Giữ ấm cơ thể đúng cách

Ngày 21.11, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết thời điểm cuối năm thời tiết chuyển lạnh tạo điều kiện vi khuẩn, vi rút phát triển tấn công trẻ nhỏ, gây nên các bệnh lý về viêm họng, viêm đường hô hấp cấp...

"Do đó để phòng bệnh phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ đúng cách. Giữ ấm không có nghĩa là cho trẻ mặc áo dày mà chú ý các vùng dễ nhiễm lạnh trên cơ thể. Với trẻ nhỏ khi ra ngoài cần che chắn vùng thóp, giữ ấm đôi chân. Khi thay tã cần lau khô vùng mông tránh gây lạnh cho trẻ", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Tiến, phụ huynh cần chú ý chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Có thể ban ngày trời nóng hơn thì nên mặc thoáng mát và giữ ấm cho trẻ khi nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm.

Dinh dưỡng cân bằng, đa dạng 

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết dinh dưỡng dự phòng có vai trò quan trọng giúp phòng bệnh trong thời điểm cuối năm, nhằm hạn chế nguy cơ mắc các bệnh cảm cúm, viêm đường hô hấp.

"Ở cả trẻ nhỏ và người lớn, cần chú ý ăn uống đa dạng cân bằng, đầy đủ các nhóm chất. Chế biến thức ăn mềm, kết hợp nhiều thực phẩm để tăng hương vị thơm ngon dễ chịu. Bổ sung nhiều trái cây, rau xanh trong chế độ ăn để tăng cường vitamin, khoáng chất giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể", bác sĩ Niên khuyến cáo.

Bệnh viêm đường hô hấp vào mùa: Phòng bệnh như thế nào? - Ảnh 1.

Bổ sung rau củ, trái cây giúp tăng cường vitamin đề kháng cho cơ thể

LÊ CẦM

Vệ sinh cá nhân, môi trường

Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân tăng cường thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi,… nơi công cộng để phòng ngừa lây nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khuyến cáo người dân tuân thủ 7 nguyên tắc để phòng bệnh đường hô hấp như:

  1. Giữ khoảng cách an toàn với những người bị cảm lạnh, cúm hoặc ho.
  2. Rửa tay bằng xà phòng đúng cách để loại bỏ vi khuẩn và vi rút trên da. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hướng dẫn trẻ em rửa tay theo các bước đúng cách để phòng bệnh. Khi một thành viên trong gia đình bị bệnh về đường hô hấp, bạn hãy thường xuyên lau chùi nhà cửa, nhà bếp và phòng tắm bằng chất khử trùng.
  3. Uống đủ nước mỗi ngày để giữ cho cơ thể đủ nước, đảm bảo cho quá trình trao đổi chất hoạt động hiệu quả, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh trong đó có các bệnh về đường hô hấp.
  4. Để giảm bớt căng thẳng, bạn có thể tập thể dục thường xuyên, ngồi thiền, hít thở sâu hoặc thử các kỹ thuật thư giãn cơ bắp như đấm bóp, massage...
  5. Cố gắng ngủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày để giữ cơ thể khỏe mạnh. Giấc ngủ có vai trò rất lớn đối với hệ thống miễn dịch của cơ thể.
  6. Bạn có thể cân nhắc bổ sung kẽm, vitamin C và men vi sinh trong mùa lạnh để ngăn ngừa bệnh tật. Đây là những vi chất cần thiết đối với hệ miễn dịch để giúp cơ thể phòng chống bệnh tật.
Bệnh viêm đường hô hấp gia tăng thời điểm cuối năm

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong cuộc họp giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch, đại diện các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và bệnh Nhiệt Đới TP.HCM đều nhận định hiện nay số ca mắc nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam tiếp tục tăng trong tháng 10.2023 so với các tháng trước đó. Đây là hiện tượng tăng theo chu kỳ vào những tháng cuối năm của nhóm bệnh này ở trẻ em, điều đáng lo là khi số ca mắc tăng thì số ca nặng và tử vong sẽ tăng là điều rất khó tránh khỏi nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các tuyến. Do đó, thông qua hội nghị, các chuyên gia của các bệnh viện tuyến cuối mong muốn chia sẻ kinh nghiệm chẩn đoán và nhất là thống nhất phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm tránh gây quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối của thành phố.

Theo số liệu báo cáo của các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn thành phố, số trường hợp điều trị ngoại trú, điều trị nội trú và số trường hợp tử vong của nhóm bệnh này trong 10 tháng đầu năm 2023 có tăng nhẹ so với các năm 2021, 2022 (những năm bùng phát của dịch Covid-19), tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước dịch Covid-19 (giai đoạn từ năm 2015-2020).

Theo Thanh niên