạn nhân cách ái kỷ không có nhu cầu đi khám. Những trường hợp tôi ghi nhận tại Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học y dược TPHCM chủ yếu do người nhà ép tới hoặc có khi người nhà bị bệnh nhân gây áp lực tới mức không chịu đựng nổi nên phải xin bác sĩ tư vấn tâm lý.
Chẳng hạn, một chị hẹn lịch khám tâm lý. Khi gặp tôi, chị tâm sự rằng không chịu nổi chồng mình. Anh này luôn bắt vợ con và mọi người phải nịnh nọt. Khi anh quyết định điều gì, chỉ cần có một ý kiến trái chiều, anh lập tức nhảy dựng lên. Trong đầu tư kinh doanh, anh luôn nghĩ mình đúng, mình có thể lường trước và dự đoán được xu hướng của thị trường. Anh làm gia đình điêu đứng suýt phải bán nhà vì đầu tư bất động sản và chứng khoán.
|
Rối loạn nhân cách ái kỷ dễ bị nhầm với chứng rối loạn lưỡng cực (ảnh minh họa) |
Khi đi làm, người này cũng không hòa nhập được với đồng nghiệp, luôn bất đắc chí, cho mình là viên ngọc sáng mà những người tầm thường chưa nhận ra được. Khi bỏ phiếu bầu ở cơ quan, anh luôn bị số phiếu thấp nhất. Thế là anh lại hùng hổ cãi cọ. Thậm chí, ngay trong nhóm chat của cư dân chung cư nơi gia đình sinh sống, anh cũng thường hăng hái đề xuất các ý tưởng. Thế nhưng, ý tưởng của anh chẳng có gì xuất sắc để mọi người phải khen ngợi và làm theo. Thế là anh lại đi cãi nhau với hàng xóm và ban quản trị, khiến mọi người đều ngột ngạt. Với bản tính kiêu căng, tự mãn đó của chồng, người phụ nữ này biết rằng khuyên chồng đi khám tâm lý là việc không tưởng. Do vậy, chị tìm đến bác sĩ tâm lý để xin lời khuyên cho chính mình.
Những bệnh nhân rối loạn nhân cách ái kỷ nếu không được điều trị sẽ tự phá vỡ những thành quả đã đạt được. Họ rất khó hòa nhập, thích nghi với xã hội. Sự rối loạn hành vi khiến các mối quan hệ gia đình của họ rất xấu. Họ còn có thể bị rối loạn cảm xúc đi kèm trầm cảm, có nguy cơ tự gây nguy hiểm cho bản thân.
Khi điều trị rối loạn nhân cách ái kỷ, bác sĩ sẽ tư vấn tâm lý phối hợp với dùng thuốc. Dù vậy, đây là cuộc chiến lâu dài nên bệnh nhân rất cần sự đồng hành của gia đình.
* Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ.
Trong đời sống hiện đại, nhiều người thường dùng từ “ái kỷ” để chỉ trích ai đó cư xử tự cao, ích kỷ và độc đoán. Thế nhưng, vẫn còn không ít ngộ nhận lẫn tranh cãi về định nghĩa của chứng ái kỷ.
Khác với từ “ái kỷ” xuất hiện phổ biến trên các diễn đàn, mạng xã hội, số bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) chỉ chiếm một tỉ lệ ít ỏi trong cộng đồng: khoảng 6% - theo thống kê của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ.
Công chúng có vẻ đang đồng loạt dán nhãn ái kỷ cho biểu hiện tự cao, kiêu ngạo ở một số người. Tuy vậy, theo giảng viên - chuyên gia tâm lý học William Berry (Đại học Quốc tế Florida, bang Florida, Mỹ), “vài đặc điểm chỉ biểu đạt được góc nhỏ của “bức tranh”.
Bản chất của con người là ích kỷ. Berry tin rằng biểu hiện của NPD có thể đang tiềm tàng ở nhiều cấp độ khác nhau trong một cá nhân. Tuy nhiên, tư duy tự thiên vị cùng lối sống đương đại đề cao sự độc lập khiến nhiều người từ chối nhìn thẳng vào trục trặc tâm lý của họ.
Có 2 dạng NPD đã được xác định: ái kỷ vĩ đại (tự cao đến cực đoan) và ái kỷ tổn thương (cần được chú ý vì luôn bất an về bản thân).
Nhưng, Berry tranh luận, “nhiều khả năng, thực ra chỉ có một dạng NPD duy nhất”. Ông lý giải: “Gần đây, hàng loạt nghiên cứu bắt đầu xét lại định nghĩa về chứng ái kỷ. Một số nhà tâm thần học cho rằng ái kỷ vĩ đại, trên thực tế, là một hình thái của chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Psychopathy). Nói cách khác, người mắc NPD thực sự đang cố gắng che đậy nỗi đau, cảm xúc bất an bằng lối hành xử vị kỷ”.
Nhà tâm lý học người Mỹ Charlotte Witvliet đưa ra lời khuyên: “Suy nghĩ, thái độ vị kỷ có thể là biểu hiện của nỗ lực tự vệ, lờ đi nỗi đau. Thế nên, muốn phá vỡ vòng lặp, trước tiên, cần học cách thừa nhận nỗi đau của bạn. Hãy thử đối diện thứ khiến chúng ta khổ sở, đồng thời mở lòng hơn để nhìn cuộc sống và đồng cảm với mọi người. Vốn dĩ, không ai trong chúng ta hoàn mỹ”.
Theo phụ nữ TPHCM
|