“100% các ông lang bà mế chỉ thu hái những loại cây thuốc cho bài thuốc mình đang sử dụng để chữa trị. Khi đi hái ở trong rừng, họ tuân thủ nguyên tắc hái đủ cho bài thuốc, không khai thác hết, vì khai thác nhiều so với nhu cầu sử dụng cũng không bảo quản được lâu”, PGS-TS Nguyễn Trường Giang (Khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết tại hội thảo quốc tế “Khám phá tiềm năng về dược chất, độc tính và kinh tế - xã hội của những chiết xuất tự nhiên tại khu vực phía bắc VN” sáng 8.11 tại Hà Nội.
|
Các nhà khoa học và dân địa phương cùng nghiên cứu dược liệu
|
Hội thảo do Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì. Nghiên cứu được PGS-TS Nguyễn Trường Giang thực hiện tại các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hòa Bình.
Cũng theo nghiên cứu này, người dân khai thác thuốc một cách tự phát, với tiêu chí không đồng nhất. Tại một số nơi, do trữ lượng không nhiều nên người dân khai thác cả các thân cây còn nhỏ, không đảm bảo chất lượng dược liệu. Dược liệu sau thu hoạch, có người đến mua thì bán nên lúc bán độ ẩm của dược liệu không đồng đều, có thể bị giảm chất lượng. Giá thu mua cũng bị ép. Vì thế, một chuẩn thu hái, chế biến cũng cần được xây dựng.
Dự án “Khám phá tiềm năng về dược chất, độc tính và kinh tế - xã hội của những chiết xuất tự nhiên tại khu vực phía bắc VN” là sáng kiến hướng tới tạo ra sinh kế từ dược liệu cho các cộng đồng miền núi phía bắc. Dự án do Quỹ ARES (Bỉ) tài trợ. Việc nghiên cứu giúp phát huy vai trò của các bài thuốc cổ truyền kết hợp với nghiên cứu khoa học.
Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Sinh học và Trường ĐH Liège, ĐH Mons, ĐH Namur (Bỉ), 22 loài thực vật được thu thập để nghiên cứu đặc tính. Trong số này, có thử nghiệm hoạt chất chống ung thư được chiết xuất từ các mẫu thực vật như cây mộc tặc trãi, cây khô sâm, cây phòng phong thảo. Thử nghiệm hoạt tính chống viêm cho thấy triển vọng từ các cây bọ mẩy, cây gắm núi, hoàng liên ô rô lá dày và cây bòn bọt. Một số thử nghiệm khác cũng khả quan là thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn của cây bùm bụp, cây mạn mân và cây dạ cẩm; thử nghiệm hoạt tính kháng nấm với chất chiết xuất từ cây hoàng liên ô rô lá dày, cây gắm núi, cây đa lá lệch… Các xét nghiệm chống viêm kích hoạt tế bào T, thử nghiệm chống ô xy hóa cũng được thực hiện.
Ông Trần Quốc Bình, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, đánh giá dự án làm sáng tỏ bản chất dược lý của các cây dược liệu, trước vốn chỉ được sử dụng dựa trên kinh nghiệm dân gian. Nghiên cứu cũng cung cấp cơ sở khoa học vững chắc về hoạt tính của các cây dược liệu và vi sinh vật liên quan. Một đội ngũ khoa học liên ngành đủ năng lực nghiên cứu tổng hợp về cây dược liệu cũng hình thành, mở ra tiền đề hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực dược liệu cổ truyền. Những bí ẩn chống ung thư, kháng viêm từ bài thuốc ông lang bà mế sẽ được tận dụng để phát triển kinh tế địa phương.
Theo Thanh niên