Hơn 60% bệnh truyền nhiễm mới có nguồn lây từ động vật
GS Nguyễn Văn Kính, Phó chủ tịch Tổng hội Y học VN, bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi là gánh nặng y tế công cộng đã liên tục xuất hiện những năm qua.
“Từ 1980 với căn bệnh HIV/AIDS xuất hiện, bệnh truyền nhiễm mới nổi đã được nêu lên rất nhiều trong y văn thế giới. Đặc biệt, người ta thấy rằng hầu hết các bệnh mới nổi đều bắt đầu từ động vật rồi lây cho người (chiếm tới hơn 60%)”, GS Kính cho biết và nêu ví dụ: Sau khi xuất hiện ca nhiễm HIV đầu tiên, thế giới ghi nhận SARS (2003), SARS-CoV-2 trong 2 năm qua, cúm H5N1...
Bệnh mới nổi là bệnh mới xuất hiện ở một địa phương có tỷ lệ mới mắc tăng lên hoặc sẽ tăng lên trong khoảng thời gian xác định. Chẳng hạn, ở miền Bắc nhiều năm qua đã quen với bệnh sốt xuất huyết nhưng với bệnh liên cầu lợn thì nhiều khi chỉ bùng lên vào một vài thời điểm trong năm (ví dụ như vào dịp tết hay ăn tiết canh).
|
Covid-19thuộc nhóm các bệnh truyền nhiễm thường gặp trong 2 năm qua. Trong ảnh: Một bệnh nhân nặng tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (Hà Nội)
|
Bệnh tái nổi là bệnh đã có từ trước với tỷ lệ mắc đã giảm hoặc không còn đặc biệt là với sự ra đời của vắc xin, nhưng bây giờ xuất hiện trở lại với tỷ lệ mắc mới tăng lên trong một thời gian xác định. Ví dụ như lao, dịch sởi (vụ dịch lớn năm 2014).
Bệnh bị lãng quên
Chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm đánh giá: Xu thế xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi hiện nay ở VN và thế giới tập trung vào các bệnh do vi rút, bệnh giun sán, bệnh do nấm, bệnh do đơn bào. Trong đó, bệnh do giun sán, sinh vật đơn bào lâu nay đã bị lãng quên (Tổ chức Y tế thế giới WHO đã phân các bệnh này là “bệnh bị lãng quên”), trong khi các bệnh do vi khuẩn thì vẫn đang gia tăng.
Phân bố các bệnh mới nổi, tái nổi hiện nay tập trung vào 4 nhóm bệnh chính:
Thứ nhất là bệnh từ động vật hoang dã truyền sang cho con người, như HIV, Mpox, zika… đều xuất phát từ những động vật hoang dã, sau đó trong quá trình tiến hóa liên tục thì lây sang cho con người.
Thứ hai là bệnh do động vật không hoang dã, do vật nuôi trong gia đình truyền sang cho chúng ta. Đặc biệt, ban đầu từ hoang dã, sau đó lây cho vật nuôi trong gia đình, nhất là bệnh cúm, cúm A (cúm gia cầm, thủy cầm…) hoặc viêm não Nhật Bản B. Ở VN, có những bệnh không lây nhưng lại từ vật nuôi gây chết nhiều, đó chính là bệnh dại.
Thứ ba là bệnh do các véc tơ truyền, chủ yếu do muỗi, ve và đã ghi nhận khá nhiều, ví dụ như muỗi truyền sốt rét, muỗi truyền viêm não Nhật Bản… “Những bệnh này luôn gắn bó với sự tồn tại của các véc tơ và các véc tơ này chúng ta tìm đủ mọi cách cho đến bây giờ vẫn không tài nào diệt được hết, chúng vẫn tồn tại và phát triển rồi truyền bệnh”, GS Kính cho hay.
Thứ tư, theo GS Kính, có thể thấy trong 2 năm vừa qua nổi lên nhiều căn nguyên gây bệnh nhiễm trùng, bệnh truyền nhiễm đã kháng thuốc, đặc biệt là vi khuẩn kháng lại kháng sinh. Và hiện đã xuất hiện các siêu vi khuẩn đa kháng, nhất là vi khuẩn gây nhiễm trùng bệnh viện đến bây giờ hầu như đã kháng lại gần như tất cả các kháng sinh, chỉ còn 1 kháng sinh có chút ít tác dụng là colistin. Nhưng ở VN, colistin được dùng trong lĩnh vực nông nghiệp đã lâu và chúng ta cũng đã tích tụ dư lượng của kháng sinh này trong người, cho nên dùng kháng sinh này điều trị thì một mình nó không thể đủ ngăn chặn, mà phải phối hợp.
Bên cạnh đó các vi khuẩn gram âm cũng kháng với carbapenem; một số vi khuẩn thông thường vẫn gặp như trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu cũng kháng một số thuốc.
WHO dự báo trong những năm tới nếu tình hình kháng thuốc tiếp tục diễn biến như hiện nay thì mỗi năm sẽ có khoảng 10 triệu người tử vong do mắc các vi khuẩn đa kháng thuốc.
“Những năm qua, chúng ta thấy một loạt các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi, trong đó có bệnh đã tồn tại rất lâu rồi nhưng nay vẫn còn, ví dụ như thương hàn, lỵ từng hết rồi nhưng nay lại xuất hiện”, GS Kính lưu ý.
Theo Thanh niên