Điều đáng lưu ý là nhiều bệnh nhân chủ quan, tự mua thuốc điều trị làm cho tình trạng bệnh nặng hơn, phải điều trị dài ngày.
Côn trùng nào gây viêm da tiếp xúc?
Bệnh thường do 2 loại côn trùng là bướm đêm và kiến ba khoang gây ra. Bệnh phát ra khi da tiếp xúc trực tiếp với lông của ấu trùng bướm đêm hoặc gián tiếp qua quần áo hay do gió thổi lông dính vào da, ở lông của bướm có chất gây kích ứng da giống histamin gây viêm da cấp tính. Đối với kiến ba khoang là do một chất giống như Canthanidin có ở trong bụng sâu ban miêu nên khi siết kiến ba khoang trên da, chất này tiếp xúc trực tiếp với da và gây bệnh.
Viêm da do tiếp xúc với côn trùng thường bùng phát từ tháng 6-9 hàng năm. Nguyên nhân là sau vụ thu hoạch lúa hoặc mùa mưa làm ngập ruộng khiến bướm, kiến ba khoang không còn chỗ trú sẽ bay vào nhà, phòng ngủ, phòng tắm và đặc biệt là ban tối, khi thắp điện sáng, bướm sẽ bay vào. Hơn nữa, vào mùa hè, mọi người thường mặc đồ thoáng, phần da hở nhiều nên dễ tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên gây bệnh. Nhiều người thường phát hiện thấy bệnh khi sáng ngủ dậy hoặc sau 1 ngày về thăm quê hôm sau thấy phát bệnh.
Tổn thương da do tiếp xúc với côn trùng.
Dấu hiệu nhận biết
Thương tổn ban đầu là những dát đỏ da, sau đó phù nề. Người bệnh thấy rát, đau, ngứa khó chịu. Trên bề mặt thương tổn màu trắng xám, lõm ở giữa, mụn nước, loét. Khi bị bội nhiễm thì có mủ trắng.
Thương tổn có hình dạng tương ứng với phần tiếp xúc với lông của bướm đêm. Có thể có từ 1 tới hàng chục thương tổn hình tròn, ô van, hình bản đồ, loang lổ, đôi khi thương tổn nhỏ và dài như vết cào của móng tay. Kích thước to nhỏ khác nhau từ vài mm tới 10 - 20cm. Các dát đỏ trên có thể xuất hiện ở một vùng da bên phải hoặc bên trái hay nằm rải rác hai bên cơ thể. Đôi khi có thương tổn ở mắt làm cho mắt viêm đỏ, phù nề, nhức nhối khó chịu.
Biểu hiện lâm sàng của viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang và bướm đêm là gần giống nhau nhưng do kiến ba khoang thường nặng hơn.
Bệnh thường phát nhanh sau khi tiếp xúc với dị nguyên từ vài giờ đến 1 hoặc 2 ngày. Với các biểu hiện trên, nhiều bệnh nhân nhầm với bệnh Zona và tự đi mua thuốc acyclovir về bôi, uống nhưng không khỏi sau mới đến khám ở cơ sở da liễu.
Điều trị bệnh viêm da tiếp xúc côn trùng
Khi trên da xuất hiện những đám da màu đỏ, ngứa rát, đau, bệnh nhân nên đến khám và điều trị tại cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu. Bệnh thường khỏi sau 5 - 7 ngày điều trị ngoại trú, không cần nằm viện. Bệnh nhân không nên điều trị để tránh tình trạng làm bệnh nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị do sử dụng thuốc không đúng. Bệnh nhân có thể tự xử lý ban đầu bằng cách tắm rửa, làm sạch da, thay quần áo khác.
Tại cơ sở y tế, sau khi khám chẩn đoán bệnh do côn trùng, thầy thuốc sẽ hướng dẫn điều trị tổn thương bằng các thuốc bôi: làm dịu da, sát khuẩn, kháng sinh có corticoid. Nếu bội nhiễm có mủ, loét, bôi các dung dịch màu như: castellani, milian. Ngoài ra nên kết hợp uống kháng sinh như cephalexin, ampicillin... Uống kháng histamin như: desloratadin, clarityne, telfast, cetirizin,...
Lời khuyên của thầy thuốc
Ðể phòng bệnh, cần mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày; cho trẻ nằm trong nôi có màn che chống ruồi, muỗi và các loại côn trùng khác. Những người thường làm việc vào buổi tối dưới ánh đèn cần đóng cửa sổ hoặc lắp lưới ngăn côn trùng bay vào, nhất là vào mùa mưa bão.
Nhớ đóng các cửa lại trước khi mở đèn để ngăn côn trùng bay vào phòng theo ánh sáng; chú ý kiểm tra phát hiện côn trùng trong bồn tắm, bể chứa nước, khăn mặt, quần áo trước khi sử dụng.
Không phơi quần áo, khăn mặt bên ngoài vào buổi chiều tối. Nên dùng các loại thuốc bôi ngoài da để chống muỗi và các côn trùng khác.
Môi trường sống xung quanh phải thật sạch sẽ, thông thoáng. Cần dọn dẹp, phát quang kỹ những nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm; gom đốt xác cây mục, cỏ khô để xua đuổi côn trùng; phun thuốc diệt côn trùng những nơi um tùm, rậm rạp cạnh khu dân cư.
Có thể dùng đèn huỳnh quang để ngoài cửa, dẫn dụ côn trùng bay đến và tiêu diệt vì chúng thường có khuynh hướng tụ tập ở những nơi có ánh sáng này.
Theo Sức khoẻ đời sống