|
|
Nếu bệnh tiểu đường di truyền trong gia đình bạn, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn. Ảnh:Healthline. |
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là một nhóm rối loạn đa dạng được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết dai dẳng.
Tiểu đường type 1 và type 2 là những dạng phổ biến nhất. Cả hai đều được gây ra bởi sự kết hợp giữa rủi ro di truyền và môi trường.
Tiểu đường type 1
Theo Business Insider, tiến sĩ Emily Nosova, nhà nội tiết học tại Trung tâm Tiểu đường Mount Sinai (Mỹ), cho biết tiểu đường type 1 là bệnh tự miễn thường được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ và không liên quan đến bất kỳ yếu tố lối sống nào.
Những người mắc bệnh này có ít hoặc không có insulin trong cơ thể vì hệ thống miễn dịch của họ tấn công các tế bào sản xuất insulin khỏe mạnh trong tuyến tụy, được gọi là tế bào beta.
Tiến sĩ Nosova cho biết mặc dù có rất ít hiểu biết về nguyên nhân gây ra tiểu đường type 1, những người có tiền sử gia đình bị tiểu đường type 1 có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA), nếu người bố mắc bệnh tiểu đường type 1, tỷ lệ di truyền cho con là 1/17. Nếu người mẹ mắc tiểu đường type 1 và sinh con trước 25 tuổi, tỷ lệ di truyền là 1/25, trong khi sinh con sau 25 tuổi, tỷ lệ di truyền là 1/100.
Nguy cơ của con bạn sẽ tăng gấp đôi nếu bạn mắc bệnh tiểu đường trước 11 tuổi. Nếu cả bạn và bạn đời đều mắc bệnh tiểu đường type 1, nguy cơ là từ 1/10 đến 1/4.
Ngoài di truyền, một số yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 1:
- Tiếp xúc với các loại virus khác, đặc biệt là virus đường ruột - gây cảm lạnh thông thường.
- Địa lý là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khác, vì những người sống ở vùng khí hậu mát mẻ có xu hướng rơi vào tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 1 cao hơn.
- Các bệnh tự miễn như rối loạn tuyến giáp, bệnh Celiac và bệnh Addison. Đặc biệt, bệnh tuyến giáp phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường type 1, ảnh hưởng đến khoảng 15-20%.
Tiểu đường type 2
Bệnh tiểu đường type 2 là tình trạng xảy ra khi cơ thể trở nên đề kháng với insulin hoặc không sản xuất đủ insulin. Type 2 thường xuất hiện muộn hơn và phổ biến hơn nhiều so với type 1.
Bệnh tiểu đường type 2 cũng có thành phần di truyền mạnh. Ví dụ: nếu cha mẹ mắc bệnh tiểu đường type 2 trước tuổi 50, con của họ có 1/7 nguy cơ mắc bệnh này. Nguy cơ giảm xuống còn 1/13 nếu chẩn đoán của cha mẹ xảy ra sau tuổi 50.
Tiến sĩ Nosova cho biết các yếu tố lối sống liên quan đến sức khỏe cũng có liên quan chặt chẽ đến bệnh tiểu đường type 2. Thừa cân hoặc béo phì, sống một lối sống ít vận động và có lượng mỡ thừa quanh bụng không cân xứng đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, nguy cơ trong gia đình có liên quan đến các yếu tố môi trường này, vì trẻ em học được nhiều thói quen từ cha mẹ, bao gồm những gì chúng ăn và mức độ tập thể dục. Nếu cha mẹ thừa cân do lựa chọn lối sống, đứa trẻ cũng có nguy cơ bị thừa cân do lựa chọn lối sống tương tự.
Theo lifestyle.znews