leftcenterrightdel
 

 

Chóng mặt, ù tai và nặng đầu có thể khiến sinh hoạt bình thường bị cản trở, căng thẳng tăng lên và có thể kèm theo khó ngủ.

1. Nguyên nhân gây chóng mặt, ù tai và nặng đầu

Dưới đây là 8 nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng chóng mặt, ù tai và nặng đầu cũng như cách đối phó giảm nhẹ tại nhà... mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý, những thông tin dưới đây không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, cần thăm khám sớm để được xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và hướng dẫn điều trị phù hợp.

1.1. Viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng viêm các xoang cạnh mũi do nhiễm virus, vi khuẩn, nhiễm nấm hoặc do dị ứng. Các triệu chứng viêm xoang thường gặp bao gồm: Nặng mặt, nặng đầu (vị trí các xoang), nước mũi đặc và có màu, tắc nghẽn mũi, ho, mệt mỏi, hắt hơi liên tục khiến người bệnh cảm thấy choáng váng, đôi khi còn có cảm giác tương tự với sương mù não.

leftcenterrightdel
Viêm xoang là tình trạng viêm các xoang cạnh mũi do nhiễm virus, vi khuẩn, nhiễm nấm hoặc do dị ứng (Ảnh: Internet) 

 

Khắc phục tại nhà: Với những trường hợp viêm xoang nhẹ, bạn có thể dễ dàng điều trị giảm nhẹ triệu chứng tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước để làm loãng dịch tiết và dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen và acetaminophen hay các thuốc kháng histamine.

Nếu viêm xoang là do vi khuẩn hay do nấm, thuốc kháng sinh có thể được chỉ định để loại bỏ. Trong một số trường hợp nghiêm trọng như viêm xoang mãn tính do các khối polyp hình thành trong xoang, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ.

1.2. Đau đầu

Có nhiều loại đau đầu khác nhau (khoảng 150 loại, theo thống kê của Viện Y tế Hoa Kỳ - NIH) với các nguyên nhân phổ biến bao gồm: Tư thế xấu, mất nước, căng thẳng, thay đổi thời tiết hoặc thay đổi áp suất không khí, uống rượu bia, kích thích bởi ánh sáng chói hoặc âm thanh cường độ lớn.

Tùy từng loại đau đầu khác nhau mà triệu chứng cũng có sự khác biệt, có loại gây ra các triệu chứng như chóng mặt, ù tai và cảm giác nặng ở đầu. Nhưng có loại đau đầu lại gây ra buồn nôn, nôn mửa, khó chịu toàn thân. Cơn đau đầu có thể âm ỉ, dữ dội hoặc đau nhói, đau châm chích và kéo dài từ vài phút tới vài ngày. Nhưng nhìn chung, đau đầu được mô tả là cơn đau xảy ra ở một hoặc cả hai bên đầu có tính chất ở một vị trí cụ thể hoặc lan tỏa khắp đầu.

Khắc phục tại nhà: Với những cơn đau đầu nhẹ, nghỉ ngơi tại nhà, uống đủ nước và sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn thường có ích trong việc giảm đau. Đồng thời người bệnh cần học cách kiểm soát và quản lý căng thẳng; tránh các tác nhân có thể kích hoạt cơn đau đầu hoặc triệu chứng tăng nặng thêm.

Thuốc kê đơn có thể được bác sĩ chỉ định với mục đích ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ cơn đau đầu, bao gồm: Thuốc chẹn beta, thuốc chặn canxi, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật...

leftcenterrightdel
 Có khoảng 150 loại đau đầu khác nhau (Ảnh: Internet)

 

1.3. Migraine tiền đình (Vestibular migraine)

Migraine tiền đình là bệnh lý có các cơn chóng mặt vị trí tự phát (với tỷ lệ 30 - 50% bệnh nhân gặp phải triệu chứng này), chóng mặt khi thay đổi vị trí của đầu và chóng mặt thị giác kéo dài từ 5 phút đến 3 ngày. Các triệu chứng thính giác, bao gồm mất thính giác, ù tai cũng đã được báo cáo với tỷ lệ lên tới 38% trong số bệnh nhân bị migraine tiền đình.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này không phải lúc nào cũng có thể xác định rõ ràng nhưng có một số tác nhân phổ biến gây ra bao gồm: Căng thẳng, mệt mỏi và một vài loại thực phẩm và đồ uống như sô cô la, rượu vang đỏ và cà phê.

Khắc phục tại nhà: Uống đủ nước và ngủ đủ giấc có thể giúp giảm nguy cơ bị Migraine tiền đình. Nắm rõ và tránh xa các tác nhân có thể kích hoạt cơn chóng mặt, ù tai và đau đầu.

Thuốc theo đơn sử dụng trong điều trị chứng đau nửa đầu cũng có thể giúp giảm các triệu chứng của tình trạng này, chẳng hạn như thuốc chẹn beta, thuốc triptan, thuốc chống co giật...

1.4. Bệnh Meniere

Bệnh Meniere là một bệnh lý của hệ thống tiền đình ốc tai với các triệu chứng điển hình là chóng mặt, ù tai, nghe kém xảy ra một cách đột ngột theo từng đợt và khó dự báo trước. Trong bệnh Meniere, người bệnh có thể xuất hiện cơn chóng mặt đột ngột, kéo dài hàng giờ nhưng thường không quá 24 tiếng. Cơn chóng mặt nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân buồn nôn và nôn mửa.

Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gặp như: Choáng váng, cảm giác đầy nặng trong tai.

Khắc phục tại nhà: Nghỉ ngơi và kiểm soát căng thẳng có thể giúp ích cho các triệu chứng của bệnh Meniere. Hạn chế muối trong chế độ ăn uống và sử dụng thuốc lợi tiểu có thể giúp người bệnh kiểm soát được cơn chóng mặt bằng cách giảm tích nước trong cơ thể từ đó cũng giảm được phần nào sự ứ đọng nước trong hệ thống mê nhĩ.

leftcenterrightdel
Bệnh Meniere là một bệnh lý của hệ thống tiền đình ốc tai với các triệu chứng điển hình là chóng mặt, ù tai, nghe kém xảy ra một cách đột ngột (Ảnh: Internet) 

 

Các loại thuốc kê đơn có tác dụng ức chế tiền đình, chống nôn và an thần chẳng hạn như meclizine, diazepam, glycopyrrolate và lorazepam sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng trong đợt cấp. Phẫu thuật cũng có thể được cân nhắc nếu các biện pháp không xâm lấn không có tác dụng và tùy vào tình trạng sức khỏe cũng như tuổi tác, mức độ thính lực của người bệnh.

1.5. U dây thần kinh thính giác

U dây thần kinh thính giác hay còn gọi là u dây thần kinh tiền đình hoặc u dây thần kinh số VIII. Khối u này thường là lành tính và có các triệu chứng phụ thuộc vào kích thước cũng như vị trí xâm nhập hay sự lan rộng của khối u.

U dây thần kinh thính giác gây ra các triệu chứng bao gồm: chóng mặt, ù tai và nặng đầu, đau đầu kèm theo tiếng gió thổi ở tai. Người bệnh đi đứng loạng choạng hơn, dễ bị té ngã.

Với thính lực, ngoài ù tai thì bệnh cũng có thể bị mất thính lực đột ngột ở một hoặc cả hai bên tai. Một khi khối u phát triển lớn hơn và lan sâu tới hố não sau có thể gây liệt dây thần kinh tam hoa (số V), dây thần kinh vận nhãn ngoài (số VI), dây thần kinh vận động cơ mặt (số VII) hay liệt các dây thần kinh sọ thấp IX, X, XI gây ra triệu chứng nuốt sặc, khàn tiếng…

Điều trị: Không phải lúc nào u dây thần kinh thị giác cũng cần điều trị. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh theo dõi bằng cách thường xuyên chụp cộng hưởng từ (MRI) để kịp thời phát hiện bất thường của khối u bởi khối u phát triển lớn có thể gây gián đoạn hoạt động của dây thần kinh thị giác và chức năng não. Các biện pháp can thiệp khác giúp loại bỏ khối u bao gồm phẫu thuật và xạ trị.

1.6. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là tình trạng xảy ra khi xuất hiện cục máu đông dẫn đến tắc nghẽn mạch máu hoặc gây chít hẹp mạch máu làm cản trở quá trình lưu thông máu tới não. Khi tình trạng thiếu máu cục bộ xảy ra, các tế bào não sẽ chết hàng loạt do thiếu oxy và dưỡng chất.

Chính vì vậy mà đây là một trường hợp cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Các triệu chứng nhận biết bao gồm: Mất thị lực đột ngột ở một bên mắt, tầm nhìn song thị, cảm thấy yếu hoặc tê liệt ở một bên cơ thể hoặc ở cánh tay và chân, chóng mặt, choáng váng, cảm giác khó chịu, mất kiểm soát vận động, một bên mặt bị chảy xệ và cười méo miệng/mặt.

leftcenterrightdel
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là tình trạng xảy ra khi xuất hiện cục máu đông dẫn đến tắc nghẽn mạch máu hoặc gây chít hẹp mạch máu (Ảnh: Internet) 

 

Điều trị: Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc có tác dụng giúp làm tan cục máu đông hoặc can thiệp phẫu thuật để quá trình lưu thông máu trở lại bình thường. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể tái phát nên cần sử dụng các điều trị bổ sung để ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh lý nguy cơ sẵn có, bao gồm: Thuốc uống làm loãng máu, thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc hạ cholesterol cùng một số thay đổi về lối sống như bỏ thuốc lá, giảm cân và rèn luyện thói quen vận động.

1.7. Phình mạch máu não

Đây là tình trạng phình ra hay phồng lên của một phần thành mạch máu não tại điểm thành mạch máu bị yếu. Tại nơi túi phình hình thành thì thành mạch máu trở nên mỏng và yếu hơn. Bệnh phình mạch máu não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, riêng tình trạng vỡ phình mạch hay gặp nhất ở độ tuổi từ 50 - 60 tuổi, trong đó nữ giới có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn nam giới.

Triệu chứng điển hình khi bị phình mạch máu não chính là thị lực suy giảm một cách rõ rệt kèm theo tê bì tay chân, đau nặng đầu ở vùng sau mắt... Có khoảng 30 - 60% bệnh nhân thấy "đau đầu cảnh báo" từ nhiều ngày đến nhiều tuần trước khi vỡ túi phình.

Một khi túi phình bị vỡ dẫn tới xuất huyết não sẽ có các biểu hiện rõ rệt hơn, bao gồm: Đau nhức đầu nghiêm trọng, thị lực giảm mạnh kèm theo co giật, cảm giác đau như bị dao đâm, cứng cổ, ngất xỉu, suy giảm trí nhớ, nhạy cảm hơn với ánh sáng, mê sảng... Tuy nhiên cũng có một số trường hợp dù bị túi phình mạch não nhưng vẫn không có bất kỳ triệu chứng gì trước khi bị vỡ.

Điều trị: Đây là trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ xử lý và ngăn chặn xuất huyết tái phát lần hai. Hiện nay có 2 phương pháp điều trị là phẫu thuật kẹp túi phình và can thiệp nội mạch hay đặt coil (dây xoắn).

leftcenterrightdel
Triệu chứng điển hình khi bị phình mạch máu não chính là thị lực suy giảm một cách rõ rệt (Ảnh: Internet) 

 

1.8. Ung thư não

Mặc dù khá hiếm gặp nhưng khối u não có thể xuất hiện gây ảnh hưởng tới tế bào não dẫn tới não bị tổn thương và nguy hiểm tới tính mạng.

Một vài triệu chứng cảnh báo khối u não ác tính bao gồm: Đau đầu thường xuyên với cảm giác đau dữ dội, nhất là vào buổi sáng với cường độ cơn đau tăng dần; buồn nôn hoặc nôn mửa đặc biệt là sau khi ngủ dậy; người mệt mỏi, mất sức; chóng mặt; mờ mắt; ù tai, suy giảm thính lực; nói lắp; lú lẫn, thường xuyên nhớ nhớ quên quên; gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng và di chuyển; động kinh...

Tùy theo kích thước phát triển của khối u não, giai đoạn tế bào ung thư đã di căn xa chưa mà mức độ của các triệu chứng cũng có sự thay đổi theo hướng nghiêm trọng hơn.

Điều trị: Điều tri ung thư não chủ yếu bao gồm: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, thuốc corticoid, liệu pháp miễn dịch.

2. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Nếu gặp phải những dấu hiệu dưới đây, bạn cần nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ bởi những dấu hiệu này có thể cảnh báo tình trạng cần chăm sóc y tế khẩn cấp:

- Ngất xỉu, mất ý thức.

- Đau tức ngực, nặng ngực như bị tì đè vật nặng lên.

- Hụt hơi.

- Sự thay đổi đột ngột về thị lực hoặc thính lực.

- Chảy máu mũi.

- Tình trạng chóng mặt ngày càng nghiêm trọng hơn theo thời gian hoặc kéo dài trong nhiều giờ.

- Đau đầu kéo dài hơn một ngày và không thuyên giảm ngay cả khi đã uống thuốc giảm đau không kê đơn.

- Có cảm giác tê ran hoặc ngứa ran ở chân tay, nhất là khi cảm giác này chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể.

- Xệ một bên mặt, cười méo miệng.

- Nói lắp, khó khăn trong việc diễn đạt bằng lời nói.

- Mất kiểm soát chân tay, té ngã.

- Đột ngột mất thị lực một bên mắt.

Nhìn chung thì cảm giác chóng mặt, ù tai và nặng đầu hay đau đầu có thể cảnh báo nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau, từ lành tính tới nguy hiểm tới tính mạng. Điều quan trọng là quan sát cẩn thận những thay đổi bất thường của cơ thể để thăm khám sớm, giúp quá trình điều trị có hiệu quả tốt hơn.

Châu Anh/Nguồn: Healthline