|
|
Có thể hạ huyết áp qua chế độ ăn hàng ngày. Ảnh minh họa: Nguyễn Ly |
Thông tin trên xuất phát từ một nghiên cứu được công bố ngày 11.11 trên JAMA.
TS Norrina Allen (Khoa Y tế Dự phòng, Trường Y khoa Feinberg, Mỹ) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng 70–75% tất cả mọi người, bất kể họ đã dùng thuốc huyết áp hay chưa, đều có khả năng hạ huyết áp nếu giảm lượng natri trong chế độ ăn uống của mình”.
Theo đó, một thìa cà phê muối ăn có khoảng 2.300 mg natri. Đó là giới hạn về lượng natri tiêu thụ hàng ngày ở những người từ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, một người Mỹ trung bình tiêu thụ khoảng 3.400 mg natri mỗi ngày. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị, lượng natri tiêu thụ hàng ngày nên thấp hơn nhiều với 1.500 mg.
Nghiên cứu mới đây cho thấy, cần phải giảm lượng natri thấp hơn 1.500 mg để hạ huyết áp. Điều này có thể gây khó khăn cho nhiều người. Tuy nhiên, việc giảm lượng natri tiêu thụ hằng ngày vẫn là điều có lợi với người bị huyết áp cao.
TS Allen phân tích: “Huyết áp cao có thể dẫn đến suy tim, đau tim và đột quỵ vì nó gây thêm áp lực lên động mạch. Nó ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hiệu quả và bơm máu của tim”.
Trong nghiên cứu mới, các chuyên gia đã khảo sát tác động của lượng natri ăn vào đối với huyết áp ở những người trung niên đến người cao tuổi. Các đối tượng được khảo sát là 213 cá nhân ở độ tuổi từ 50 đến 75, với nhiều tình trạng huyết áp khác nhau như: Huyết áp bình thường, huyết áp cao được kiểm soát, huyết áp cao không kiểm soát được và huyết áp cao không được điều trị.
Những người tham gia nghiên cứu đã hoàn thành một tuần chế độ ăn nhiều natri và ít natri. Chế độ ăn nhiều natri là 2.200 mg, chế độ ăn ít natri với 500 mg.
Nhìn chung, chế độ ăn ít natri dẫn đến giảm huyết áp tâm thu so với chế độ ăn thông thường và chế độ ăn nhiều natri.
Cụ thể hơn, huyết áp tâm thu của những người tham gia nghiên cứu đã giảm 7–8 mmHg khi ăn chế độ ăn ít natri. Với những có người chế độ ăn nhiều natri, huyết áp tâm thu của họ giảm 6 mm Hg khi áp dụng chế độ ăn ít natri so với chế độ ăn thông thường.
Đồng nghiên cứu chính, PGS Deepak Gupta (Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt) đánh giá: Mức giảm huyết áp khoảng 6 mmHg “có thể so sánh với tác dụng với một loại thuốc hàng đầu thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao”.
Huyết áp cao có thể là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó một số yếu tố hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát (như di truyền). Chế độ ăn uống hàng ngày được cho có tác động đặc biệt lớn đến tình trạng bệnh huyết áp.
Đối với nhiều người bị huyết áp cao, có thể áp dụng chế độ ăn DASH (phương pháp ăn kiêng để ngăn chặn tăng huyết áp). Cách thức của chế độ ăn này là khuyến khích nạp vào trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và sữa ít béo, đồng thời hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và đường.
Bác sĩ tim mạch Raghav Sharma (người sáng lập Heartwell Cardiology), hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm chế biến siêu nhanh là một phần quan trọng của hạn chế tình trạng huyết áp.
Bác sĩ Toby Amidor - người sáng lập Toby Amidor Nutrition - cho biết: Giảm muối không nhất thiết là ăn đồ ăn nhạt. Có rất nhiều cách để thêm hương vị cho thực phẩm mà không cần muối như dùng các loại thảo mộc tươi (húng quế, ngò...), gia vị khác (quế, ớt bột, thì là...) và nước trái cây (nước ép lựu, cam, dứa... nguyên chất).
Theo laodong