Tiểu đường là tình trạng mà trong đó cơ thể không thể giữ được đường huyết ở mức bình thường. Thông thường, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để điều chỉnh đường glucose trong máu và duy trì cân bằng nội môi. 

Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường, cơ thể bị mất khả năng này dẫn đến tăng đường huyết, theo trang nghiên cứu y học ScienceDirect.

Béo phì dẫn đến tiểu đường như thế nào ? - Ảnh 1.

Chế độ ăn nhiều chất béo có thể dẫn đến béo phì và tăng nguy cơ mắc tiểu đường

SHUTTERSTOCK

Đường huyết tăng quá cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho các mạch máu, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy thận hay bệnh võng mạc tiểu đường, dẫn đến mù.

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết rằng những người béo phì đặc biệt có nguy cơ cao mắc tiểu đường loại 2. Mô mỡ đóng vai trò quan trọng trong sự khởi phát tiểu đường.

Trong nghiên cứu mới đây, nghiên cứu do giáo sư Michael Hall tại Đại học Basel (Thụy Sĩ) đã tìm ra cách thức mà chế độ ăn nhiều chất béo gây ra bệnh tiểu đường như thế nào.

Thông thường, mô mỡ sẽ có khả năng điều chỉnh đường huyết bằng cách tạo ra enzyme hexokinase 2. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều chất béo, dẫn đến tích tụ nhiều mỡ thừa và béo phì thì mô mỡ sẽ không còn tiết ra đủ hexokinase 2 cung cấp cho cơ thể.

Điều này có nghĩa là khả năng điều chỉnh đường huyết của mô mỡ đã suy giảm. Khi đó, cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng kháng insulin, tức là không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả để đưa đường từ máu vào tế bào.

Không những vậy, thiếu enzyme hexokinase 2 còn gây ra những rối loạn chuyển hóa ở gan. Gan sẽ tiếp tục tổng hợp ra nhiều đường glucose và phóng thích vào máu. Tác động này sẽ góp phần khiến đường huyết tiếp tục tăng cao và hệ quả là bệnh tiểu đường.

Béo phì dẫn đến bệnh tiểu đường như thế nào? - Ảnh 2.

Kiểm tra đường huyết

SHUTTERSTOCK

"Thật đáng ngạc nhiên khi chế độ ăn nhiều chất béo lại gây thiếu hụt một loại enzyme đặc biệt trong mô mỡ. Tình trạng thiếu hụt này tác động sâu sắc đến quá trình chuyển hóa đường glucose của toàn bộ cơ thể", tiến sĩ Mitsugu Shimobayashi, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Do đó, việc thực hiện chế độ ăn lành mạnh, kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa béo phì đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa tiểu đường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người nên tập thể dục thường xuyên và tránh xa rượu bia. Việc thay đổi lối sống không chỉ có thể giúp giảm nguy cơ tiểu đường mà còn giúp ngăn ngừa những bệnh nguy hiểm khác như ung thư, đột quỵ hay đau tim, theo ScienceDirect.

Theo Thanh niên