1. Chốc mép là gì?
Chốc mép là hiện tượng nổi mụn nước ở môi gây đau, rát hoặc ngứa sau đó vỡ ra và đóng vảy. Chốc mép không chỉ gây đau đớn mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Có nhiều nguyên gây chốc mép như do virus, vi khuẩn hay nấm nhưng hay gặp và phổ biến nhất là do virus.
Herpes là một loại virus tồn tại ở hai dạng khác nhau là HSV-1 và HSV-2. HSV là viết tắt của virus herpes simplex. Trên thế giới hơn 90% dân số trưởng thành bị nhiễm một hoặc cả hai dạng virus này mà không biết, do virus chủ yếu không hoạt động mà nằm trong hạch thần kinh.
Chốc mép thường do virus herpes HSV-1 gây ra. Loại virus này rất dễ lây lan và có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với mụn nhọt hoặc vết thương, hoặc do tiếp xúc gián tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus. Virus cũng lây truyền qua không khí, ví dụ như ho hoặc hắt hơi.
Một số tác nhân có thể kích hoạt virus hoạt động và gây chốc mép bao gồm:
- Mệt mỏi
- Căng thẳng về tâm lý và thể chất
- Phẫu thuật nha khoa
- Thay đổi nội tiết tố bao gồm kinh nguyệt, mang thai
- Một số loại thuốc
- Một số bệnh lý như viêm xoang
- Tuổi tác
- Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời...
2. Thuốc điều trị chốc mép
Chốc mép có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng có nhiều cách hiệu quả để giảm đau và thúc đẩy quá trình lành bệnh. Nếu không điều trị, chốc mép có thể kéo dài đến 2 tuần.
Khi bị chốc mép cần xử trí đúng để tránh lây lan. Đầu tiên cần khử trùng cục bộ vùng tổn thương bằng dung dịch sát trùng trong giai đoạn mụn nước hoặc đóng vảy. Dung dịch sát trùng như chlorhexidine có thể được bôi lên vết thương một hoặc hai lần một ngày, tránh những dung dịch có chứa cồn. Nếu chốc mép gây đau có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol.
2.1 Điều trị chốc mép do virus
- Thuốc kháng virus dạng bôi tại chỗ: Tác dụng của thuốc là làm giảm triệu chứng, giảm cường độ và tiến triển của bệnh. Thuốc nên được bôi càng sớm càng tốt ngay từ những triệu chứng đầu tiên như ngứa, rát, trước khi mụn nước xuất hiện. Thuốc sẽ không mang lại hiệu quả nếu sử dụng quá muộn, khi vết thương đã đóng vảy. Các thuốc này bao gồm:
- Acyclovir: Không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. Không bôi vào mắt, miệng hoặc âm đạo. Thoa kem nhiều lần trong ngày. Rửa tay trước và sau mỗi lần bôi thuốc để tránh lây nhiễm.
- Penciclovir: Không dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi. Không bôi vào mắt, trong miệng hoặc trong âm đạo. Bôi kem nhiều lần trong ngày, ra xung quanh tổn thương. Rửa tay kỹ trước và sau mỗi lần bôi thuốc để tránh lây nhiễm.
Cần ngừng dùng thuốc trong trường hợp tổn thương trầm trọng hơn hoặc không lành sau 15 ngày.
Thuốc làm giảm triệu chứng, giảm cường độ và tiến triển của bệnh.
- Thuốc kháng virus đường uống: Thuốc kháng virus như aciclovir hoặc valaciclovir có thể được kê đơn trong một số trường hợp, đặc biệt là để ngăn ngừa các đợt tái phát thường xuyên của chốc mép. Thuốc giúp đẩy nhanh quá trình chữa bệnh, đồng thời giảm lượng virus nhưng việc điều trị phải được thực hiện ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên thuốc không thể loại bỏ virus herpes.
2.2 Chốc mép do vi khuẩn
Các thuốc kháng sinh được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ tác nhân gây chốc mép là do vi khuẩn hoặc khi các vết loét gây bôi nhiễm.
Có thể sử dụng kem bôi chứa kháng sinh như erythromycin để thoa lên vùng tổn thương. Nếu thoa kháng sinh mà không đỡ hoặc nhiễm trùng có dấu hiệu lây lan, lúc này bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng kháng sinh đường uống.
2.3 Chốc mép do nấm
Nếu chốc mép do tác nhân là nấm có thể được chỉ định dùng các thuốc kháng nấm như ketoconazole hoặc clotrimazol để bôi lên vùng tổn thương.
Cần lưu ý không gãi vì có thể làm cho virus lây lan tới các vị trí khác của cơ thể. Rửa tay sạch sau mỗi lần tiếp xúc với các mụn nước. Không chọc vỡ các mụn nước và không bóc vảy.
3. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nhìn chung, chốc mép thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cần thăm khám y tế nếu vết thương không tự lành sau 15 ngày hoặc nếu chốc mép tái phát thường xuyên.
Cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu:
- Sốt cao kèm theo đau, hoặc đau dữ dội
- Nếu có thay đổi về thị lực (nhạy cảm với ánh sáng, giảm thị lực), cho thấy có thể bị nhiễm trùng mắt
- Người bị suy giảm miễn dịch.
- Nếu chốc mép kéo dài trên bệnh chàm bội nhiễm, có thể là nguyên nhân của hội chứng Kaposi-Juliusberg. Đây là một tình huống cần nhập viện và hội chẩn khẩn cấp.
Theo suckhoedoisong.vn