leftcenterrightdel
 Trẻ em Palestine ngồi bên đống lửa cạnh đống đổ nát của một ngôi nhà bị Israel tấn công, ở Khan Younis, phía nam Dải Gaza vào ngày 27/11 

Sau hơn 7 tuần cuộc xung đột diễn ra, đã có hơn 15.000 người được xác nhận thiệt mạng trong vụ bắn phá Gaza, khoảng 40% trong số đó là trẻ em và còn hàng ngàn người khác có thể bị mất tích dưới đống đổ nát.

Israel đã thề sẽ tiêu diệt Hamas, nhóm chiến binh cai trị Gaza, sau khi các tay súng của lực lượng này tấn công và giết chết khoảng 1.200 người và bắt giữ 240 con tin vào ngày 7/10.

Tại cuộc họp giao ban của Liên hợp quốc ở Geneva, bà Margaret Harris - phát ngôn viên của WHO cho biết: “Rất có thể, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người chết vì bệnh tật hơn những gì chúng ta thấy từ vụ ném bom nếu như hệ thống y tế ở nơi này không thể khôi phục lại”.

Bà Margaret Harris nhắc lại nhiều lần về mối lo ngại sự gia tăng bùng phát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.

Trích dẫn một báo cáo của Liên hợp quốc về điều kiện sống của những người dân phải di dời ở Gaza, bà nói: "Không có thuốc men, không có tiêm chủng, không được tiếp cận với nước sạch, vệ sinh và không có thực phẩm. Chúng tôi thấy rất nhiều trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh".

Bà Margaret Harris mô tả sự sụp đổ của Bệnh viện Al Shifa ở phía bắc Gaza là một "thảm kịch" và bày tỏ lo ngại về việc lực lượng Israel bắt giữ một số nhân viên y tế của bệnh viện này trong một đoàn xe sơ tán của WHO.

James Elder, người phát ngôn của Cơ quan Trẻ em Liên hợp quốc tại Gaza cho biết các bệnh viện ở Gaza chứa đầy trẻ em bị vết thương chiến tranh và viêm dạ dày ruột do uống nước bẩn.

Ông nói: “Tôi đã gặp rất nhiều bậc cha mẹ… Họ biết chính xác con mình cần gì. Họ không được tiếp cận với nước sạch và điều đó đang khiến những đứa trẻ kiệt quệ, chết dần chết mòn”.

Ông James Elder nói rằng trái tim của ông tan nát khi nhìn thấy một đứa trẻ bị mất một phần chân nằm trên sàn bệnh viện trong nhiều giờ mà không được điều trị vì thiếu nhân viên y tế.

Theo phụ nữ TPHCM