Thông tin trên được Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Bích Đào, Phó chủ tịch Hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam, chia sẻ tại Hội nghị tim mạch 2024 tổ chức tại TP.HCM ngày 20.4.

"Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người tiểu đường loại 2. Theo thống kê, 55% bệnh nhân tiểu đường loại 2 tại Việt Nam có biến chứng. Trong đó biến chứng tim mạch chiếm tỷ lệ cao nhất 34%, sau đó đến biến chứng thần kinh 17%, biến chứng mạch máu não 10%...", bác sĩ Đào chia sẻ.

Do vậy, theo bác sĩ Đào việc quản lý biến chứng tim mạch cho bệnh nhân tiểu đường từ sớm là vô cùng quan trọng. Tại các cơ sở y tế của Việt Nam đã bắt đầu đưa ra chiến lược tiếp cận toàn diện cho bệnh nhân tiểu đường, như sử dụng các thuốc được chứng minh có lợi trên tim mạch và thận, bên cạnh kiểm soát các yếu tố nguy cơ như ổn định huyết áp, kiểm soát đường huyết, quản lý mỡ máu, giữ cân nặng ở mức hợp lý….

Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, cho biết tại Việt Nam tỷ lệ người tăng huyết áp ngày càng cao. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Việc tiếp cận toàn diện nhằm kiểm soát tăng huyết áp hiện còn là thách thức.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người (chiếm tới 33% các ca tử vong). Chính vì mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, rất nhiều nghiên cứu trên thế giới tập trung vào cải tiến các phương pháp chẩn đoán và điều trị.

leftcenterrightdel
 Phó giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Bích Đào chia sẻ tại hội nghị

Nhiều kỹ thuật mới trong điều trị bệnh lý tim mạch

Tiến sĩ - bác sĩ Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện FV, cho biết hiện nay việc điều trị các bệnh lý tim mạch đã có nhiều tiến bộ với nhiều phương pháp mới được cập nhật. Trong đó hai kỹ thuật IVUS (siêu âm trong lòng mạch), OCT (hình ảnh quang học trong lòng mạch) hỗ trợ tích cực trong điều trị các bệnh lý tim mạch.

Siêu âm trong lòng mạch sử dụng một đầu dò siêu âm rất nhỏ cho ra chất lượng hình ảnh HD để luồn vào trong lòng động mạch vành, qua vị trí bị tổn thương để đánh giá tình trạng của mạch. Đây là một phương pháp mới có độ an toàn và chính xác cao, có thể tiến hành nhiều lần trong đánh giá cấu trúc thành động mạch vành và các bệnh lý liên quan, cũng như sự thay đổi của lòng mạch trước và sau can thiệp.

OCT mạch vành là một kỹ thuật chụp hình ảnh hiện đại. Các bác sĩ sẽ đưa vào lòng mạch vành một thiết bị ghi hình siêu nhỏ có phát tia hồng ngoại bước sóng ngắn để ghi nhận hình ảnh trong lòng mạch. Các hình ảnh này rất rõ nét, cho phép nhìn thấy rõ các cấu trúc trong lòng mạch, như các lớp của mạch máu, các vết loét, rách, huyết khối… Từ đó, bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí cần đặt stent, chọn stent có kích thước phù hợp, giảm nguy cơ tái hẹp.

Theo Thanh niên